Sau khi phạm tội, những đại gia này đều bỏ trốn ra nước ngoài hoặc hiện chưa rõ ở đâu.
Truy nã Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô
Ngày 20/8/2019, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định truy nã bị can Trần Khắc Hùng (SN 1972), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo liên tục Trường Đại học Đông Đô về tội “Giả mạo trong công tác”, quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự.
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 4 lãnh đạo, cán bộ Đại học Đông Đô để điều tra về hành vi “Giả mạo trong công tác”. Trong số các bị can, CQĐT thi hành lệnh bắt tạm giam Dương Văn Hòa (SN 1983) - Hiệu trưởng và Trần Ngọc Quang - Phó trưởng phòng Đào tạo. Hai cán bộ khác bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là Phạm Vân Thùy và Lê Thị Lương.
Chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô - Trần Khắc Hùng.
Được biết, hành vi vi phạm pháp luật của các bị can liên quan đến việc tổ chức tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh để thu tiền khi chưa được Bộ GĐ&ĐT cho phép.
Để thu hút học viên, Đại học Đông Đô ra thông báo chiêu sinh với những lời giới thiệu hấp dẫn về lợi ích của việc học văn bằng đại học thứ hai ngành ngôn ngữ Anh tại trường này, như: được miễn thi môn tiếng Anh trong việc thi tuyển, thi chuyển ngạch công chức, viên chức, thi đầu vào, đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, giảng viên, giảng viên chính, chuyên viên, chuyên viên chính….
Mức học phí áp dụng đối với loại hình văn bằng 2 tiếng Anh do Hiệu trưởng Đại học Đông Đô ký năm học 2018-2019 có mức thu toàn khóa học từ 29,82 triệu đồng tới 35 triệu đồng.
Mặc dù theo thông báo thời gian đào tạo kéo dài từ 18 – 24 tháng, song thực tế việc tuyển sinh nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh của Đại học Đông Đô chỉ là hình thức, học viên khi đã nộp hồ sơ, đóng tiền là đỗ. Quá trình học tại trường này, học viên cũng không học mà chỉ làm bài thi và sau đó được cấp bằng.
Được biết, trước khi bị truy nã, Chủ tịch Đại học Đông Đô còn là chủ tịch của nhiều công ty trên sàn chứng khoán, có cổ phiếu rơi từ 30.000 đồng về 1.000 đồng.
Ông chủ Nhật Cường bị truy nã
Ngày 9/5/2019, lực lượng cảnh sát thuộc Bộ Công an đã tiến hành khám xét tại cửa hàng chính của Nhật Cường do ông Bùi Quang Quy (tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường) làm chủ ở số 33 Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm, Hà Nội) Việc khám xét được mở rộng ra tại một số cửa hàng khác của doanh nghiệp này ở phố Láng Hạ, Chùa Bộc...
Ngày 14/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét với Bùi Quang Huy cùng 8 người về tội Buôn lậu theo khoản 4 Điều 188 Bộ Luật Hình sự 2015 và tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 221 Bộ Luật Hình sự 2015. Lệnh bắt tạm giam với những người này được ban hành, song ông chủ của Nhật Cường đã bỏ trốn, hiện chưa rõ ở đâu.
Lệnh bắt tạm giam với những người này được ban hành, song ông chủ của Nhật Cường đã bỏ trốn, hiện chưa rõ ở đâu.
Ngày 18/5, C03 ra quyết định truy nã Bùi Quang Huy, sau 9 ngày sau khi đồng loạt khám xét chuỗi cửa hàng, trung tâm bảo hành của Nhật Cường Mobile. Ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy bị cáo buộc cùng các đồng phạm đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu xuyên quốc gia; lập, sử dụng hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm để ngoài sổ sách hàng ngàn tỉ đồng doanh thu; nhập lậu nhiều thiết bị điện tử sau khi móc nối với một số nhà sản xuất ở nước ngoài.
Mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan Điều tra Bộ Công an ngày 10/7 đã khởi tố bị can Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, về tội rửa tiền, sau 2 tội danh đã bị khởi tố trước đó là "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng"
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra mở rộng vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan; thu giữ vật chứng và xác minh thu hồi, kê biên triệt để tài sản cho nhà nước.
Đại gia lừa 132 tỷ đồng bị truy nã toàn cầu
Ngày 25/5/2018, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Dũng (43 tuổi, Dũng "thẹo", ngụ tại huyện Bình Chánh, TP HCM) về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2001, Dũng hành nghề tài xế taxi ở TP.HCM. Trong quá trình này, Dũng quen biết với nhiều người làm việc ở chợ phụ tùng ôtô trên đường An Dương Vương (quận 5). Do đó Dũng học lỏm được những mánh khóe rồi chuyển sang làm nghề thu mua xe cũ.
