"Có một chị cao to, mặt bặm trợn đứng đợi ở trường học đón con, em liền chạy tới giới thiệu chương trình ưu đãi khi học tiếng Anh. Em vừa mở miệng chào hỏi, chị ấy đã quát: “Không thấy tao đang bận à?”. Sau đó chị ấy nói em vô học, vô duyên...", Chi chia sẻ.
12h trưa – dưới cái nắng nóng như thiêu đốt, đâu đó tại các ngã ba ngã tư ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ xuất hiện người đi phát tờ rơi. Họ tận tình “nhét” vào tay người chạy xe gắn máy tờ giấy quảng cáo, giới thiệu địa điểm ăn uống, sản phẩm rẻ, lớp học yoga, trung tâm tiếng Anh… Thế rồi đèn đỏ nhảy sang xanh, đoàn người vội vã vụt đi, để lại hàng trăm tờ rơi vương vãi dưới đường.
Đó là một phần lý do người ta “kỳ thị” người phát tờ rơi, bởi cho rằng người làm công việc này vô cùng phiền toái, cố tình gí những tờ rơi vào tay họ khi đang giờ cao điểm bận rộn, lại còn làm xấu hình ảnh thành phố, gián tiếp xả rác ra đường… Song ít ai biết rằng việc phát tờ rơi cũng là một nghề ẩn chứa bao nỗi khổ tâm, vất vả.
Vũ Chi (21 tuổi, quê Hưng Yên) – sinh viên năm cuối Học viện Ngân Hàng, từng có thời gian làm thêm nghề phát tờ rơi cho một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội cho biết: “Năm ngoái, em có nhiều thời gian rảnh nên xin vào vị trí lễ tân cho một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội. Em đã trượt và được chị trưởng phòng nhân sự gợi ý công việc phát tờ rơi với mức lương 150.000 đồng/1.000 tờ. Em liền nhận ngay vì nghĩ nó đơn giản, không có khó khăn gì hết. Ngờ đâu bắt tay vào thực hiện mới thấy có nhiều vấn đề mà chỉ người đã và đang đi phát tờ rơi mới thấu hiểu”.
Chi lên kế hoạch cho việc phát hết 1.000 tờ rơi, chấp nhận đứng “vật vờ” tại các cổng trường học, ngã tư, siêu thị, khu vui chơi… Đặc biệt, cô nàng phải bất chấp thời tiết nắng mưa; bất chấp những cái lắc đầu từ chối của “khách hàng” để phát hết đống tờ rơi đã đảm nhận.
“Em nhớ ngày đầu tiên đi phát tờ rơi, vì chưa khéo léo trong cách mời mọi người nhận nên đã bị ăn chửi khá nhiều. Có một chị cao to, mặt bặm trợn đứng đợi ở trường học đón con, em liền chạy tới giới thiệu chương trình ưu đãi khi học tiếng Anh.
Em vừa mở miệng chào hỏi, chị ấy đã quát: “Không thấy tao đang bận à?”. Sau đó chị ấy nói em vô học, vô duyên nên mới đi làm nghề này. Thậm chí chị ấy còn dọa gọi công an để bắt em. Em sợ quá không biết làm sao, hai chân run bần bật. Cho đến khi các phụ huynh khác chạy lại nói đỡ cho em, chị ấy mới phóng xe máy đi. Từ đó, em đành “lựa mặt gửi tờ rơi”, không phải ai cũng phát”, cô gái 21 tuổi chia sẻ.
Hôm đó, Chi đã không hoàn thành công việc, đống tờ rơi vẫn còn trên tay. Cô nàng có ý định nghỉ ngay lập tức, song nghĩ đến chuyện phải bồi thường cho trung tâm vì đã thỏa thuận nên lại cố gắng, tập cách thích nghi với công việc.
Những ngày sau, Chi lựa phụ huynh có gương mặt hiền lành, lịch sự để “mời chào” nhận tờ rơi. Ai không có nhu cầu, cô nàng sẽ không cố ép họ phải nhận. “Vì họ có nhận cũng vứt đi mà thôi. Người nào có ý thức, họ sẽ đem về nhà để bỏ sọt rác, còn hầu hết đều ném ngay xuống đường. Lúc đó, em lại mất công nhặt lên, coi như chưa phát được tờ nào cả mà tốn thêm sức đi nhặt”, cô gái trẻ tâm sự.
