Sau hơn một tuần thực hiện việc bỏ chấm điểm thường xuyên với học sinh tiểu học (bắt đầu từ 15/10), nhiều giáo viên cảm thấy “mệt phờ” vì phải nghĩ đủ cách đánh giá học sinh. Với học sinh lớp 1 chưa đọc thạo, các cô còn phải… tô hoa để học sinh biết mình được đánh giá thế nào.
Muôn kiểu nhận xét
Mặc dù đã được thí điểm thực hiện ở lớp 1, tuy nhiên, sau khi đưa vào thực hiện đại trà với hơn 7 triệu học sinh tiểu học, việc bỏ chấm điểm đã khiến không ít giáo viên phải phàn nàn vì quá sức. Trong khi đó, phụ huynh vẫn chưa bỏ được thói quen lấy điểm số làm “thước đo” kiểm soát sức học của con mình hàng ngày trên lớp.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội) mới tập tô chữ nên chưa hiểu lời phê của cô giáo.
Cô Nguyễn Thị Hà – giáo viên một trường tiểu học tại TP.Vinh, Nghệ An cho biết, sau khi có Thông tư 30 về việc đánh giá học sinh tiểu học của Bộ GDĐT, trường đã cho giáo viên tập huấn từ đầu năm học mới về việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện nhiều giáo viên đã bắt đầu tỏ ra mệt mỏi:
“Mình chủ nhiệm lớp 2 nhiều năm nay, sĩ số các lớp năm nào cũng từ 45 – 55 học sinh, đỉnh điểm có năm “đẹp” phải đến 60 học sinh. Nếu mỗi ngày chỉ nhận xét 2 môn toán + tiếng Việt thôi thì nhân số vở lên cũng đến hơn 100 cuốn, để nhận xét tỉ mỉ từng em một đúng là quá tải không thể thực hiện hết trên lớp mà mang về nhà thì thời gian dành cho việc soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng cũng bị bớt đi”.
Cũng theo cô Hà, đối với các giáo viên chủ nhiệm còn cả tá sổ sách giấy tờ cần hoàn thiện như sổ liên lạc, sổ họp, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, giáo án, sổ chủ nhiệm… “Trong khi đó việc ứng dụng công nghệ thông tin vẫn rất hình thức, chủ yếu giáo viên vẫn viết tay là chính nên vô cùng mệt mỏi” – cô Hà nói.
Để thống nhất và giảm tải trong việc nhận xét bằng lời, nhiều trường đã đưa ra một số hình thức đánh giá ngắn gọn như: Đạt, không đạt, đánh giá bằng hình, bông hoa, phát cờ hoặc một số lời nhận xét “mẫu” như: Bài tương đương với điểm 10 thì nhận xét là: Bài làm rất tốt, điểm 9: Bài làm tốt, điểm 8: Bài làm khá…
Tuy nhiên, cô Đào Thị Ngọc, giáo viên Trường Tiểu học Khánh Thượng (Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Đối với học sinh lớp 1 chưa biết chữ viết lời nhận xét nhiều em còn bảo cô viết bẩn vào vở, giáo viên phải thay bằng cho các bông hoa: Điểm 10 thì hoa màu đỏ, điểm 9 hoa màu xanh… Một ngày cặm cụi tô hàng trăm bông hoa cũng… oải”.
Cá biệt, có nhiều trường tiểu học đã sử dụng đến… con dấu để đánh giá học sinh. Một giáo viên tại Trường Tiểu học Phương Mai (Hà Nội) cho biết, để đỡ vất vả, mỗi cô tùy theo bộ môn mình dạy có đặt các loại con dấu khác nhau để “đóng” vào vở học sinh: “Các mẫu đơn giản như có hình mặt hoa cười cùng chữ “cô khen” dành cho những em hoàn thành bài xuất sắc, hay có những dấu chữ dài hơn như “cần cẩn thận hơn”, “cần rèn thêm kỹ năng tính toán”, “con có tiến bộ”, “con cần cố gắng”, tuy nhiên khi chấm bài để chọn dấu phù hợp cũng mệt nhoài, có khi còn đóng... nhầm” – cô giáo này cho biết.
