Bị quấy rối liên tục trên mạng, cô gái 9X vẫn phải "thảo mai" tiếp chuyện người lạ vì làm công việc Social Marketing

Sa Nhi - Ngày 25/08/2023 06:59 AM (GMT+7)

Làm ngành nghề Social Marketing, từ lâu, việc phải đối đầu với thế giới ảo xô bồ gây ra bao cảnh dở khóc dở cười đã là chuyện thường ngày với Ngân Khánh (27 tuổi, Hà Nội). 

Thế giới ảo là nơi nhiều người thoải mái thể hiện bản thân vì họ luôn nghĩ rằng mình an toàn đằng sau một lớp màn hình và những dòng code ảo. Tuy nhiên, sự thoải mái bộc lộ của họ cũng lại là đặc điểm để một số ngành nghề có thể khai thác. Và từ đó, những người làm vai trò Social Marketing như Ngân Khánh (27 tuổi, Hà Nội) và Hoàng Hà (25t, làm nghề Digital Marketing tại TP.HCM) đã ra đời.

Công việc không cố định, đặc biệt cần nắm bắt xu hướng (các hot-trend)

Xuất phát điểm là sinh viên ngành Marketing, sau khi tốt nghiệp và trải qua một vài vị trí trong ngành, Ngân Khánh cuối cùng lại gắn bó với công việc Social Marketing. 

Lúc đầu quả thực mình không ngờ nhiều người có thể xấu tính đến thế trên mạng xã hội.” - Ngân Khánh chia sẻ, “nhưng dần mình lại thấy hay khi có thể tha hồ "lùa gà", thao túng tâm lý một đám đông trên mạng để đạt được mục đích. Có lẽ mình cũng hơi biến thái chăng?” (cười) 

Bị quấy rối liên tục trên mạng, cô gái 9X vẫn phải amp;#34;thảo maiamp;#34; tiếp chuyện người lạ vì làm công việc Social Marketing - 1

Công việc của Ngân Khánh là xây dựng các hội nhóm để tạo cộng đồng phù hợp theo yêu cầu công việc, hoặc tạo content lập các Page/Facebook ảo nhằm lôi kéo lượng tương tác và follow lớn để sau dễ "sang tay" bán lại cho người khác. Để làm được việc này, cô không chỉ có một mình mà thường có một đội cùng làm việc với nhau, mỗi người có thể phụ trách 2-3 group/page Facebook với các chủ đề khác nhau, từ đó phối hợp chia sẻ nội dung và follower chéo nhau trên các nền tảng. 

Về thu nhập và chi tiết công việc, Ngân Khánh cho biết: “Thu nhập thì chủ yếu mình có lương cứng theo KPI, ngoài ra, khi xây dựng được một Page, Group hoặc Facebook đủ số lượng follow và tương tác để đem bán, mình và team sẽ được chia hoa hồng theo lợi nhuận. Nếu là các cộng đồng hoặc Fanpage vệ tinh trực thuộc hệ thống công ty, bọn mình cũng sẽ được chia hoa hồng theo doanh thu quảng cáo trên kênh”.

Công việc thường ngày thật ra không bận nhưng cũng không nhàn, vì đặc trưng các công việc liên quan đến Social Marketing thường không cố định, nhiều khi cả ngày mình chỉ lang thang trên mạng tìm hiểu trend hoặc các nội dung đang hot làm tài liệu tham khảo, có ngày thì ngồi làm nội dung và kịch bản để phân chia đăng content cho hệ thống kênh, cũng có khi phải chịu khó đi kéo tương tác về page nữa. Công việc không quá khó, nhưng cũng cần các kỹ năng khác như biết một chút về thiết kế, chỉnh sửa ảnh, chỉnh sửa video, khả năng viết content tốt… Và đặc biệt là chịu khó nắm bắt các xu hướng trên mạng xã hội.

Nhiều người làm Social Marketing tránh lợi dụng những drama tai tiếng

Vụ việc gần đây có một group Facebook nhanh chóng được lập ra để anti một cô hoa hậu được coi là rất thành công về mặt số lượng, dù không đúng chuẩn mực đạo đức. Đây là "case-study" tiêu biểu về việc làm sao để lợi dụng và thao túng đám đông để đạt được mục đích.

