“Em nghĩ nghề này không hẳn là làm phiền hay “vô duyên” đâu. Nó giúp quảng bá thương hiệu vô cùng hiệu quả. Kể cả bị khách hàng phản ứng thái quá, không bán được gì, chúng em vẫn giúp công ty truyền đi thông điệp: Có một công ty, một sản phẩm, dịch vụ… đang tồn tại trên thị trường”, cô gái chia sẻ.
Telesales là danh từ ghép từ tiền tố “tele-” có nghĩa là viễn thông và “sales” là nhân viên kinh doanh hoặc nhân viên bán hàng. Hiểu một cách đơn giản nhất, telesales là hoạt động quảng cáo sản phẩm và bán hàng thông qua điện thoại.
Nhân viên telesales là người sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp thực hiện các hoạt động trên. Và nghề telesales có thể hoạt động trong nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, kinh doanh tất cả các loại hình sản phẩm, dịch vụ… Do vậy cơ hội tìm việc làm telesales rất rộng mở đối với các ứng viên.
Giờ đây, người ta cho rằng nghề này nhàn nhã, “nắng không đến mặt, mưa không đến đầu” vì toàn ngồi máy lạnh, cùng lắm chỉ tốn “ít nước bọt” mỗi ngày. Song thực tế công việc này có nhiều góc khuất, áp lực mà chỉ người trong nghề mới thấu hiểu.
Thu Trang (21 tuổi, Hà Nam), hiện là sinh viên năm cuối Học viện Ngân Hàng – có 2 năm kinh nghiệm làm telesales cho một công ty môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ: “Ngày em mới làm ở đó, đồng nghiệp toàn trêu rằng chúng ta làm “nghề nghe chửi”. Em tự thắc mắc tại sao lại vậy vì có gì đâu, chỉ cần gọi điện thoại cho khách hàng mời xem dự án là ổn.
Thế nhưng, thời gian sau, em đã thực sự sốc và hiểu vì sao lại là “nghề nghe chửi”. Giờ em vẫn không thể quên vị khách hàng nóng tính đã mắng té tát vào mặt em như thế!”.
Công việc của Trang bắt đầu bằng việc nhận danh sách số thiện thoại từ trưởng nhóm, đeo tai nghe và bắt đầu bấm số để mời chào, giới thiệu dự án bất động sản sắp mở bán. “Theo quy định của công ty, em phải kéo dài cuộc gọi ít nhất 20 giây mới tính là đạt. Nhưng hầu như em chỉ vừa kịp chào, giới thiệu bản thân là đầu giây bên kia tút tút. Nếu gặp ai cọc tính hoặc đúng lúc họ đang bực bội, em sẽ trở thành nơi để họ trút giận một cách vô lý.
Sáng đó, em gọi cuộc đầu tiên, vừa giới thiệu đã phải nghe lời mắng chửi: “Con điên này! Mày không để người khác ngủ à, sáng ra đã mua với bán. Cút”. Em chưa kịp phản ứng gì, họ đã tắt máy. Em sốc, cảm giác bị sỉ nhục nên bật khóc. Các anh chị trong nhóm thấy vậy phải tạm dừng công việc, chạy ra an ủi em và nói rằng sau này sẽ quen với cảnh bị khách hàng mắng chửi”, Trang nhớ lại.
Vài tháng sau, Trang trở nên mạnh mẽ, không còn là nhân viên “yếu bóng vía”. Cô nàng chỉ cần ngồi vào chỗ là vẻ mặt không chút biểu cảm đặc biệt. Cô liên tục bấm số dù thường xuyên bị nghe mắng mỏ. Cô chỉ quan tâm đạt KPI ngày, còn ai thích chửi cứ chửi…
Dẫu vậy Trang gặp khá nhiều khách hàng tử tế và lịch sự. Cô nàng kể: “Có người lịch sự lắm! Họ để em giới thiệu xong thì nhẹ nhàng trả lời “anh/chị không có nhu cầu. Em thông cảm”. Hoặc có người có ý định mua nhà sẽ đồng ý xem dự án, hẹn nhân viên môi giới ở ngoài để gặp gỡ, xem có khả thi hay không. Nói chung, em thấy nghề này giống như “làm dâu trăm họ”, có người này người kia chứ không phải ai cũng xấu tính”.
Nhắc đến chuyện nghề telesales có thể được mệnh danh là “nghề làm phiền” người khác, cô gái 21 tuổi lý giải sở dĩ mọi người có ác cảm với telesales vì đó là những cuộc gọi không mong muốn. Song vì áp lực doanh số, KPI và đồng lương mà cô cũng như các đồng nghiệp… phải làm.
“Em nghĩ nghề này không hẳn là làm phiền hay “vô duyên” đâu. Nó giúp quảng bá thương hiệu vô cùng hiệu quả. Kể cả bị khách hàng phản ứng thái quá, không bán được gì, chúng em vẫn giúp công ty truyền đi thông điệp: Có một công ty, một sản phẩm, dịch vụ… đang tồn tại trên thị trường”, cô gái chia sẻ.
Quỳnh Chi (23 tuổi, Hưng Yên) – nhân viên tư vấn tuyển sinh tại một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội cho biết: “Cái nghề này đòi hỏi người làm cần có chút kiên trì và khéo léo trong xử lý tình huống.
Mình thấy cần lì một chút, nhây một ít sẽ tạo cơ hội cho bản thân tìm kiếm được khách hàng mới. Ví dụ có lần mình gọi giới thiệu khoá học tiếng Anh với ưu đãi cực tốt. Anh này nghe máy liền cợt nhả: “Giờ anh chỉ muốn học tiếng "em" thôi”. Mình thấy vậy vẫn tiếp tục trò chuyện lịch sự: “Vậy anh có ai muốn học hãy giới thiệu, dẫn đến trung tâm là được nghe tiếng em”. Sau đó mình chào tạm biệt.
Ngờ đâu vào ngày sau, anh ấy gọi điện lại và ngỏ ý muốn cháu gọi bằng cậu qua học tiếng Anh. Họ cho mình số để liên hệ với chị gái. Nhờ đó mình chốt thêm được khách hàng”.
Cũng theo cô gái trẻ, nghề này cần có bí quyết để “giữ chân” khách hàng đúng 1 phút. Như vậy cô nàng có thể truyền tải thông điệp muốn nói đến với đầu dây bên kia. “Mình thường xin họ 1 phút để trình bày. Nếu ai không đồng ý và cho rằng đang bị làm phiền, mình sẽ xin lỗi và đưa số điện thoại đó vào danh sách hạn chế - tức không gọi lại nữa”, Quỳnh Chi tâm sự.
Vừa dứt lời, cô nàng tiếp tục chia sẻ: “Công việc này giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều. Mình từ một đứa sống nội tâm, không thích giao tiếp với người lạ thì giờ đã tự tin hơn, linh hoạt trong cách xử lý tình huống vì vẫn bị chửi”.
Hiện tại, thu nhập của Thu Trang và Quỳnh Chi từ nghề telesales khá khiêm tốn, chỉ chừng 3-4 triệu đồng/tháng. Số tiền đó đủ để cả hai chi trả tiền ăn học, ở trọ trên thành phố nhưng để gắn bó lâu dài sẽ… khó.
“Mình dự định vài tháng nữa sẽ tìm nghề khác để làm, chứ theo mãi công việc này mệt mỏi và đau đầu lắm. Hơn cả đồng lương không xứng đáng với công sức bỏ ra”, Quỳnh Chi thành thật.