Sau khi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam và châu Á lần lượt công nhận cụ bà Nguyễn Thị Trù (sinh năm 1893 ở xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM) là người cao tuổi nhất Việt Nam và châu Á, ngày 20.4.2015, Hiệp hội Kỷ lục Thế giới (World Records Association - WRA) cũng chính thức công bố “Cụ bà cao tuổi nhất Việt
Đây là lần thứ hai tôi đến thăm cụ Trù (lần đầu là khi Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận cụ Trù là người cao tuổi nhất VN). Vẫn như lần trước, cụ ngồi đung đưa kẽo kẹt trên chiếc võng và nhìn tôi với đôi mắt biết cười.
Đi tìm tuổi cụ Trù
Cho đến bây giờ nhìn cụ Trù, tôi vẫn không tin cụ sống tới 122 tuổi. Đôi mắt đùng đục chẳng nói lên điều gì khi nó vẫn biết cười; cái miệng móm mém vẫn ăn “không biết no”; tấm thân gầy guộc nhưng cứ ngả ra võng là ngủ khò tức khắc. Cứ nhìn vào nết ăn ngủ của cụ có thể thấy vẻ... thách thức thần Chết của cụ.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương (cháu dâu) và cụ Trù. (Ảnh: Trần Đáng)
Theo ông Lê Trần Trường An - Chủ tịch Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (VIETBOOKS), để công nhận cụ Trù là người cao tuổi nhất thế giới, bên cạnh tất cả những giấy tờ chứng minh thân nhân cụ Trù, Hiệp hội Kỷ lục thế giới (WRA) đã dùng đến “phương pháp tháp tuổi”. Theo đó, tuổi cụ Trù được xác minh bằng cách xác định qua giấy tờ nhân thân của cả gia đình cụ Trù: con, cháu, chắt. Vừa qua, đại diện Hiệp hội Kỷ lục thế giới cũng có về xã để phối kiểm tra các thông tin này. “Họ (WRA) làm rất độc lập, khoa học và đã công nhận cụ Trù là người cao tuổi nhất thế giới”, ông An nói.
Ông An cũng cho rằng, đã nhìn thấy các giấy tờ nhân thân của cụ Trù do chính quyền Pháp, chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cũng như chính quyền hiện tại cấp. “Vài ngày nữa chúng tôi sẽ liên hệ cơ quan chức năng để trích lục tàng thư, hộ tịch rồi sao chụp tất cả lại các giấy tờ có liên quan đến cụ Trù để phục vụ cho việc công nhận”, ông An cho biết.
Trong khi đó, nói về việc xác định tuổi của cụ Trù, đại điện UBND xã Đa Phước cho biết, phía địa phương chỉ chứng minh dựa vào hộ khẩu và chứng minh nhân dân được làm sau giải phóng. Hiện gia đình cụ chỉ giữ được duy nhất giấy tờ này để chứng minh tuổi cụ.
Ăn khỏe, ngủ ngon
Đang ngồi co ro trên võng, thấy tôi đến cụ chìa tay: “Cho xin cái bánh”. Bà Nguyễn Thị Ba (con dâu út cụ Trù) thấy thế cười mỉm: “Cụ thích ăn ngọt lắm”, rồi đưa tay quơ lấy cái bánh qui trên bàn đưa tôi. Nhận cái bánh qui từ tay tôi, cụ Trù ăn loáng cái đã hết rồi chép miệng thèm thuồng, đưa mắt cố ý đòi thêm. Theo bà Ba, cụ Trù rất thích ăn ngọt: kẹo, chè, bánh qui… Trước đây, khi ông Út Phương (con trai út cụ Trù) còn sống hay mua mỗi lần cả ký đường phèn, rồi chặt nhỏ ra để cụ Trù ăn mỗi khi thèm ngọt.
Giờ, tuy tuổi cao, sức yếu, thường xuyên phải nằm một chỗ, nhưng cụ Trù vẫn ăn “không biết no”. “Ngày ba bữa ăn cụ không bỏ bữa nào”, chị Phạm Thị Mỹ Hương – cháu dâu cụ Trù, cho biết.
Chứng minh thư nhân dân của cụ Trù. Ảnh: Vietkings
Lần đầu đến thăm cụ Trù, ông Út Phương vẫn luôn miệng tự hào về sự trường thọ của mẹ mình. Nâng niu tay cụ Trù, ông cười nói: “Mẹ tui sống vô địch”. Hỏi có bí quyết gì để cụ Trù sống bách niên, ông cười: “Chẳng có bí quyết gì cả. Nhà nấu gì mẹ tui ăn nấy. Có thể, mẹ tui luôn sống vị tha và gần gũi với mọi người với thiên nhiên”. Lần này đến thăm, cụ Trù vẫn sống vui, sống khỏe, tuy chỉ có bà Ba đang làm bánh… giỗ ông Phương.
Cụ Trù giờ là niềm tự hào của người dân xã Đa Phước. Mấy ngày nay, cái tin cụ Trù trở thành người cao tuổi nhất thế giới khiến cái xóm nhỏ ở ấp 5, nơi cụ Trù sống, nhộn nhịp hẳn lên với các đoàn khách đến thăm. Bí thư Đảng ủy xã Đa Phước Nguyễn Thanh Bạch chia sẻ: “Mấy hôm nay ở xã chộn rộn hẳn lên vì chuyện cụ Trù. Người dân xã cảm thấy vui, tự hào về cụ”.
Cụ Trù có tất cả 11 người con (3 trai, 8 gái), nhưng nay chỉ còn mỗi bà Nguyễn Thị Đê (82 tuổi, con gái thứ 8), con dâu út Nguyễn Thị Ba (76 tuổi).