Băn khoăn về việc không chấm điểm và không giao bài tập

Ngày 10/12/2014 00:09 AM (GMT+7)

Rất nhiều phụ huynh và giáo viên chưa thấy thuyết phục sau 2 tháng thực hiện Thông tư 30 về không giao bài tập về nhà, không chấm điểm... TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm đã chia sẻ về vấn đề này.

Dưới đây là một số băn khoăn của phụ huynh và giáo viên về Thông tư 30 được TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm liệt kê và giải đáp:

1. Làm mất tính chiến đấu của học sinh: Tôi biết có cả một số giảng viên đại học cũng băn khoăn lo lắng rằng thanh niên Việt Nam trong tương lai sẽ mất tính chiến đấu, ý chí vươn lên. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý một chút: Thông tư 30 chỉ áp dụng cho cấp tiểu học, cấp 2, 3 vẫn chấm điểm như thường. Như vậy, trong số 12 năm học trong phổ thông, trẻ chỉ làm việc trên tinh thần của thông tư 30 có đúng 5 năm đầu đời. Thời gian đó để trẻ học cách làm việc nhóm, cách hợp tác.

Do đó không thể nói thanh niên Việt Nam sẽ mất tính chiến đấu mà rõ ràng là tính chiến đấu giữa các cá nhân riêng lẻ sẽ giảm để thay thế vào đó là khả năng làm việc nhóm, khả năng chiến đấu cho cả đơn vị và cao hơn là cả đất nước sẽ được nâng cao.

Băn khoăn về việc không chấm điểm và không giao bài tập - 1

Một buổi học tại trường tiểu học Ban Mai, Hà Nội.

2. Chỉ toàn khen, không chê: Tâm lý con người không bao giờ thích bị chê bai. Nếu sử dụng chê bai để dạy học thì rõ ràng là chỉ thất bại. Những lời khuyên chỉ rõ sai sót của học sinh với cách nhận xét nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ tốt hơn ngàn lần việc chê bai.

Ví dụ: Thay vì chỉ trích trẻ "Em ngu quá, dốt quá", giáo viên nhẹ nhàng "Con làm chưa đúng rồi, chú ý một chút là con sẽ làm tốt". Với câu nhận xét này, đứa trẻ sẽ biết mình sai ở đâu để chỉnh sửa và ngày càng tiến bộ chứ không phải con số điểm khô cứng mà cha mẹ sử dụng để so sánh chúng với hàng xóm. Đồng thời, những lời nhận xét đó sẽ khiến trẻ yêu học, thích học chứ không phải sợ học như bây giờ.

3. Thông tư 30 chỉ áp dụng cho tiểu học. Con đường trưởng thành của trẻ là rất dài. Những kĩ năng trẻ cần trau dồi rất nhiều. Sự khích lệ ban đầu sẽ giúp con có thêm niềm vui học tập. Ngoài ra, những lời nhận xét nhẹ nhàng cũng sẽ dạy trẻ cách giao tiếp nhẹ nhàng mà hiệu quả thay vì chỉ trích nặng nề.

Băn khoăn về việc không chấm điểm và không giao bài tập - 2

Học sinh không còn áp lực vì không giao bài tập về nhà, không chấm điểm.

4. Cả năm nhận xét, cuối năm chấm điểm, trẻ sẽ bị thiệt thòi nếu sảy chân: Với điều này, chúng ta cần nhìn lại cách chấm điểm cũ. Tuy hàng ngày trẻ nhận được điểm cô chấm nhưng điểm đó lại không sử dụng để đánh giá. Toàn bộ năm học chỉ được đánh giá bằng điểm thi cuối năm. Nếu trẻ gặp chút khó khăn trong kì thi cuối năm, trẻ sẽ phải chấp nhận điểm đó cho cả năm học mà không thể thay đổi được.

Nhưng đánh giá theo thông tư 30, các giáo viên sẽ căn cứ vào cả những lời đánh giá hàng tháng và điểm thi để ghi vào học bạ. Vì thế, chuyện oan uổng sẽ không xảy ra và trẻ sẽ được đánh giá công bằng hơn.

5. Có thể làm cho trẻ lười học, chưa kể cấm làm bài tập về nhà khiến cho trẻ chỉ chơi, rất vô ích: Chúng ta cần biết một sự thật là giới trẻ ngày nay thiếu rất nhiều kĩ năng. Thời gian trẻ sống ở trường là cả ngày, vài tiếng buổi tối ở nhà lại làm bài tập nữa thì các kĩ năng của trẻ sẽ phải chờ đến khi nào?

Chưa kể có một số kĩ năng nếu hình thành muộn sẽ trở nên khó khăn hơn và không tạo được thành phản xạ có điều kiện. Như vậy khả năng ứng phó, ứng biến của trẻ sẽ rất kém. Điều đó sẽ dễ tạo ra thất bại cho trẻ trong tương lai dù trẻ học rất giỏi.

Trẻ tập trung hơn cho kĩ năng khi còn học tiểu học và sẽ dồn sức để học tập khi lên cấp 3, đây chính là điều mà thông tư 30 mong muốn đạt tới.

Qua đây, TS Vũ Thu Hương bày tỏ, việc thực hiện Thông tư 30 còn nhiều bất cập do tình trạng "trên bảo dưới không nghe" của ngành giáo dục chứ không phải bản chất thông tư 30 có vấn đề. Để giải quyết công việc này, đòi hỏi sự chung tay của tất cả chúng ta. Nếu như ai cũng nghĩ: Nói làm gì, không thay đổi được gì... thì sẽ không bao giờ giải quyết được bất kể khó khăn nào của đất nước.

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan