Đó là cách làm rất hay đang được triển khai tại trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường 9, quận 4, TP HCM). Học sinh mỗi lớp sau khi thu hoạch rau sạch sẽ bán lại cho phụ huynh để làm quỹ lớp, đồng thời sử dụng tiền đó mua lại hạt để trồng vụ rau khác.
Tiếng trống trường vang lên, hàng trăm học sinh trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ùa ra sân giải lao. Lúc này, nhiều em cũng tìm lên sân thượng tầng 3 của trường để chăm sóc rau sạch cùng cô giáo chủ nhiệm.
Trong không khí vui vẻ, nhiều cô giáo xoắn tay áo dài để nhổ cỏ, bón phân, gieo lại hạt mới; còn học sinh hăng say dùng những chiếc bình nhựa nhỏ xịt tưới từng chậu rau, chăm chút cẩn thận.
Cô giáo Phạm Thúy Hà – Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Bắt đầu từ giữa tháng 12/2015 đến nay, nhà trường bắt đầu triển khai mô hình trồng rau sạch đến các lớp, cô chủ nhiệm và học sinh. Mặc dù chỉ mới triển khai được khoảng 3 tuần nhưng thấy rất hiệu quả, mỗi lớp đã có 3 đợt thu hoạch trồng vụ rau sạch mới.
Theo cô Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thực hiện mô hình trồng rau sạch giúp các em học hỏi các kĩ năng sống và học các môn tự nhiên, làm văn trở nên sinh động, trực quan hơn.
Khi được hỏi, xuất phát từ lý do nào, nhà trường mình lại cho triển khai mô hình này? Cô Hà chia sẻ: “Việc triển khai mô hình trồng rau sạch để cho các em học được kĩ năng sống, làm việc cá nhân và theo nhóm. Qua đó, cũng là nơi để các em được thực hành, học tập thực tế. Lâu nay, việc học tập chỉ diễn ra xung quanh trong lớp, các em chưa được tham gia vào hoạt động nào vừa mang lại niềm vui, phấn khởi mà còn học hỏi được các kĩ năng cần thiết. Từ khi triển khai trồng rau, các em biết được cách gieo hạt, làm đất, bón phân, tưới nước sao cho đúng; rồi thu hoạch đi bán để đem lại lợi nhuận…Các em rất vui tươi, tự hào vì thành quả của mình cùng các bạn sau mỗi lần như vậy!”
Theo cô Hà, hiện toàn trường có 32 lớp học, mỗi lớp được giao 9 thùng nhựa nhỏ đặt trên kệ sắt từng tầng để trồng rau. Kinh phí để làm mô hình này mỗi lớp được phụ huynh các em tài trợ.
Hiện trong vườn trồng chủ yếu các loại rau như: Mồng tơi, rau muống, cải mầm, cải xanh…Mỗi loại rau sẽ có một biển nhỏ cắm trong từng chậu để nhận biết và có ghi thời gian trồng, dự kiến thời gian thu hoạch.
Cứ mỗi giờ ra chơi buổi sáng và buổi chiều, mỗi lớp sẽ cử ra hai em lên phụ cùng cô giáo chăm sóc, nhỏ cỏ, tưới nước, bón phân cho rau tươi tốt. Khoảng 6-7 ngày đến vụ thu hoạch, cả lớp lại cùng nhau lên cắt bó lại theo chỉ dẫn của cô giáo để đem bán cho phụ huynh và làm thức ăn trong bếp nhà trường.
Đến giờ ra chơi, mỗi lớp cử hai em học sinh cùng cô giáo chủ nhiệm chăm sóc, tưới nước, bón phân cho rau. Đến khi thu hoạch, cả lớp cùng cắt, bó rau để bán cho phụ huynh
Cô Hà cười vui nói: “Phụ huynh của các em rất ủng hộ mô hình này, chưa đến vụ thu hoạch mà nhiều phụ huynh đã “đặt hàng” trước rồi. Bởi rau sạch, tươi ngon, chất lượng. Thế nên rau ngoài để bán cho phụ huynh, nếu dư ra thì nhà trường để phục vụ trong bếp ăn. Các em cũng rất thích ăn rau hơn, bởi chính do lớp mình trồng ra”
Việc trồng rau cũng giúp cho nhiều môn học được thực tế hơn. Khi dạy các môn Tự nhiên xã hội, Làm văn…các thầy cô lại đưa các em lên trực tiếp chỉ bảo. Cây trồng quang hợp, lớn nhờ chất dinh dưỡng như thế nào? Tả cây, khu vườn trồng rau ra sao cho thực tế, sinh động?...
Em Đặng Mai Linh, lớp 5/3, chia sẻ: “Con cảm thấy rất vui khi mình được trực tiếp chăm sóc cho rau lớn. Mỗi khi đến vụ thu hoạch, con lại được cùng các bạn học cách cắt rau, bó lại bán cho ba mẹ và các cô chú. Việc trồng rau cũng giúp con học được các môn thực tế hơn, rất vui ạ!”
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Ngân, dạy lớp 3 cũng bày tỏ: “Từ đó đến giờ chưa quen trồng rau nên cô cũng rất ngại, học sinh cũng chưa biết gì mình lo lắm! Thế nhưng, khi triển khai làm có kết quả học trò rất thích thú, vui vẻ. Việc học các môn học cũng được trực quan, sinh động hơn. Phải nói là, triển khai mô hình trồng rau sạch này mang lại hiệu quả rất lớn!”
Một số hình ảnh trồng rau sạch của trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi:
Tận dụng sân thượng rộng hơn 200 mét vuông tầng 3, bắt đầu từ giữa tháng 12/2015, trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi triển khai mô hình trồng rau sạch
Các em học sinh chăm sóc rau, rất vui vẻ, phấn khởi và tự hào vì mình làm được việc như một nông dân thực thụ
Mồng tơi, rau muống, cải mầm, cải xanh…Mỗi loại rau sẽ có một biển nhỏ cắm trong từng chậu để nhận biết và có ghi thời gian trồng, dự kiến thời gian thu hoạch
Mỗi lớp được bố trí 6 thùng nhựa nhỏ để trên các khung sắt thành 3 tầng tiện cho việc chăm sóc
Mỗi loại rau được cắm một tấm biển nhỏ để nhận biết; sau khoảng 6-7 ngày rau được thu hoạch để bán cho phụ huynh và dùng làm thức ăn trong bếp nhà trường
Giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ nhận công việc làm cỏ, bón phân, gieo hạt, cắt rau còn học sinh sẽ tưới nước, bó rau bán khi đến vụ thu hoạch
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ: “Từ đó đến giờ chưa quen trồng rau nên cô cũng rất ngại, học sinh cũng chưa biết gì mình lo lắm! Thế nhưng, khi triển khai làm có kết quả học trò rất thích thú, vui vẻ. Việc học các môn học cũng được trực quan, sinh động hơn.