Bức tranh "Tiếng thét (The Scream) của danh họa người Na Uy Edvard Munch được bán với giá kỷ lục 119,9 triệu USD (hơn 460 tỷ đồng) vào năm 2012 nhưng bầu trời trong đó vẫn mãi là một bí ẩn cho đến năm 2018.
Bức tranh The Scream (Tiếng hét) được vẽ năm 1893 là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Edvard Munch. Nhiều người đã ca ngợi đây là một trong những tuyệt tác nghệ thuật của nhân loại. Thế nhưng trong suốt nhiều năm, giới khoa học đã phải đau đầu đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Tại sao màu của bầu trời trong bức tranh lại rực đỏ và tại sao nhân vật trong bức tranh lại mang tâm trạng hoảng sợ đến vậy?
Năm 2004, một số người nói rằng bầu trời trong bức họa là một buổi hoàng hôn sau vụ núi lửa Krakatau phun trào năm 1883 ở Indonesia, trong khi những người khác nghĩ bầu trời lượn sóng trong bức họa chính là tiếng hét của mẹ thiên nhiên.
Bức tranh "Tiếng hét" nổi tiếng thế giới.
Nghiên cứu gần đây nhất đã đưa ra một phân tích khoa học và chi tiết về các bức họa của Edvard Munch, tập trung vào các bức ảnh hoàng hôn sau khi núi lửa phun trào và các đám mây xà cừ, phân tích màu sắc và hình dáng các đám mây.
Những đám mây xà cừ, đôi khi còn được gọi là đám mây óng ánh như xà cừ, được hình thành ở những khu vực rất lạnh, thấp hơn tầng bình lưu khoảng 15-25 km và cao hơn các đám mây tầng đối lưu.
Chúng rất sáng sau khi mặt trời lặn và trước bình minh bởi ở độ cao đó, chúng vẫn còn có ánh nắng. Những đám mây này được hình thành khi khí metan trong khí quyển phản ứng với ozone. Và chính bề mặt cong hình cầu của Trái đất đã góp phần giúp cho các đám mây nhận được ánh sáng hắt lên chân trời, phản xạ lại với mặt đất tạo nên hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này.
Các nhà khoa học tại ĐH Rutgers, New Brunswick, ĐH Oxford và ĐH London giờ đây tin rằng những đám mây xà cừ thường được nhìn thấy ở Na Uy chính là nguồn cảm hứng cho khung ảnh ấn tượng trong bức tranh "Tiếng hét". Nghiên cứu của họ đã được công bố trên Bản tin của Hiệp hội Khí tượng Hoa Kỳ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng màu của bầu trời trong bức tranh là những đám mây xà cừ.
Alan Robock, đồng tác giả nghiên cứu và là một giáo sư nổi tiếng của khoa Khoa học Môi trường tại Rutgers-New Brunswick nói rằng: "Thứ gì đó đang la hét trên bầu trời và người trong tranh dùng tay bịt tai lại để không nghe thấy tiếng hét".
"Nếu bạn đã đọc những gì Munch viết, thì bầu trời đang thét ra máu và lửa", Alan Robock nói.
Phiên bản đầu tiên của "Tiếng hét" ra đời năm 1893. Nó khắc họa một nhân vật giống như con người, màu đen trắng, đang ôm chặt đầu trong nỗi kinh hoàng trên nền trời cuộn trào màu đỏ cam.
Có đến 4 phiên bản "Tiếng hét" được biết đến: phiên bản vẽ bằng màu keo trên bìa cứng năm 1893, vẽ bằng màu chì năm 1983, bản vẽ bằng màu phấn trên bìa cứng năm 1895 (được tỷ phú Leon Black mua lại với giá gần 120 triệu USD) và một phiên bản vẽ bằng màu keo khác được cho là vẽ năm 1910.