Năm 2005, một đại gia cho Dũng vay tiền hùn vốn để mở salon ôtô Hùng Dũng trên đường Cộng Hòa (phường 4, quận Tân Bình). Năm 2008, thị trường mua bán ôtô cũ nổi lên, Dũng bán hàng chục chiếc mỗi tháng, lãi ròng hàng tỷ đồng.
Đại gia Nguyễn Đức Dũng bị lừa 132 tỷ đồng bị truy nã toàn cầu.
Một số cửa hàng bán ô tô cho salon của Dũng mua trả chậm, các đại gia thích đổi xe cũng thường gửi cho Dũng bán. Qua lại với nhiều người giàu có, Dũng như hổ mọc thêm cánh trong giới chơi xe, sỡ hữu nhiều tài sản, bất động sản giá trị. Vợ chồng Dũng chính thức gia nhập cuộc sống thượng lưu.
Sau đó Dũng bắt tay kinh doanh với một doanh nghiệp nhưng thất bại, bị thua lỗ nặng. Nhưng do vẫn quen thói tiêu xài hoang phí, Dũng vay nợ lãi cao của xã hội đen rồi quay sang lừa đảo chính những khách hàng thân thiết của mình.
Đầu tháng 3/2011, Dũng tìm cách cùng gia đình bỏ trốn trước khi các khoản nợ đến hạn. Dũng bổ nhiệm Nguyễn Đắc Dũng (là bạn lái xe taxi thuở hàn vi) vào chức phó giám đốc công ty, thay mặt mình giải quyết công việc trong thời gian vợ chồng Dũng vắng nhà.
Trước khi biệt tích, Dũng còn đề nghị một nữ đối tác cho vay 300.000 USD để nhập lô ôtô mới. Dũng đã gửi 70.000 USD cho bố đang định cư tại Mỹ. Số tiền còn lại, Dũng mua đồ trang sức và cầm tiền mặt bỏ trốn. Cơ quan tố tụng xác định Dũng đã lừa của 33 người và doanh nghiệp với số tiền hơn 132 tỷ đồng.
Sau đó, cơ quan chức năng đã ra quyết định truy nã toàn cầu với Dũng. Hay tin Dũng bỏ trốn, có chủ nợ sang cả Mỹ tìm nhưng không có kết quả. Cuối năm 2014, vợ chồng Dũng chia tay. Trong một lần gây tai nạn, Dũng bị Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ xác định cư trú bất hợp phát, có lệnh truy nã nên bắt giữ.
Đầu tháng 1/2016, Dũng bị trục xuất về Việt Nam và bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt theo quyết định truy nã về hành vi phạm tội với 2 tội danh nêu trên.
Đại gia thủy sản ở An Giang ôm 80 tỷ đồng bỏ trốn
Ngày 10/2/2017, ông Phạm Sơn, Chánh văn phòng ủy ban tỉnh An Giang xác nhận, hai vợ chồng ông Nguyễn Thái Sơn, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Công ty Thuận An đang ôm 80 tỷ đồng của cả chục người nuôi cá tra ở An Giang đi “Trung Quốc tham dự hội chợ nghề cá để xúc tiến thương mại” từ cuối tháng 10/2016 đến nay chưa trở về. Hiện các cơ quan chức năng đang xác minh sự vắng mặt của họ.
Hai vợ chồng ông Nguyễn Thái Sơn, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh, Tổng giám đốc Công ty Thuận An đang ôm 80 tỷ đồng của cả chục người nuôi cá tra ở An Giang.
Đây là một trong số ít doanh nghiệp thủy sản trong tỉnh An Giang được chính quyền tỉnh này cho “thực hiện thí điểm dự án chuỗi liên kết dọc cá tra từ sản xuất đến tiêu thụ” gắn kết giữa các hộ nuôi cá, doanh nghiệp và ngân hàng cho vay.
Nguyên tắc của chuỗi liên kết là ngân hàng giải ngân theo hóa đơn mua thức ăn nuôi cá của hộ dân. Sau thời gian nuôi, hộ dân phải bán cá vào Công ty Thuận An và công ty này có trách nhiệm phải trả vốn vay mua thức ăn trực tiếp cho phía ngân hàng. Phần còn dư ra trả lại cho các hộ nuôi.
Do vậy, việc bỏ trốn của vợ chồng ông Sơn dẫn đến việc chín hộ dân bán cá tra nguyên liệu cho công ty trong chuỗi liên kết rơi vào khốn đốn, buộc họ làm đơn trình báo đến cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ điều tra, giúp đỡ.