Nhân viên y tế khi có kết quả xét nghiệm âm tính vẫn bị cách ly, không cho đến bệnh viện sẽ gây khó khăn trong việc điều trị những bệnh nhân nặng đang ở bệnh viện.
TS Dương Đức Hùng chia sẻ về những biện pháp triển khai phòng dịch và khó khăn khi nhân viên y tế bị cách ly.
Tính đến thời điểm 17 giờ ngày 29/3, cả nước đã có 179 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 16 ca liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai. Trước diễn biến phức tạp tại “ổ dịch” này, tại cuộc họp trực tuyến chiều cùng ngày, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã có những thông tin cụ thể về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định hiện bệnh viện đã lấy trên 7.000 mẫu xét nghiệm của nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân, nhân viên dịch vụ trong viện. Hiện tại tất cả số lượng mẫu đã có kết quả âm tính, chưa có nhân viên y tế nào trong số này mắc bệnh.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, tối ngày 28/3, bệnh viện đã phối hợp cùng quân đội di chuyển gần hết số lượng người nhà của bệnh nhân trong bệnh viện đi cách ly tập trung tại Láng Hòa Lạc (Hà Nội). Tại bệnh viện chỉ còn số ít là người nhà của những bệnh nhân có nguy cơ tử vong, nhưng ở lại đều có kiểm soát và có khu vực riêng.
TS Dương Đức Hùng cho biết việc cách ly nhân viên y tế đã có xét nghiệm âm tính gây khó khăn trong quá trình điều trị tại bệnh viện.
Theo đó, BV Bạch Mai hiện chỉ còn 793 bệnh nhân đang nằm ở bệnh viện, trong có 353 người có thể ra viện, 137 bệnh nhân có khả năng chuyển xuống tuyến dưới, 198 bệnh nhân nặng không thể di chuyển ra khỏi Bệnh viện Bạch Mai nếu không có phương tiện hỗ trợ.
TS Hùng cũng chia sẻ hiện khó khăn mà bệnh viện gặp phải đó chính là nhân lực y tế. Theo đó, sau khi Hà Nội có quyết định cách ly với tất cả những người liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai từ 12/3 đến nay, toàn bộ nhân viên Bệnh viện Bạch Mai ở địa bàn Hà Nội bị cách ly tại chỗ, không di chuyển, điều này gây ra sự khó khăn trong đi lại cho cán bộ nhân viên y tế.
“Đối với nhân viên y tế không riêng ở BV Bạch Mai đã là phơi nhiễm chủ động, tức là đã chủ động phòng ngừa và tự cách ly, như vậy không thể áp dụng cách ly đối với nhân viên y tế như người bình thường được.
Hiện tại nhiều người đang nhầm lẫn giữa hai khái niệm đó nên nhân viên của Bệnh viện Bạch Mai không được đi làm, cũng như không được ra khỏi nhà. Việc này cần xem xét vì nó sẽ ảnh hưởng đến 800 bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Hơn nữa, tất cả hiện đã được sàng lọc, giờ nhân viên không đi làm được. Việc cách ly rất khó khăn trong công tác điều trị tiếp", ông Hùng nói.
Cuộc họp trực tuyến nhằm triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Nếu không có sự điều chỉnh và “gỡ khó” cho nhân viên y tế, TS Hùng cho rằng chỉ trong 3 ngày tới, khi phải tăng cường toàn bộ nhân viên y tế phục vụ điều trị, bệnh viện sẽ rất thiếu người.
Cũng tại buổi họp này, GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết phải có hành động quyết liệt để nhân viên y tế được đến Bệnh viện Bạch Mai làm việc.
Ông Tuấn cũng thông tin, khoa chạy thận vẫn đang hoạt động tất cả đối tượng chạy thận nhân tạo trong bệnh viện đã kê khai y tế, dịch tễ, cam kết tự cách ly theo đúng hướng dẫn.
Bệnh viện cũng đã thống nhất với phường có bệnh nhân thận nhân tạo, phối hợp giám sát bệnh nhân chạy thận xong phải về nhà, khi vào bệnh viện chạy thận cũng đi bằng 1 lối riêng, có nhân viên hướng dẫn, tuyệt đối không đi lại trong bệnh viện. Những biện pháp này nhằm giảm nguy cơ đưa nguồn nhiễm bệnh từ ngoài vào bệnh viện.