Bé trai trong vụ cả gia đình bị ngộ độc bánh ngô đã được cứu sống và xuất viện ngày 14/5.
Vụ ngộ độc tập thể xảy ra vào ngày 29/4 tại một gia đình người dân tộc Mông ở thôn Lùng Vái, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ - tỉnh Hà Giang. Sau khi ăn bánh trôi ngô để lâu ngày, 7 thành viên trong gia đình đều bị ngộ độc ở mức độ khác nhau. Hậu quả, 4 người tử vong, trong đó 3 trẻ em dưới 12 tuổi và 1 người lớn. Bé Cháng Mí Mù, 13 tuổi được chuyển xuống cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) vào chiều ngày3/5.
Dù bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hoàn toàn tỉnh táo nhưng chỉ vài giờ sau cháu Mù suy sụp rất nhanh, dần rơi vào tình trạng hôn mê.
PGS.TS. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, cho biết qua kinh nghiệm điều trị và qua điều tra các bệnh án của những bệnh nhân trong vụ ngộ độc ở Hà Giang cho thấy, bệnh nhi đang trong quá trình bị hoại tử tế bào gan rất nhanh, nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn tới hôn mê gan tối cấp, tử vong nhanh chóng. Suy gan cấp do viêm gan nhiễm độc có tỷ lệ tử vong lên tới 80 %.
Diễn biến hoại tử gan ở bệnh nhi này chậm hơn những bệnh nhân đã tử vong khác một ngày nhưng tốc độ tăng men gan cũng rất cao chỉ trong vòng vài tiếng. Sáng, kết quả xét nghiệm ở Hà giang là 1000 thì thì lên Bệnh viện Bạch Mai đã là hơn 8000, phó giáo sư Duệ cho biết.
Cũng theo PGS.TS Phạm Duệ, tình trạng của bệnh nhân khi đó hết sức nguy cấp, áp dụng các biện pháp hồi sức toàn diện và tích cực. Đây là lần đầu tiên Trung tâm chống độc thực hiện 8 giờ thay huyết tương một lần, (trước là 24 giờ/lần) và cứ sau 30 phút, Khoa Huyết học lại cung cấp kết quả xét nghiệm đông máu và chuẩn bị đủ số huyết tương để điều trị cho cháu bé. Bên cạnh đó, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sang cũng xây dựng một chế độ ăn đặc biệt cho bệnh nhân nhiễm độc gan, ăn từ từ để gan có thể thích nghi.
Tuy nhiên, có một khó khăn lớn là gia đình bệnh nhân là dân tộc người Mông không có khả năng chi trả khoản viện phí khổng lồ do phải thay huyết tương và lọc máu liên tục. Ban giám đốc BV Bạch Mai đã yêu cầu tập trung cứu tính mạng cháu bé, đồng thời khẳng định sẽ chi trả cho bệnh nhân, kể cả những xét nghiệm phải chuyển sang các bệnh viện và trung tâm khác để hỗ trợ. Toàn bộ chi phí điều trị gần 600 triệu đồng đã được BV Bạch Mai miễn phí cho gia đình em Cháng Mí Mù.
Sau 10 ngày điều trị tại Trung tâm Chống độc, bé Mù đã được xuất viện trong tình trạng sức khỏe hồi phục tốt.
Bé Mù và bố vui mừng trong ngày ra viện (Ảnh Mai Hương)
Có mặt tại lễ tiễn bé Cháng Mí Mù ra viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã thay mặt Bộ Y tế tặng bằng khen cho BV Bạch Mai và các khoa phòng, y bác sĩ đã nỗ lực cứu cháu bé thoát khỏi bàn tay tử thần.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, trong những năm gần đây, các vụ ngộ độc nổi lên như những căn “bệnh lạ”, khó chữa, vốn ít gặp nhưng gây hậu quả chết nhiều người. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2002 trở lại đây, chỉ riêng Hà Giang đã có gần 100 bệnh nhân ngộ độc do ăn bánh ngô bị mốc, trong đó có 47 tử vong. Những trường hợp này, bệnh cảnh diễn ra thường nặng nề, phức tạp, tử vong nhanh.
“Đây cũng là nguyên nhân mà từ trước tới nay, các bệnh nhân không được chuyển về Bệnh viện Bạch Mai. Khó khăn cho công tác chẩn đoán và điều trị đã gây hoang mang cho đồng bào dân tộc. Lần này do được thông tin kịp thời với cháu Cháng Mí Mù, bệnh nhân nặng duy nhất còn lại đã được cứu sống”, thứ trưởng Xuyên nói.
Bánh trôi ngô là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông tỉnh Hà Giang. Nhiều gia đình ở đây có thói quen để bánh lâu ngày nên nhiều năm qua liên tục xảy ra những vụ ngộ độc trầm trọng do nhiễm độc tố từ vi nấm trong bánh bị mốc. Các chuyên gia khuyến cáo người dân khi đã xay ngô thành bột nước hoặc lọc thành bột khô cần sử dụng ngay trong ngày. Bánh làm từ bột ngô cũng nên ăn trong ngày, chậm nhất là ngày hôm sau vì bánh để lâu là điều kiện lý tưởng cho vi nấm xâm nhập. |