Về chuyện có rất nhiều người cứ đứng phát tờ rơi, mặc cho người nhận ném xuống đường, Chi cho biết phải làm như vậy mới hoàn thành công việc, mới được trả tiền. “Nhiều bạn làm cùng cũng xui em không nên nhặt tờ rơi đã bị vứt xuống đường lên vì như thế sẽ không được tính tiền. Họ hầu như sẽ mặc kệ việc người đi đường ném tờ rơi đi đâu. Em không làm được vậy vì như thế mình chẳng khác nào gián tiếp làm xấu môi trường, cảnh quan.
Song đó là lý do khiến em mãi mới kiếm được 100.000 đồng. Hồi đó em làm nửa tháng là nghỉ bởi quá vất vả. Em hy vọng mọi người hãy có cái nhìn tích cực với người phát tờ rơi bởi đó chính là miếng cơm manh áo của khá nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”, Chi thành thật.
Nhắc đến chuyện nghề phát tờ rơi, Hồ Hậu (24 tuổi, quê Bình Định) bỗng dưng cảm thấy có chút chua chát, nhớ lại quãng thời gian sinh viên, phải làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống tại Sài Gòn. Cậu kể: “Năm thứ hai đại học, mình vì muốn tìm việc làm thêm để đỡ đần tiền cho ba mẹ nên đã nhận đi phát tờ rơi.
Mình tìm công việc này thông qua nhóm trên Facbook, nhắn tin hỏi han xin được làm part-time. Sau đó mình được họ thêm vào nhóm chung có 3-4 thành viên để phân công công việc cũng như phân chia địa điểm hoạt động.
Trong một lần đi phát tờ rơi tít ở quận 8, Hồ Hậu bị một gã đàn ông đi theo gạ tình. Hắn đùa cợt, rủ cậu về nhà hắn nằm chơi cho bớt nắng nóng. Hắn còn hứa sẽ bao nuôi, cho cậu tiền… Cậu sợ quá chạy mất dép, không dám ngoái đầu lại nhìn. Mãi đến sau này, cậu cũng không thể quên được "tai nạn nghề nghiệp" ngày đầu còn non nớt.
Theo Hồ Hậu, có 2 hình thức phát tờ rơi: phát tại ngã tư sẽ nhàn nhã chỉ phải đứng một chỗ nhưng lương thấp; phát từng nhà sẽ được lương cao dù vất vả hơn. “Mình đã chọn hình thức đi tận nhà phát tờ rơi vì cho rằng bản thân có sức khỏe, lại nhiều thời gian rảnh… Song mình đã nhận định sai lầm.
Việc đi từng nhà sẽ phải mang theo cả đống giấy tờ nặng, đi nhiều mỏi chân, có người giám sát và lương khoảng 200.0000 đồng/1.000 tờ. Mình phải đi chừng 2.5 tiếng mới phát hết chỗ đó, còn ngày nào chăm chỉ sẽ phát hết 4.000 tờ”, chàng trai 24 tuổi nhớ lại quãng thời gian làm thêm hồi sinh viên.
Tuy công việc có khó khăn vất vả nhưng Hồ Hậu thẳng thắn thừa nhận công việc này phù hợp với sinh viên đang học các trường cao đẳng, đại học. Bởi nó không gò bó, chỉ cần mỗi ngày bỏ ra 2-3 tiếng là có thể kiếm được 200.000 đồng, đủ để trang trải cái ăn cái uống trong 3-4 hôm. Hơn cả, các bạn sinh viên làm công việc này vẫn có thời gian tập trung cho việc học tập, không bị xao nhãng như một số nghề khác.
Về bước ngoặt khiến cho cậu từ bỏ công việc này, Hồ Hậu cười nhớ lại: “Nhiều lắm nhưng mình ấn tượng nhất với chuyện bữa đó đi cùng một bạn phát tờ rơi cho công ty bất động sản. Chúng mình tới tận nơi lấy giấy thì chị quản lý đưa 1.000 tờ kèm theo 350.000 đồng. Hai đứa thấy vậy nhanh nhảu bảo: “Chị đưa tiền thừa cho chúng em rồi”. Chị ấy một mực khẳng định đưa đúng theo quy định của công ty.
Lúc đó chúng mình mới nhận ra “chủ” cắt cò tận 150.000 đồng, đến tận nơi tìm để nói chuyện cho rõ ràng. Họ nhất định không trả lại tiền những lần đi phát trước đó, thậm chí còn dọa sẽ lấy luôn chứng minh thư nhân dân. Chúng mình đành ngậm ngùi đi làm nốt bữa ấy rồi xin nghỉ vì thấy bị cắt tiền nhiều, không đáng với công sức bỏ ra”.