Một thay đổi “lạ” trong dự thảo quy chế tuyển sinh vừa được Bộ GD-ĐT công bố là việc dùng thang điểm 20 thay cho thang điểm 10 trong chấm thi.
Giải thích trong họp báo chiều 18.12 , ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT cho biết, kỳ thi quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ cho các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh.
Theo dự thảo sẽ thay thang điểm 10 bằng thang điểm 20
“Để đạt được mục đích nói trên thì yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi và phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước” – ông Trinh nói.
Cũng theo ông Trinh, việc mở rộng thang điểm 10 sang 20 sẽ giúp công tác chấm thi chi tiết hơn, hỗ trợ tốt hơn cho công tác xét tuyển ĐH, CĐ. Cụ thể , các ý nhỏ trong bài thi sẽ được chấm lẻ đến 0,25 và không làm tròn.
Việc nâng thang điểm cũng làm thay đổi quy định về các ngưỡng tối thiểu: điểm liệt của thí sinh sẽ được nâng từ 1 điểm trở xuống lên 2 điểm trở xuống, điểm ưu tiên tối đa xét tốt nghiệp THPT nâng từ 4 lên 8 điểm.
Ngoài ra, điểm xét tuyển tốt nghiệp (ĐXTN) cũng bị thay đổi theo công thức:
ĐXTN= Tổng điểm 4 bài thi + Tổng điểm khuyến khích (nếu có) 8
+ Điểm trung bình lớp 12
Về đề thi, Thứ trưởng Bộ GD ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, đề thi sẽ ra theo định hướng đánh giá năng lực học sinh, sử dụng nhiều câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời chứ không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện theo mẫu: “Đề thi như vậy sẽ hạn chế được việc sử dụng tài liệu trong phòng thi, góp phần khắc phục việc dạy thêm, học thêm tràn lan” – ông Hiển nói.
Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết thêm: “Bộ sẽ sớm có hướng dẫn về các trường trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh đáp ứng nhu cầu của kỳ thi chung, tránh quá tải”. Để giảm thí sinh “ảo”, theo quy chế mới, mỗi thí sinh sẽ có 4 giấy báo điểm có mã vạch khác nhau phù hợp với 4 đợt xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Bộ GD ĐT sẽ lấy ý kiến và ban hành quy chế tuyển sinh chính thức vào tháng 1.2015.