Có khi những người lập ra group này cũng chẳng có ý thù ghét cô ấy đến thế, họ chẳng qua chỉ lợi dụng tai tiếng của cô ấy để trục lợi mà thôi. Vì những drama tai tiếng cũng chỉ 3-6 tháng là dư luận cũng sẽ quên đi, lúc đó cái group kia sẽ chẳng có mấy người còn hoạt động và có gì để kết nối những thành viên lại với nhau nữa, chờ thêm một thời gian là có thể bán group lấy tiền rồi.” 

Ngân Khánh cho biết, cách làm lợi dụng tai tiếng cũng là thứ rất nhiều người trong nghề như cô tránh làm, vì nếu cứ lợi dụng những điều tiêu cực thì thứ cộng đồng thu lại được cũng tiêu cực không kém, chưa kể đến việc nếu liên quan đến cá nhân, tổ chức, tập thể nào đó, thì khả năng cao còn bị dính đến các vấn đề pháp lý hoặc bị kiện cáo về sau.

“Những đám đông giận dữ thì dễ thu hút và tụ lại với nhau, nhưng về bản chất, nếu đã để bị cơn giận dẫn dắt thì họ cũng chỉ là những kẻ hời hợt”.

“Những đám đông giận dữ thì dễ thu hút và tụ lại với nhau, nhưng về bản chất, nếu đã để bị cơn giận dẫn dắt thì họ cũng chỉ là những kẻ hời hợt”.

Đôi khi người lạ inbox sỗ sàng vẫn phải "thảo mai" tiếp chuyện

Có 2 cách chính để xây dựng được lượng follow lớn là: Ăn theo trend nóng về những sự kiện hot đang xảy ra trên mạng lẫn ngoài đời - cách này nhanh nhưng chỉ cần sự kiện nguội đi, lượng tương tác sẽ sụt giảm; và cách thứ hai chậm mà chắc hơn, xây dựng những nhóm cộng đồng hoặc Facebook/Page theo một chủ đề nội dung cụ thể.

Ngân Khánh chia sẻ, “Vài năm trước, để lôi kéo follower, mình toàn lập những Facebook giả, qua các nền tảng mạng xã hội khác tìm ảnh những cô gái hoặc chàng trai ưa nhìn rồi mang về post, thêm content hóm hỉnh, “deep deep” hoặc ảnh trai xinh gái đẹp một tí là tha hồ được kết bạn rồi like mệt nghỉ. Mình còn trộn lẫn ảnh mình chụp với ảnh của họ để tăng thêm độ chân thực, xong còn lên cả kịch bản tính cách cho cô nàng/anh chàng ảo này nữa. Nhiều khi diễn sâu quá, mình còn giả vờ bị thất tình hay gặp biến cố lớn trong đời, rồi được một đống người inbox hỏi han an ủi nữa cơ. 

Nhưng thú thực thì những người hỏi thăm hẳn hoi thì không nhiều, mà những người hay vào inbox chủ yếu toàn gạ gẫm với muốn bắt chuyện làm quen với "nhân vật ảo" mà mình dựng lên. Họ nói chuyện nhiều khi sỗ sàng và khá khiếm nhã, nhưng mà vì công việc, mình vẫn phải tương tác qua lại với họ một chút, hoặc nếu nick đó còn ít bạn thì cũng phải giả vờ thảo mai tiếp chuyện với họ.”

Ân hận vì ham hư vinh trước mắt, gây tổn thương đến người khác

Những người như Ngân Khánh thường làm cho các công ty hoặc agency (công ty cung cấp các dịch vụ liên quan đến Marketing, truyền thông, quảng cáo được thiết kế và tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu đặc biệt của khách hàng) có uy tín, nên cách họ xây dựng các trang, hội nhóm hay đi theo hướng cẩn trọng và mang giá trị lâu dài. Nhưng cũng có những "đồng nghiệp" khác như Hoàng Hà (25 tuổi, làm nghề Digital Marketing tại TP.HCM) lại có những cách tiếp cận không từ thủ đoạn. Họ chủ yếu là Freelancer hoặc hoạt động theo những đội nhóm nhỏ chuyên nhận “out-source” từ các khách hàng nhỏ lẻ.

