Sau mỗi trận mưa, bọ cạp xuất hiện đầy đường rồi chui vào nhà dân… làm ổ.
Mở cửa thấy bọ cạp
Theo phản ánh của các hộ dân sống tại khu phố Tân Phú (phường Tân Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương), bọ cạp đang xuất hiện nhiều bất thường.
Chị Lê Thị Nga, một người dân trong khu phố Tân Phú cho biết: “Từ đầu mùa, sau mỗi trận mưa, những con bọ cạp đen sì lại xuất hiện, chúng bò lổm ngổm ngay trước cửa nhà trông rất là ghê”.
Nhà chị Nga có ba phòng cho thuê, nhiều người thuê nhà đã không ít lần hoảng hốt vì bọ cạp xuất hiện ngay trong phòng. Chị Trần Thị Bích, người ở trọ cho biết: “Cách đây mấy hôm, em đang chuẩn bị đi tắm, khi bật điện nhà tắm định bước chân vào bỗng giật nảy mình vì thấy hai con bọ cạp to bằng ngón tay cái đang giơ càng lên ở sát cống thoát nước trong nhà tắm”. Chị Bích cho biết thêm hôm đó trời mưa rất to, rất có thể làm ngập nơi ở của bọ cạp nên chúng đã chui vào nhà tắm tìm chỗ ẩn nấp mới.
Bọ cạp bò trong nhà vệ sinh
Một con bọ cạp được người dân bắt để ngâm rượu
Theo anh Tống Trần Hào, ngụ ở khu C, khu phố Tân Phú: “Thường sau khi mưa khoảng một đến hai tiếng là bọ cạp không biết ở đâu chui lên nhiều lắm. Mưa càng lâu, đường ngập thì chúng ra càng nhiều”. Người dân nơi đây cũng cho biết, những ngày có mưa vào buổi chiều tối, bọ cạp xuất hiện nhiều nhất.
Phần lớn người dân khi ra đường vào buổi tối đều rất cảnh giác với loài bọ cạp này, bởi chúng thường bò trên những con đường nhỏ. Nguy hiểm hơn, bọ cạp thường chọn nhà dân làm nơi trú ngụ. Việc bọ cạp xuất hiện nhiều khiến tình trạng sức khỏe của người dân nơi đây bị đe dọa, sinh hoạt hàng ngày của người dân gặp không ít khó khăn. Loại bọ cạp trên có màu đen, càng to và dài như càng cua, đuôi dài, có con đuôi to.
Sau một lúc tìm kiếm, anh Tống Trần Hào đã bắt được một con bọ cạp ngay tại khu đất nhà mình
Tấn công người
Chuyện bọ cạp chui rúc vào nhà dân ở đây diễn ra như cơm bữa, chúng ẩn nấp ở những đồ đạc mà người dân thường dùng. Không ít trường hợp người dân đã “lãnh hậu quả” vì không may đụng phải chúng. Em Lê Đức Anh (18 tuổi), nhà ở khu phố Tân Phú cho biết: “Cách đây hơn một tuần, khi đi học về, vừa cầm cái khăn lau chân thì bỗng thấy đau nhói ở đầu ngón chân, hốt hoảng nhìn xuống em thấy một con bọ cạp bự cỡ ngón tay đang giơ càng lên chạy vào gầm tủ”.
Một người khác kể, bọ cạp ẩn nấp khắp nơi, cách đây ít bữa có cháu Dũng (7 tuổi) khi xỏ giày vào định đi chơi bỗng dưng cháu khóc thét lên rồi ôm chân đau đớn. Khi ba mẹ cháu kiểm tra mới tá hỏa phát hiện một con bọ cạp đang cong đuôi lên trong giày của cháu.
Hai con bọ cạp đang bò lổm ngổm trước cổng một nhà dân
Một con bọ cạp bò trên cây ngay nhà dân
Khi bị bọ cạp đốt thường có biểu hiện đau, nhức, chỗ bị đốt bị sưng tấy rất khó chịu. Y sĩ Vũ Doãn Hùng, sống trong khu phố Tân Phú cho biết: “Nếu bị bọ cạp lớn hơn ngón tay cái đốt, nọc độc sẽ rất mạnh, người lớn mất vài ngày mới khỏi. Riêng trẻ em khi bị bọ cạp đốt nên đưa đi bác sĩ để được khám chữa kịp thời”.
Anh Hùng chia sẻ thêm, ngay bản thân anh cũng từng bị bọ cạp đốt vào ngón tay, anh nói: “Buổi tối hôm đó tôi ngủ trên gác, nửa đêm thấy đầu ngón tay tê buốt, giật mình tỉnh giấc thì thấy chú bọ cạp đang chui vào khe tường nhà. Phải mất hai ngày sau vết thương do bị bọ cạp cắn mới khỏi”.
Theo người dân địa phương, bọ cạp xuất hiện đã lâu nhưng chưa thấy ngành y tế của phường xuống hỗ trợ người dân trong việc phòng, chống. Phần lớn những người bị đốt đều ra hiệu thuốc mua thuốc về tự bôi vào chỗ bị đốt.
Anh Vũ Doãn Hùng chỉ những nơi mà bọ cạp thường trú ngụ trước khi vào nhà dân
Nhiều người khi dọn dẹp nhà cửa, làm vệ sinh khu vực xung quanh đã bắt gặp cả bầy bọ cạp nằm trong những đống rác thải quanh nhà. Anh Nguyễn Văn Sơn, ngụ khu C phố Tân Phú kể: “Hôm trước tôi có dọn dẹp đống củi trước cửa nhà, khi dọn gần hết tôi nổi da gà khi thấy một bầy bọ cạp, chắc khoảng mấy chục con đang nằm dưới những thanh củi, có những con to như ngón chân cái người lớn, thấy vậy tôi liền lấy xăng đổ lên củi đốt luôn”.
Theo người dân sống trong khu vực, bọ cạp thường trú ngụ trong những bụi rậm, vườn hoang hay những ngóc ngách ở ven đường, khi mưa, đường ngập, nơi ẩn nấp của chúng bị ảnh hưởng, bởi thế chúng mới di chuyển vào “định cư” trong nhà của dân…