Có những trường hợp tội phạm tự "chui đầu vào rọ" theo những cách không thể ngớ ngẩn hơn.
Bị truy nã 10 năm vẫn đi thi "Ai là triệu phú"
Lê Thị Hồng - đối tượng bị truy nã 10 năm đã bị tóm gọn khi tham gia chương trình "Ai là triệu phú". Câu chuyện tưởng như chỉ có trong hư cấu trên xảy ra tại Việt Nam vào năm 2007 nhưng mới đây mạng xã hội chia sẻ lại thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Theo thông tin đăng tải trên báo chí, trong lần xem chương trình "Ai là triệu phú" phát sóng vào ngày 31/07/2007, các trinh sát của Cục C16 tình cờ phát hiện người chơi tên Lê Thị Cơ (đã giành được phần thưởng 10 triệu đồng) rất giống với đối tượng đã truy nã Lê Thị Hồng.
Chân dung đối tượng Lê Thị Hồng
Theo đó, đối tượng truy nã Lê Thị Hồng sinh năm 1986, ở Cầu Tiên, Thịnh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. 18 tuổi Hồng lập gia đình và có 1 cô con gái xinh xắn. Năm 1993, Hồng gia nhập con đường lô đề với hy vọng đổi đời bất chấp chồng và gia đình chồng can ngăn.
Lúc đó, phong trào đề đóm phát triển, cộng với khả năng giao tiếp, Hồng đã dụ được nhiều người tham gia cùng. Cô gần như trở thành một "huyện đề" ở Thịnh Liệt.
Hàng ngày, Hồng giao dịch thu nhận hàng trăm triệu tiền đề. Nhiều con đề hết tiền chơi, Hồng dụ bán thiếu cho họ rồi lấy tiền của các dây đề khác đắp đổi trả cho khách thắng đề. Cứ như thế, Hồng lún sâu vào nợ nần. Chỉ sau 2 năm, số tiền nợ của Hồng đã lên đến tiền tỷ. Sau đó, Hồng bán nhà, ôm con vào Đồng Nai để trốn nợ.
Ngày 23/1/1996, Công an TP Hà Nội ra lệnh truy nã số 94, quyết định truy nã Lê Thị Hồng trên toàn quốc và tổ chức truy bắt. Thế nhưng Hồng đã lẫn trốn nên việc truy bắt không có kết quả.
Tưởng chừng đã đi vào ngõ cụt thì 11 năm sau, trong chương trình "Ai là triệu phú", một trinh sát phát hiện người chơi tên Lê Thị Cơ có nhiều đặc điểm giống với đối tượng truy nã Lê Thị Hồng.
Dù đang bị truy nã nhưng đối tượng này vẫn hồn nhiên tham dự chương trình "Ai là triệu phú" (Ảnh minh họa)
Bằng trực giác nghề nghiệp, các trinh sát đã tiếp cận đối tượng, lục lại hồ sơ của người chơi "Ai là triệu phú" và biết được Lê Thị Cơ, sinh 28/5/1968, địa chỉ thường trú ở khu 6, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, trình độ văn hóa 12/12. Tuy nhiên, sau khi xuất hiện trong chương trình "Ai là triệu phú" thì Cơ đã biến khỏi địa bàn.
12h trưa 15/12/2008, các trinh sát ập vào một nhà trọ tại khu phố 6, phường Phước Long A, bắt gọn Lê Thị Hồng. Tại cơ quan điều tra, Hồng cúi đầu khai nhận toàn bộ việc thay tên đổi họ cũng như hành trình lẩn trốn và việc tham gia chương trình "Ai là triệu phú".
Khi được hỏi tại sao dám lên truyền hình khi đang là đối tượng truy nã, Hồng trả lời: "Em nghĩ sau nhiều năm, Công an đã quên em rồi. Vậy mà… em vẫn bị bắt!".
Đối tượng truy nã bị phát hiện khi tham gia chương trình "Tỏa sáng giữa đời thường"
Tháng 9/2016, Nguyễn Minh Tân (58 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã bị đưa ra xét xử với tội danh Gây rối trật tự công cộng.