Lo ngại cá mè một lứa
Trong khi đó, nhiều phụ huynh lại có nỗi “mệt” hoàn toàn khác. Từ ngày con “không được chấm điểm” chị Nguyễn Phương Trà có con học tại Trường Tiểu học An Khê (Quỳnh Phụ, Thái Bình) cách vài hôm lại phải gọi điện hỏi cô về bài vở của con. Chị Trà cho biết: “Đối với môn toán câu nào sai cô giáo chữa vào bài, mình còn ước lượng được khả năng của con đến đâu, nhưng một số môn khác như tiếng Việt, tập viết, mỹ thuật… thì chịu. Cô cũng hay nhận xét nhiều ngày giống nhau nên chẳng biết con mình có tiến bộ không?”.
Đồng tình với việc không đánh giá bằng điểm số sẽ giảm áp lực học hành cho học sinh, tuy nhiên chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội) lo ngại: “Từ khi không được chấm điểm thấy con lười học hẳn đi. Trước đây, mỗi lần được điểm 6 – 7 về nhà là khép nép sợ mẹ rồi đến giờ là vào bàn học, hoàn thành bài vở và cố gắng để được điểm 9, 10 nhưng giờ thì không thấy thế nữa”. Chị Ngọc Anh cũng bày tỏ: “Với số lượng công việc lớn như vậy, chỉ sợ các cô “ngại” không sát sao nhận xét con mình, nếu chỉ nhận xét chung chung thì bố mẹ không thể biết con học hành thế nào”.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Dũng – Trưởng phòng GD Tiểu học (Sở GDĐT) Hà Nội cho rằng, ban đầu sẽ có khó khăn cho giáo viên và khó hiểu với phụ huynh. Giáo viên không chỉ phải giám sát chặt hơn học sinh của mình mà còn phải kết hợp với phụ huynh trong việc cùng nhau dạy trẻ, giúp trẻ tiến bộ. Cũng theo ông Dũng: “Để giảm tải, giáo viên không cần thiết phải nhận xét tất cả học sinh của lớp trong ngày mà chia theo tổ nhận xét và tổng hợp theo tháng”.
Về phía bộ GDĐT, ông Phạm Ngọc Định – Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho rằng: “Việc thay đổi cách làm cũ, thói quen cũ cần phải có thời gian để giáo viên và học sinh thích nghi. Thời điểm mới áp dụng việc gặp khó khăn, bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, đây là một xu hướng tiến bộ mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng, cách làm này sẽ giúp học sinh không bị áp lực bởi điểm số và thành tích ngay từ những ngày đầu đi học”.
Theo hướng dẫn của Thông tư 30, thay bằng sổ điểm giáo viên sẽ phải nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Sổ này gồm 76 trang, sử dụng cho 35 học sinh, mỗi em sẽ được nhận xét 2 trang giấy với các nội dung về năng lực, phẩm chất, khả năng tự phục vụ, giao tiếp, tự học, sự tiến bộ, đạo đức, trách nhiệm... Đối với giáo viên bộ môn, để hoàn thành số tiết theo định mức (khoảng trên 20 tiết/tuần) với số lượng các tiết ít như mỹ thuật; thể dục... (mỗi lớp chỉ 1 tiết/tuần) giáo viên phải dạy đến 2-3 lớp thì số sổ sách phải hoàn thành là rất lớn. Sẽ giúp chấm dứt học thêm “Nếu làm tốt, chủ trương này sẽ không chỉ thay đổi cách đánh giá, giảm áp lực cho học sinh mà còn làm thay đổi mối quan hệ gia đình - nhà trường. Thay bằng chỉ nhìn điểm để xét con, phụ huynh sẽ cần gắn kết hơn nữa với giáo viên để giám sát sự tiến bộ của con. Cũng hy vọng, cách đánh giá này chấm dứt được tình trạng trẻ tiểu học phải học thêm nhiều vì chạy đua điểm số”. PGS-TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Nên thực hiện cuốn chiếu “Với cách đánh giá này, bộ nên thực hiện cuốn chiếu từ lớp 1 năm nay và vẫn duy trì chấm điếm với các em học sinh lớp 2, 3, 4, 5. Như vậy trong 5 năm là có 1 lứa học sinh quen với cách làm này. Còn hiện nay, nhiều học sinh ngơ ngác vì không hiểu sao mình không có điểm. Với các em lớp 5 còn tệ hơn vì năm nay không chấm điểm, sang năm (lên THCS) thì lại chấm”. Một giáo viên tại Hà Đông (Hà Nội) |