Hình tượng về công lý bị đảo lộn từ nữ thành nam, từ nghiêm túc thành cười cợt... một trò đùa quá đà của họa sĩ thiết kế.
Thông tin bìa cuốn sách có tên "Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014" được in màu đỏ, hình nền là một người đàn ông lực lưỡng, mặc quần xà lỏn, đứng trên một quả cầu lửa và đang dang tay tạo thế đòn cân gây xôn xao dư luận suốt 2 ngày nay. Cuốn sách được ghi là của Nhà xuất bản Lao Động – Xã Hội liên kết với nhà sách Lao Động tại TP.HCM. Điều đặc biệt, khuôn mặt người trong bìa sách lại in hình diễn viên hài Công Lý.
PV đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian, ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hùng Vĩ về "sự cố" này:
- Chào ông. Là một người nghiên cứu về văn hóa và sưu tầm rất nhiều loại sách, ông cho biết cảm xúc của mình khi nhìn quyển sách "Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014" có in hình diễn viên Công Lý?
Sách về luật mà lại in hình bìa diễn viên Công Lý thì đây là trò đùa tếu quá đà của họa sĩ thiết kế. Đáng ra trong sách luật phải nghiêm chỉnh thể hiện sự thượng tôn của luật pháp thì người làm sách lại biến thành trò đùa tếu. Biết là không hay nhưng họ cứ đùa.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.
- Theo ông, từ đâu mà họa sĩ lại thiết kế ra hình một người đàn ông như vậy và tại sao nó lại trở thành trò đùa thái quá?
Có thể đưa ra một số lý do như sau. Thứ nhất, xưa nay nói đến thần Công Lý là hình ảnh nữ thần gắn với văn hóa Hy Lạp cổ đại. Vì đáng lẽ ra là nữ thần nhưng giờ lại chuyển thành nam thần, như vậy là lộn ngược công lý.
Thứ hai, nữ thần Công Lý (Justitia) thực thi công vụ nên cách ăn mặc cũng phải nghiêm chỉnh thì ở đây lại là anh chàng cởi trần. Điều đó khiến người ta nghĩ đến công lý bị lột trần.
Thứ ba, tượng thần Công Lý trong quy phạm của nó là một tay cầm gươm, tay kia cầm cán cân công lý. Lưỡi gươm thẳng và sáng với mục đích trừng trị không khoan nhượng đối với các hành vi trái pháp luật. Theo truyền thuyết, bên cầm cán cân nếu như có một cái lông chim chạm vào cũng khiến nó bị lệch để nói lên sự công bằng trước bất kỳ đối tượng nào.
Nữ thần Công Lý và hình người đàn ông được cho là diễn viên hài Công Lý trên bìa sách.
Nhưng ở hình ảnh trên bìa sách thì "anh" này không có gươm mà lại cầm cán cân. Như vậy người ta dễ liên tưởng là pháp luật không nghiêm minh.
Thứ tư, bình thường nữ thần buộc dải băng ngang mặt để chứng tỏ sự vô tư trước những thị phi và được gọi là công lý mù lòa, không thiên vị. Thì đây là lại hình ảnh một anh chàng cười cợt.
Thứ năm, lấy mặt của danh hài in thành bìa sách dễ khiến mọi người liên tưởng pháp luật là trò đùa.
- Nói như vậy có phải họa sĩ thiết kế thiếu kiến thức?
Không, họa sĩ này có kiến thức nhưng vẫn thích đùa nghịch và hơi thái quá. Hoặc nếu không biết thì họ cũng dễ dàng tìm hiểu thông tin trên mạng.
Nhìn cách làm bìa này là biết họ có kiến thức. Tuy nhiên, có thể họ gõ chữ Công Lý trên Google thì vừa ra hình ảnh diễn viên Công Lý vừa ra ảnh nữ thần Công Lý. Hoặc cũng có thể ý nghĩ này bất chợt lóe trong đầu.
- Đây là cuốn sách của Nhà xuất bản Lao Động – Xã Hội liên kết với Nhà sách Lao Động tại TP.HCM, có phải đó chính là lý do cuốn sách không được kiểm soát chặt chẽ?
Tư nhân, nhà nước hay sự liên kết không phải là vấn đề dẫn đến lỗi sai vì họ đều phải nạp lưu chiểu, xin giấy phép người duyệt. Nếu cẩn thận thì sẽ không xảy ra sự việc này.
Mặt khác, sự nghiêm túc là điều cần có tối thiểu của người làm sách pháp luật.
- Theo ông, một bìa sách bắt mắt có là lý do để độc giả mua cuốn sách đó?
Đối với tôi thì không vì tôi chú ý đến nội dung. Việc đầu tiên khi cầm cuốn sách là tôi xem lời nói đầu, mục lục, xem có đủ trang hay không vì dễ có trường hợp thiếu trang hoặc trùng lặp. Tuy nhiên, hình thức tốt vẫn thích hơn.
- Vậy nếu là độc giả thông thường, họ sẽ có thái độ thế nào với cuốn sách này?
Độc giả sẽ nhận được một nụ cười vì nhìn vào là thấy nó buồn cười. Như tôi, tôi sẽ nói câu: "Thằng này nghịch quá".
- Xin cảm ơn ông!