Bìa sách Thúy Kiều "khỏa thân" vẫn được cho là đẹp!

Ngày 13/11/2015 18:53 PM (GMT+7)

Bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều vừa ra mắt đang tạo nên dư luận trái chiều khi có tranh nàng Kiều… khoả thân.

Nhân năm kỉ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (3/1/1765 – 3/1/2015), công ty sách Nhã Nam đã phối hợp với NXB Thế giới ấn hành một bản Kiều mới với nhan đề Truyện Thuý Kiều do hai tác giả Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim hiệu khảo.

Và vấn đề được dư luận quan tâm nhất là "dung nhan" nàng Kiều "Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên".

"Đây là một bìa sách đẹp"

"Với tư cách một người viết văn, học mỹ thuật... tôi thấy đây là một bìa sách đẹp, nếu không muốn nói là rất đẹp trong mặt bằng bìa sách chung hôm nay. Ấy vậy mà nó đang bị ném đá khá tơi bời từ báo chí đến mạng xã hội mấy ngày qua", đó là ý kiến của nhà văn Nguyễn Danh Lam về bìa sách đang gây tranh cãi này.

Bìa sách Thúy Kiều quot;khỏa thânquot; vẫn được cho là đẹp! - 1

Bìa sách Truyện Thúy Kiều đang gây tranh cãi

"Người ta quy kết nó là "dâm". Người ta thẹn thùng xấu hổ khi nhìn thấy nó. Người ta phẫn nộ bởi "tác phẩm vĩ đại nhất của dân tộc" mà bị "bôi bẩn" như thế này. Với những gì "lượm lặt" được, tôi thấy hơi buồn với mặt bằng kiến thức mỹ thuật hôm nay. Người ta có thể treo giữa công sở, biệt thự, trên trang chủ facebook của mình những bức tranh sến rện, "bờ hồ" ngập ngụa, vậy mà bức tranh của một danh họa thuộc hàng bậc nhất Việt Nam lấy làm bìa sách này, người ta không có mảy may một chút kiến thức nào về nó", tác giả tiểu thuyết "Giữa dòng chảy lạc" bày tỏ.

Cũng theo anh, hình ảnh nàng Kiều như trên bìa sách khó mà "kích thích" được ai, nếu so với "ti tỉ" những hình ảnh người đẹp hở phừng phừng ngập tràn trên các báo, các phim, các tác phẩm gọi là "nhiếp ảnh nghệ thuật" bây giờ.

Trước đó, nhà văn Đoàn Minh Phượng đã đưa ra quan điểm trái ngược:"Từ xưa, đã có bao nhiêu người vịnh Kiều, vẽ Kiều rồi. Không phải nằm trong một cuốn sách giấy cũ úa vàng, chỉ may đã xộc xệch là thẩm mỹ của tranh không tệ hại và người thời trước không thấy như vậy. Hoạ sĩ bị giới hạn bởi sự hiểu tác phẩm, khả năng, và thời đại của mình trong khi Nguyễn Du thì phi thời gian và còn sẽ được đọc theo thẩm mỹ của bao nhiêu đời về sau (...). Làm bìa chỉ nên lấy một tác phẩm lớn để minh hoạ cho một tác phẩm lớn, hoặc chỉ in chữ mà thôi”.

Tranh đã được sử dụng từ năm 1965

Giữa những phản ứng đa phần thể hiện thái độ thất vọng của dư luận, nhiều độc giả đã trích đăng lên mạng xã hội hình ảnh gốc của bức vẽ được chọn in trên bìa sách lần này. Đó là bức tranh của họa sĩ Lê Văn Đệ - xuất thân từ trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương rrong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du, do Hội Quảng Tri - Huế xuất bản năm 1942. 23 năm sau, bức tranh cũng đã được in trên bìa tờ Bình Minh - số đặc biệt nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, xuất bản năm 1965.

Theo thông tin từ công ty sách Nhã Nam, ấn bản do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo được Vĩnh Hưng Long thư quán in lần đầu năm 1925 và tái bản 1927 sau khi hiệu đính chi tiết. Ở lần tái bản năm 2015 này có bổ sung thêm một số phụ bản tranh minh họa lấy từ Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du. Đây là tập sách có bao gồm 11 bức tranh màu in trên giấy dó, của các họa sĩ Vịệt Nam hàng đầu thời bấy giờ, như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung… được xuất bản để lấy tiền sửa mộ, dựng bia kỷ niệm nhà văn Nguyễn Du vào năm 1942.

Bìa sách Thúy Kiều quot;khỏa thânquot; vẫn được cho là đẹp! - 2

Bức vẽ được đăng trên bìa tờ Bình Minh số đặc biệt nhân kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, năm 1965 - Ảnh: Vũ Hà Tuệ

Ông Dương Thanh Hoài, Giám đốc công ty Nhã Nam cho biết: "Trong số 11 bức tranh nói trên, nhóm họa sĩ thiết kế thấy dùng tranh của cụ Lê Văn Đệ là khá hợp lý. Bức tranh đẹp, dùng nhiều màu đen, vẽ theo phong cách như tranh khắc, rất khỏe khoắn. Bức vẽ này còn có nhiều khoảng không để bìa có không gian cho trình bày".

Ông Hoài cũng chia sẻ, bức vẽ mà họa sĩ minh họa cho câu thơ tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm: “Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên”. Họa sĩ Lê Văn Đệ vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc. Tựu trung, đây là một bức vẽ khá gián cách, không hề có một chút tả chân nào. Và dĩ nhiên là càng không nhuốm điều gì gọi là dung tục ở đây.

"Chúng tôi phải nói rằng họa sĩ thiết kế cũng đã rất thận trọng với bìa sách, cho nên còn đẩy việc gián cách, ước lệ lên một mức nữa: hình Thúy Kiều trong bức vẽ còn được tạo hiệu ứng “trang kim”, như là phủ một lớp bụi vàng lên người vậy. Chúng tôi tin rằng khi mọi người cầm sách cụ thể trên tay sẽ thấy rõ điều đó và thấy là một cái bìa đẹp và hợp lý", giám đốc công ty Nhã Nam khẳng định.

Theo Thùy Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot