Các bên nói gì về giá kit xét nghiệm COVID-19?

Ngày 29/09/2021 09:02 AM (GMT+7)

Bộ Y tế khẳng định đã có nhiều văn bản chỉ đạo về giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên, sắp tới Bộ dự kiến đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá bởi vì hiện nay mặt hàng này chưa được quy định trong luật.

Tại cuộc họp với Thủ tướng mới đây, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết giá bộ test nhanh kháng nguyên (test nhanh) COVID-19 nhập khẩu nếu mua số lượng lớn khoảng 35.000 đồng/test, khi về đến Việt Nam (cộng chi phí khác), giá khoảng 60.000 đồng/test. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các bệnh viện đều đang thu phí test dao động 150.000-230.000 đồng/test, mức chênh lệch khá cao.

Doanh nghiệp: Chênh giá mỗi khâu 15%-20%

Qua tìm hiểu và theo danh sách các đơn vị cung cấp sản phẩm test nhanh và test Realtime RT-PCR (test PCR) do Bộ Y tế công bố (đã đăng ký và được cấp phép), tính đến tháng 8-2021, Việt Nam có hơn 20 đơn vị sản xuất và nhập khẩu thiết bị test nhanh, hơn 30 nhà sản xuất, nhập khẩu cung cấp thiết bị test PCR.

Đa số thiết bị test này được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ. Trong đó, sản phẩm test nhanh nhập khẩu, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng có đơn giá dao động 79.000-200.000 đồng/test, sản phẩm sản xuất trong nước có giá khoảng 100.000 đồng/test. Còn các sản phẩm test PCR có giá bán trong khoảng 300.000-600.000 đồng/test.

Ngày 28-9, PV đã liên hệ một số DN theo danh sách của Bộ Y tế để tìm hiểu đơn giá của bộ test nhanh.

Đại diện một công ty chuyên nhập khẩu test nhanh với năng lực hàng chục triệu test/tháng cho biết khi nhập khẩu về, ngoài giá sản phẩm, doanh nghiệp (DN) này còn phải mất thêm rất nhiều chi phí: Chi phí vận chuyển (10%), chi phí hoạt động của công ty, chi phí phân phối. Mỗi kênh như vậy chiếm thêm 15%-20% chi phí giá thành.

“Hầu hết các nhà nhập khẩu không bán thẳng đến người tiêu dùng mà phải thông qua các công ty thương mại có kênh phân phối. Vì mỗi công ty có một thế mạnh khác nhau. Trong khi đó, các đơn vị phân phối cũng có mạng lưới hệ thống khác nhau. Qua mỗi tầng nấc, giá bán sản phẩm đã phải đội lên khá nhiều khi đến người tiêu dùng” - vị này cho biết.

Theo đại diện DN này, ngoài những chi phí trên, còn có một chi phí nữa là dự phòng rủi ro, chi phí cơ hội. Bởi với sản phẩm test nhanh, vừa qua nhiều nước sử dụng rất nhiều nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Sau đó, nhiều nước không cho dùng test nhanh nên với lượng hàng đã nhập về rồi không bán được nữa. Như vậy chi phí đó DN cũng phải gánh chịu.

Đặc biệt, các DN phản ánh việc đấu thầu kit test nhanh vào các bệnh viện gặp vướng mắc về hạn sử dụng. Thông thường test nhanh có hạn sử dụng 12-24 tháng, bệnh viện chỉ chấp nhận mua hàng còn thời hạn ít nhất 6-12 tháng so với hạn sử dụng công bố.

“Hằng năm, chúng tôi phải hủy một lượng lớn sản phẩm do hạn sử dụng không đủ như bệnh viện yêu cầu. Với những sản phẩm nhập về có hạn sử dụng 24 tháng có mức giá khác, khi hạn sử dụng còn 14 tháng thì giá lại khác, hoặc hạn còn 12 tháng, công ty phải bán bằng với giá nhập, chưa tính đến chi phí phân phối” - vị này chia sẻ.

Lấy mẫu test nhanh COVID-19 cho người dân quận Bình Thạnh, TP.HCM.Ảnh: HOÀNG GIANG

Lấy mẫu test nhanh COVID-19 cho người dân quận Bình Thạnh, TP.HCM.Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo các DN, đó là một rủi ro về kinh doanh. Ông Đào Đình Khôi, Giám đốc Công ty TNHH Medicon, đơn vị sản xuất sản phẩm test nhanh SARS-CoV-2 tại Việt Nam, cho biết kinh doanh lĩnh vực xét nghiệm y tế là hoạt động kinh doanh có điều kiện, DN cần có chi phí dự phòng rủi ro sản phẩm. Chưa kể, các chi phí về nhân sự, đào tạo hệ thống phân phối đều tính vào chi phí giá thành sản xuất.

Theo ông Khôi, giá nhập test nhanh về tùy vào từng sản phẩm và chất lượng hàng hóa. Có những loại hàng chỉ 1,5-2 USD/test nhưng có sản phẩm giá cao hơn. Để đánh giá sản phẩm cao hay thấp cần dựa vào yếu tố chất lượng.

Chia sẻ với PV, nhiều DN cũng có biết giá được DN công bố theo danh sách của Bộ Y tế là mức giá trần.

Phần lớn các công ty nhập hàng từ Hàn Quốc đều công bố giá 170.000-180.000 đồng/test nhưng thực chất bán với giá 135.000 đồng/test, thậm chí giá trúng thầu ở các cơ sở y tế chỉ hơn 100.000 đồng/test.

Bộ Y tế: Thị trường điều tiết, Bộ không can thiệp

Trả lời PV, lãnh đạo Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết hiện có hơn 90 loại test nhanh kháng nguyên trong nước và nhập khẩu. Mỗi loại có một giá khác nhau, có loại thấp tầm 120.000 đồng/test nhưng cũng có loại bán với giá 500.000 đồng/test. Giá bán do công ty sản xuất quy định và chịu trách nhiệm về giá.

Từ trước đến nay, Bộ Y tế không đàm phán cũng như kiểm soát giá thiết bị y tế này, do chưa có quy định. Test nhanh COVID-19 không thuộc danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá mà giá thông qua đấu thầu mua sắm tại cơ sở y tế. Giá bán trang thiết bị y tế được quyết định, điều tiết bởi cơ chế thị trường.

Từ năm 2020, Bộ Y tế đã yêu cầu các DN sản xuất test nhanh công khai giá các trang thiết bị y tế lên cổng công khai y tế. Việc này giúp các đơn vị mua sắm chọn được đúng chủng loại, đúng giá trị, tránh hiện tượng thổi giá, đội giá. Khi mua sắm, các địa phương có thể tham khảo giá trúng thầu được công khai trên cổng.

Giá dịch vụ xét nghiệm hiện Bộ Y tế có quy định rõ về giá, còn giá xét nghiệm do DN tự công bố và tự chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, BHXH Việt Nam, cho biết theo quy định hiện hành, Bộ Y tế là đơn vị thực hiện việc ban hành và hướng dẫn thanh toán giá dịch vụ khám chữa bệnh. Trong đó có chi phí xét nghiệm PCR, bộ test nhanh...

BHXH Việt Nam chỉ thực hiện thanh toán theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chẳng hạn trường hợp nào được thanh toán và giá bao nhiêu. “Chúng tôi không tiếp cận được giá nhập bộ test nhanh COVID-19, cũng như các vật tư y tế khác. Chỉ biết Bộ Y tế quy định trước đây một bộ test nhanh là hơn 200.000 đồng, sau giảm xuống còn hơn 100.000 đồng, chi phí xét nghiệm PCR thì khoảng 700.000 đồng, mẫu gộp thì chia ra…” - ông Phúc cho hay.

Tuy nhiên, trước thông tin phản ánh từ DN, ông Phúc cho biết BHXH sẽ tiếp nhận các thông tin này và có kiến nghị Bộ Y tế công khai, minh bạch giá bộ test nhanh COVID-19. “Trong trường hợp phát hiện việc xây dựng giá không đúng thì Bộ Y tế phải có một phần trách nhiệm trong việc này” - ông Phúc nói.

Bộ Y tế chính thức lên tiếng 

Gần 12h khuya 28-9, Bộ Y tế thông tin đến báo chí một số nội dung liên quan đến giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên (test nhanh COVID-19).Theo trả lời từ Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, về giá test nhanh kháng nguyên, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi.

Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 06 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).

Đối với xét nghiệm trong các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu việc tính giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên căn cứ vào thực thanh thực chi, cụ thể giá được tính toán dựa vào giá kit test, chi phí vật tư tiêu hao liên quan. Việc thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật đấu thầu.

Cạnh đó, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu để giảm chi phí xét nghiệm, đặc biệt là cho các doanh nghiệp

Để tăng cường quản lý giá test nhanh kháng nguyên, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (bao gồm test xét nghiệm) trong đó yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá để công khai, minh bạch trong mua sắm đấu thầu.

Sắp tới, Bộ Y tế tổng hợp ý kiến xong sẽ đề nghị đưa test xét nghiệm COVID-19 vào mặt hàng bình ổn giá bởi vì hiện nay mặt hàng này chưa được quy định trong luật.

Cơ quan này đã yêu cầu các đơn vị cung cấp các sinh phẩm xét nghiệp hàng tuần cập nhật công khai giá lên Cổng công khai giá dịch vụ y tế để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký để tạo cạnh tranh giá.   

Đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc đấu thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm cũng như kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ông Thuấn khẳng định, cho đến nay Bộ Y tế chưa thực hiện việc mua sắm test kháng nguyên nhanh.

Những test kháng nguyên nhanh sử dụng trong thời gian qua các đơn vị, địa phương thực hiện việc mua sắm đấu thầu theo quy định.

“Theo tôi được biết các đơn vị chủ yếu sử dụng test do các đơn vị tài trợ như TP.HCM vừa rồi được tài trợ 10 triệu test. Ngay như Bộ Y tế cũng được các tổ chức quốc tế và các đơn vị tài trợ hơn 10 triệu test để phân bổ cho các địa phương”- ông Thuấn nói.

Cập nhật: Đã có 25 tỉnh thành vùng xanh cho 100% học sinh đến trường học trực tiếp
Tính đến ngày 28/9, có 25 tỉnh, thành đã cho phép 100% học sinh các cấp đến trường, 13 tỉnh thành kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến, 25 tỉnh...

Tin tức 24h

Theo H.PHƯỢNG - A.HIỀN - V.LONG
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19