Hoàng Hà cũng khá ngại ngùng khi đề cập đến những gì đã làm, chỉ có thể chia sẻ khái quát: “Thú thực em cũng biết điều mình làm không đúng đắn gì, nhưng mà  khi dắt mũi được cả đám đông như thế, em lại thấy cơn ham hư danh trong bản thân trỗi dậy, có khi em còn bịa đặt, hoặc thêm mắm dặm muối vào câu chuyện cho thêm phần thú vị. Nếu kéo trend theo kiểu tiêu cực như lập hội nhóm anti, thì đám đông họ càng dễ bị thao túng để đi theo em "chinh chiến’" với những luồng thông tin đúng sự thật khác” .

“Nếu có điều gì hay ho ở những đám đông giận dữ, thì là vì họ quá tập trung vào cơn giận mà đôi khi bỏ quên những thứ khác. Những thứ như sự thật là họ đang đi trên một chiếc xe được lái bởi một kẻ mà chính hắn đã gây ra cơn thịnh nộ của họ ngay từ đầu”.

“Nếu có điều gì hay ho ở những đám đông giận dữ, thì là vì họ quá tập trung vào cơn giận mà đôi khi bỏ quên những thứ khác. Những thứ như sự thật là họ đang đi trên một chiếc xe được lái bởi một kẻ mà chính hắn đã gây ra cơn thịnh nộ của họ ngay từ đầu”. 

Thật ra giờ chủ yếu em làm các công việc thiên về SEO hoặc seeding hơn chứ đã bỏ cái "nghiệp" này mấy tháng nay, sau vụ em lập nhóm anti một KOLs làm chị ấy bị trầm cảm nặng đến mức phải nhập viện. Chị ấy còn có 2 đứa con nhỏ và tầm tuổi như chị gái em, thành ra… em cảm thấy mình đã tồi tệ và quá đáng quá, cứ có cảm giác như đã phá hủy và dẫn dắt dư luận công kích cả gia đình người ta vậy…” 

Trong số những bạn trẻ bước chân vào nghề Social Marketing, những người còn lương tâm và biết quay đầu như Hoàng Hà không hề ít. Có thể khi còn trẻ và thích thể hiện bản thân, môi trường mạng xã hội ảo làm họ cảm thấy mình được tự do thể hiện, được trao cho quyền lực dẫn dắt đám đông, và những thứ đó làm họ càng ham theo đuổi thứ hư vinh ảo. Sau này khi đã có nhiều trải nghiệm và đã định hình rõ nhân sinh quan đúng đắn, nhiều bạn đã biết "quay đầu", thậm chí làm những công việc chống lại sự độc hại mà mạng xã hội mang đến. 

Với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại 4.0, may mắn là hiện nay nhiều nền tảng đã kiểm soát các nội dung xấu độc trên mạng chặt chẽ hơn, cũng như nhiều quốc gia cũng đã hoàn thiện hơn các thể chế và quy định đối với nội dung trên các mạng xã hội nói riêng, và chế tài xử phạt với nhiều vụ việc công kích bôi nhọ cá nhân lẫn tổ chức nói chung. Tuy vẫn còn nhiều kẻ lợi dụng những kẽ hở của chính sách và pháp luật để lách luật, nhưng họ cũng ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc thực thi các thủ đoạn.

Có lẽ trong tương lai không xa, chúng ta sẽ chứng kiến một môi trường mạng xã hội văn minh hơn, được kiểm soát tốt hơn, để chính những nhân sự hành nghề Social Marketing và đám đông cư dân mạng Việt có thể đạt thứ hạng cao trong bảng xếp hạng “Hành xử văn minh trên không gian mạng”. Và những người hành nghề có hiểu biết về mạng xã hội như Ngân Khánh và Hoàng Hà sẽ là nhân tố góp phần mạnh mẽ xây dựng những cộng đồng hành xử văn minh, đem lại những điều tích cực cho cuộc sống. 

(*) Họ tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Cô gái 21 tuổi làm nghề nghe chửi: Bật khóc khi bị khách hàng chửi mắng té tát, đồng nghiệp bảo nghe chửi mãi rồi sẽ quen
“Em nghĩ nghề này không hẳn là làm phiền hay “vô duyên” đâu. Nó giúp quảng bá thương hiệu vô cùng hiệu quả. Kể cả bị khách hàng phản ứng thái quá, không bán được gì, chúng em vẫn giúp công ty truyền đi thông điệp: Có một công ty, một sản phẩm, dịch vụ… đang tồn tại trên thị trường”, cô gái chia sẻ.

Tin tức 24h

Theo Sa Nhi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chuyện nghề