Nếu chủ blog tự tìm số điện thoại trên mạng và nói rằng đó là khách mua dâm, thì đây là hành vi vu khống trắng trợn, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của các chủ nhân số điện thoại.
Liên quan đến vụ việc một người viết bài trên blog cá nhân tự nhận mình là gái mại dâm và công khai danh sách số điện thoại của khách làng chơi, Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty Luật Inteco, Hà Nội) cho rằng, nếu đây là chuyện bịa đặt, chủ nhân các số điện thoại nên tố cáo để cơ quan công an có cơ sở xử lý.
Như đã đưa tin, mới đây, người chơi blog có tên Trúc Mai Xinh đã đăng tải một bài viết tự nhận rằng, mình là gái gọi (gái mại dâm) và đưa số điện thoại di động của khách làng chơi lên mạng.
Một dãy số điện thoại di động kèm theo tên được người này đăng tải và nói rằng đây là “khách làng chơi”. Chỉ trong thời gian ngắn, nội dung bài viết đã khiến cư dân mạng rất quan tâm. Nhiều người tham gia chia sẻ ý kiến. Có người tỏ ra thông cảm, chia sẻ với “cô gái mại dâm ảo” này nhưng cũng không ít người thể hiện sự phẫn nộ.
Có dấu hiệu vu khống
Luật sư Hà Huy Phong cho rằng, nếu chủ blog này đúng là gái mại dâm, những số điện thoại kia cũng đúng là của khách làng chơi, việc công khai số điện thoại là cần thiết và không trái pháp luật. Bởi đây là một sự việc có thật, không giống với việc xâm phạm thông tin đời tư khi chưa được phép.
Theo Luật sư Phong, pháp luật hiện tại chưa có những chế tài mạnh mẽ với người mua dâm, nhưng về mặt đạo đức và xã hội, cần phải lên án tệ nạn này. Tuy nhiên, luật sư này giải thích thêm, việc công bố thông tin như vậy cần phải có những bằng chứng rõ ràng và xác thực, tránh ảnh hưởng tới quyền nhân thân của người khác.
Trường hợp người viết blog kia cố tình chơi trò ác ý, tự tiện tìm kiếm số điện thoại đâu đó trên mạng và bịa đặt câu chuyện này, theo ông Phong, cần phải xử lý nghiêm khắc.
Luật sư Hà Huy Phong
Luật sư Phong đánh giá, ảnh hưởng của Internet là rất lớn. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân chủ nhân số điện thoại mà còn có thể ảnh hưởng tới gia đình, cơ quan và sự nghiệp của người đó.
Cần phải xác minh chủ nhân blog có phải là cô gái bán dâm thật hay không. Kể cả trường hợp cô ta đúng là gái bán dâm, cô ta và chủ số điện thoại không quen hoặc quen nhưng chưa từng có hành vi mua - bán dâm với nhau, thì đây là một hành vi vu khống trắng trợn, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của các chủ nhân số điện thoại.
Luật sư Phong viện dẫn, Bộ luật hình sự quy định "người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm". Nếu hành vi này thực hiện đối với nhiều người thì có thể bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
Tuy nhiên, luật sư này cũng lưu ý, người bị xâm phạm phải là con người cụ thể, với các thông tin có thể định danh được người đó là ai. Hành vi này được thực hiện một cách cố ý, với mục đích rõ ràng là để xâm phạm danh dự của người khác.
Khó xử lý
“Trong vụ việc này, tôi thấy có những khó khăn nhất định trong việc xác minh” – Luật sư Hà Huy Phong nhận định.
Luật sư này cho rằng, rất nhiều người dùng số điện thoại nhưng trên giấy tờ lại không phải là chủ nhân. Hơn nữa, bây giờ rất dễ để lên mạng Internet tìm kiếm số điện thoại, đặc biệt là của các doanh nhân và người nổi tiếng, thậm chí là danh sách khách hàng của một nhà mạng nào đó.
Với các thông tin hiện nay, chưa thực sự rõ ràng để có bất kỳ kết luận nào, có số điện thoại có tên chủ nhân, nhưng cũng có số điện thoại không có tên của chủ nhân. Có thể có số điện thoại nào trong số đó phản ánh đúng sự thật, nhưng cũng rất có thể rất nhiều số là bị bịa đặt. Cần phải hết sức cảnh giác với các thông tin như thế này.
“Rất dễ oan ức và oan sai nếu có bất kỳ kết luận nào vội vã, từ góc độ cảm giác của mỗi cá nhân hay hành vi quản lý của cơ quan có thẩm quyền.” – Ông Phong nói.
Luật sư Phong lưu ý thêm: "Việc tự ý đưa thông tin lên mạng ở đây, gắn liền với việc mua dâm, nghĩa là gắn với một tệ nạn đang bị lên án ở Việt Nam và tôi cho rằng, đó là sự xúc phạm danh dự. Hậu quả của nó, không chỉ là xúc phạm mà còn có thể gây tan nát gia đình của nạn nhân.
Nếu đây là hành vi vu khống người khác, các nạn nhân cần có đơn đề nghị cơ quan điều tra khởi tố hình sự thì cơ quan điều tra mới có cơ sở để vào cuộc."
Vị Giám đốc công ty luật này cũng cho rằng, cơ quan công an cần vào cuộc để xác minh thông tin, tối thiểu chủ nhân blog là ai, có phải gái bán dâm thật sự hay không. Nếu đúng chủ nhân blog là gái bán dâm thì phải xác định số điện thoại và chủ nhân số điện thoại nào trong danh sách bị đưa lên là có thật, số điện thoại nào là bịa đặt.
Theo ông Phong, cần điều tra sớm và công khai rõ ràng để có thể có những người bị oan được giải tỏa, cứu giúp gia đình người đó, tránh các tác động xấu về mặt dư luận và tình cảm.
“Qua việc này, cũng nhìn thấy tầm quan trọng của việc quản lý thông tin thuê bao từ nhà mạng. Nếu xác minh thông tin, chủ nhân thuê bao trên dữ liệu đăng ký chưa chắc đã là chủ nhân sử dụng thực tế.” - Luật sư Hà Huy Phong nói thêm.
Chúng tôi đã liên hệ với Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (thuộc PC45 – Công an TP. Hà Nội). Tuy nhiên cơ quan này cho biết chưa hề nhận được đơn từ, hay thông tin tố cáo, phản ánh về sự việc trên.
Qua liên lạc với những số điện thoại bị công bố trong blog Trúc Mai Xinh, những người này cũng tỏ ra không có ý định tố cáo với công an về việc này.
Trong khi đó, một số cư dân mạng cho rằng đây chỉ là chiêu PR của một số diễn đàn.