Giữa trung tâm Hà Nội, một bể xương người với hàng trăm nghìn hài cốt được chôn cất tập thể. Họ là những người vô danh, nạn nhân của nạn đói năm 1945, được thắp chung 1 lư hương dưới tấm bia tưởng niệm.
Bể xương khổng lồ nơi hàng trăm nghìn đồng bào chết vì đói
Dù 75 năm đã trôi qua, nạn đói năm 1945 đối với nhiều người vẫn là một ký ức kinh hoàng. Ước tính có đến hơn 2 triệu đồng bào đã chết trong nạn đói năm ấy. Với lượng người chết lớn như vậy, họ đã được chôn cất ở đâu?
Để trả lời cho câu hỏi trên, qua nhiều nguồn tư liệu, chúng tôi tìm đến một trong những nơi yên nghỉ của hàng trăm nghìn đồng bào ta chết vì đói năm 1945. Đó là nấm mồ tập thể nằm sâu trong con phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Nơi đây được xây dựng gọn gàng và sạch sẽ với nhưng chậu hoa, cây cảnh được bố trí khắp khuôn viên. Ngoài ngôi nhà tưởng niệm 2 tầng, giữa khuôn viên còn có một tấm bia ghi dòng chữ lớn: “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944-1945”.
Khu tưởng niệm hiện đã được xây dựng gọn gàng, với nhiều hoa tươi, cây cảnh được bố trí.
Kính cẩn nghiêng mình thắp một nén hương thơm trước vong linh những người đã mất, ông Đặng Văn Tuyến (69 tuổi - người trông coi khu tưởng niệm) nói rằng: “Nơi tôi đang đứng đây, ngay bên dưới là bể xương người khổng lồ của đồng bào ta chết cách đây 75 năm”.
Nghe xong câu nói đó, có một cảm giác rờn rợn thoáng qua trong tâm trí chúng tôi. Nhưng rồi cảm giác ấy qua đi nhanh chóng. Thay vào đó là sự xót xa khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh ghi lại nạn đói năm 1945 đang được trưng bày trong nhà tưởng niệm.
Theo lời kể của ông Tuyến, khu vực này trước kia vốn là nghĩa trang Hợp Thiện trải dài từ bờ sông Kim Ngưu cho đến tận chân cầu Vĩnh Tuy bây giờ. Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, người dân làm nhà và dần dần nghĩa trang biến mất, chỉ còn lại khu tưởng niệm như hiện nay.
Hình ảnh người chết đói năm 1945 được lưu giữ tại khu tưởng niệm.
Trước đây, đã có thời gian khu tưởng niệm này tưởng chừng như đã bị biến mất khi không có ai quan tâm, tôn tạo. Những năm 1990, bể xương khổng lồ này còn nằm lộ thiên không được chôn lấp. Mãi đến năm 2003 mới được cải tạo, sửa sang lần thứ nhất.
“Các hình ảnh tư liệu cho thấy, khi nạn đói hoành hoành, xác người được chở bằng xe kéo tay đổ xuống khu vực nghĩa trang Hợp Thiện này. Khi tôn tạo lại, xương người được xếp chồng đống lên nhau ở bên dưới.
Rồi khi các hộ dân về đây sinh sống, trong quá trình làm nhà họ phát hiện ra nhiều hài cốt nên đã cho vào tiểu sành rồi mang đến đây. Lúc đó tiểu quách chứa xương người nhiều không đếm xuể. Dù tôi cũng là 1 trong số những người tham gia xây dựng, cải tạo nhưng cũng không thể thống kê được có bao nhiêu vạn người đang nằm dưới bể xương này”, ông Tuyến chia sẻ.
Nơi chôn cất những người chết đói lần đầu được dựng bia năm 1951.
Sau lần cải tạo năm 2003, đến năm 2013 một lần nữa khu tưởng niệm được xây dựng, cải tạo lại. Mặt trên của bể xương được ốp đá, tường rào và cổng được xây mới. Duy có tấm bia là vẫn giữ nguyên trạng từ năm 1951 cho đến giờ, lâu lâu lại được phủ lên 1 lớp sơn mới.
Trông coi giấc ngủ cho đồng bào không có gì phải sợ
Đối với nhiều người nghe đến nghĩa trang đã có cảm giác “sởn da gà”, vậy mà ông Đặng Văn Tuyến đã làm công việc trông coi khu tưởng niệm - nơi chôn hàng trăm nghìn hài cốt đến nay đã tròn 15 năm. Khi hỏi lý do, ông Tuyến từ tốn đáp: “Đó có lẽ là cái duyên. Tôi trông coi giấc ngủ cho đồng bào, hương khói cho đồng bào nên chẳng có gì phải sợ cả”.
Người đàn ông này chia sẻ, thời gian đầu nhận nhiệm vụ, nhiều người hàng xóm cũng dèm pha nói ông bị hâm dở, có vấn đề. Dù vậy, ông Tuyến bỏ ngoài tai tất cả và với tính cách của một người lính, khi đã nhận nhiệm vụ thì sẽ phải hoàn thành.
Ông Tuyến hàng ngày dọn dẹp và thắp hương cho những người đã khuất.
15 năm trông coi giấc ngủ đồng bào, khu tưởng niệm này luôn được quét dọn sạch sẽ, hương khói hàng ngày. Đặc biệt, ngày rằm - mùng 1 ông Tuyến mở cửa cả ngày để người dân đến thắp hương cho những vong linh đang yên nghỉ dưới mồ.
“Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tháng 7 mọi người đến thắp hương đông lắm. Để phục vụ cho tất cả mọi người tôi ghi biển số điện thoại treo ở cửa để những lúc mình không có mặt, khách đến họ chủ động gọi mình”, ông Tuyến chia sẻ.
Suốt thời gian làm công việc trông coi khu tưởng niệm, ấn tượng lớn nhất đối với ông Tuyến đó là những đoàn khách đến từ Nhật Bản. Họ đến thăm ngôi mộ, chụp ảnh lấy tư liệu và có những người viết thành sách rồi gửi lại Việt Nam.
Nhiều người Nhật Bản tìm đến khu tưởng niệm để thắp nén hương cho người đã mất và ghi lại những dòng chữ trong cuốn sổ tại nhà trung bày.
Nhiều du khách Nhật Bản là con cháu của những người từng tham chiến tại Việt Nam trong giai đoạn năm 1944 - 1945. Giờ đây khi chiến tranh đã đi xa, họ muốn quay trở lại để cảm nhận sự đau thương mất mát của dân tộc ta. Họ muốn nói lời xin lỗi đến những vong linh đã khuất dù cho họ không trực tiếp gây ra cái chết của đồng bào ta năm nào.
Giữa cái nắng trưa hè, thoảng thoảng những cơn gió ngang qua, mùi hương hoa hòa quyện với nhau…nhưng dường như nỗi đau của quá khí vẫn còn phảng phất đâu đây, như nhắc nhở thế hệ trẻ bước chân tới đều phải ghi nhớ đến một thời kỳ đen tối nhất của đất nước.