22 năm trước, tức năm 1994, ông Tân đạp xích lô và làm Tổ phó đội bảo vệ khu phố 1, phường 15, quận Bình Thạnh. Một hôm ông tổ chức ăn nhậu với Nguyễn Đình Thanh Lâm, Đỗ Thiện Lân và 1 số thanh niên khác thì anh Nguyễn Long có đi qua và xảy ra mâu thuẫn với nhóm này. Cuộc ẩu đả sau đó khiến anh trai của Long là Nguyễn Lân chết tại chỗ.
Bị cáo Tân tại phiên tòa phúc thẩm ngày 14/9.
Trong phiên tòa xảy ra vào tháng 10/1995, TAND TP.HCM tuyên phạt Nguyễn Minh Tân 3 năm tù và Long 2 năm tù về tội "gây rối trật tự công cộng" nhưng ông Tân đã bỏ trốn. Công an TP.HCM phát truy nã đối tượng Tân nhưng không có kết quả.
Được biết, quá trình bỏ trốn, Tân đổi tên thành Võ Minh Hùng, làm phó ban bảo vệ dân phố KP5, P.Bình Hưng Hòa A (Bình Tân, TP.HCM). Quá trình công tác, với thành tích nhiều lần bắt cướp, Võ Minh Hùng được tuyên dương rồi được chương trình Tỏa sáng giữa đời thường ghi hình, phát sóng.
Khi chương trình phát sóng, em gái của nạn nhân Nguyễn Lân phát hiện Võ Minh Hùng chính là Nguyễn Minh Tân nên làm đơn trình báo lên Công an TP.HCM, với đặc điểm nhận dạng là cánh tay trái của Tân có xăm chữ “Tân nhớ mẹ”.
Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, Cục cảnh sát truy nã (Bộ Công an) đã ra lệnh bắt Nguyễn Minh Tân. Tuy nhiên quá trình điều tra, Tân không thừa nhận hành vi giết người mà khai nhận chỉ có mặt hôm xảy ra sự việc. Hai nhân chứng vụ án một người chết, người còn lại đã xuất cảnh đi nước ngoài nên không thể đối chất. Vì vậy, CQĐT đã đình chỉ điều tra tội “giết người” đối với Tân.
Đáng chú ý, trước đó vụ án từng đưa ra xét xử sơ thẩm lần 1 và Tân bị tuyên phạt 18 tháng tù.
Nữ tiến sĩ bị truy nã vẫn lên truyền hình tư vấn sức khỏe
Năm 2010, nữ tiến sĩ tâm lý Trương Thị Bích Hà, 56 tuổi đã bị các trinh sát của Công an Hà Nội tóm gọn. Trước đó, bà Bích Hà bị truy nã về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bà này nguyên là giảng viên khoa sau đại học của Trường Sân Khấu - Điện Ảnh Hà Nội. Bích Hà là người giỏi, có chỗ đứng trong xã hội. Khi còn là giảng viên, Bích Hà đã giả mạo giấy tờ, thế chấp, bán nhà, đất cho người khác để chiếm đoạt tiền của giáo viên trong trường.
Trương Thị Bích Hà tại tòa
Anh T. - một đồng nghiệp gửi đơn tố cáo Hà hỏi vay người đàn ông này một khoản tiền. Tuy nhiên, anh T. đòi thì Hà không trả. Sau đó, H. nói sẽ gán lại mảnh đất cho anh và anh T. trả lại một số tiền cho Hà. Anh T. đồng ý nhưng tréo ngoe là mảnh đất đó không phải của Hà, người chủ mảnh đất cũng là nạn nhân của Hà.
Tháng 1/2020, một người khác cũng tố cáo Hà chiếm đoạt tiền của mình. Người này có căn hộ 118m2 tại một khu đô thị ở Hà Nội muốn bán. Hà hỏi mua. Thế nhưng mới trả được một số tiền thì Hà làm giả giấy tờ thế chấp nhà đi vay tiền rồi chiếm đoạt số tiền đó. Hà bỏ trốn và bị Công an TP Hà Nội truy nã về tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.
Điều đáng nói, dù đang bỏ trốn và có lệnh truy nã, nhưng rất liều mạng là nữ Tiến sỹ tâm lý Trương Thị Bích Hà vẫn đều đặn lên sóng truyền hình và phát thanh để tư vấn sức khoẻ cho khán, thính giả. 10h ngày 19/5/2010, công an tìm ra nơi Hà ở và đưa bà ta về trụ sở.