Ngành chức năng Quảng Trị quyết định cách ly 81 F1 là học sinh và giáo viên liên quan đến trường hợp nghi nhiễm Covid-19.
Cách ly 81 học sinh, giáo viên ở Quảng Trị liên quan ca nghi nhiễm Covid-19
Ngày 28/9, tại cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Cam Lộ, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu lãnh đạo địa phương nghiên cứu tình hình để có biện pháp cách ly đối với số học sinh và giáo viên liên quan đến trường hợp nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Cam Lộ cho hay, qua công tác truy vết, đã xác định 65 trường hợp F1 tại Trường TH&THCS Cam Thuỷ và Trường Mầm non Hoa Sen (xã Cam Thuỷ, huyện Cam Lộ). Trong đó, có 23 cháu mầm non và 36 em lớp 1, cùng 4 giáo viên tiểu học, 18 cô giáo mầm non.
Cách ly tập trung nhiều giáo viên và học sinh liên quan đến ca nghi nhiễm Covid-19
Ông Nguyễn Quảng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ cho biết, qua phân tích dịch tễ, xác định nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn. Nếu cho các em cách ly tại nhà thì nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng rất cao, khó lường trước được. Vì vậy, ông Quảng đề nghị cách ly tập trung đối với toàn bộ học sinh và giáo viên nói trên.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, sau khi thống nhất các ý kiến, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quyết định cách ly tập trung toàn bộ học sinh và các giáo viên này tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cam Lộ.
Cũng theo ông Tuấn, ngay trong chiều 28/9, các đơn vị chuẩn bị phương tiện, điều kiện y tế để đưa học sinh đi cách ly càng sớm càng tốt. Phía chính quyền địa phương sẽ thông báo cho phụ huynh của những học sinh nói trên và khuyến khích đi theo hỗ trợ, chăm sóc các cháu trong thời gian cách ly, với nguyên tắc không để lây nhiễm chéo.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cũng chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với xã Cam Thủy; các xã, thị trấn còn lại của huyện Cam Lộ áp dụng theo Chỉ thị 15.
Trước đó, trên địa bàn huyện Cam Lộ ghi nhận trường hợp ông L.P.T (trú tại thôn Lâm Lang 2, xã Cam Thủy, Cam Lộ) dương tính với SARS-COV-2. Ông T. khai báo quanh co. Khi lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, trích xuất camera tại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) thì phát hiện người này xuất cảnh qua Lào vào ngày 15/6. Tuy nhiên, không tìm được hình ảnh của ngày về. Đến ngày 25/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ) lại phát hiện ông T. có mặt tại nhà.
Liên quan đến ca dương tính này, tính đến 20h ngày 27/9 đã xác định 136 F1 và 508 F2. Trong đó, có 2 F1 là học sinh của Trường TH&THCS Cam Thủy và Trường mầm non Hoa Sen (xã Cam Thủy).
Vì sao nữ giám đốc bị tố làm lây dịch Covid-19 được xuất viện khi còn dương tính?
Trước đó, vào ngày 24-9, ngay hôm công an khám xét những nơi làm việc của Giám đốc Công ty mỹ phẩm Đông Anh là bà Nguyễn Huỳnh Như (SN 1997; ngụ phường 7, TP Bạc Liêu) để điều tra về vụ án "Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người", Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu đã trao giấy xuất viện và giấy chứng nhận đã hoàn thành việc cách ly điều trị bệnh Covid-19 cho bà Như cùng 2 người nhà.
Mỹ phẩm Đông Anh bị phong tỏa sau khi bà Như trở thành F0
Vụ việc lập tức gây hoang mang dư luận tại địa phương, vì lúc ra viện bà Như vẫn còn dương tính với SASR-CoV-2.
Tối 27-9, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu mới có thông cáo báo chí giải thích lý do bà Như và người thân được ra viện khi vẫn chưa hết bệnh.
Theo đó, trường hợp bà N.H.N. (Nguyễn Huỳnh Như) và bà H.T.K.C. xuất viện sau khi được lấy 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp cách nhau 24 giờ, có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR nồng độ vi rút thấp (Ct > 30); thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ là đúng quy định.
Quyết định khởi tố vụ án và lệnh khám xét được ký ngày 23-9, nhưng đến ngày 24-9, lực lượng chức năng mới tiến hành khám xét các địa chỉ liên quan đến hoạt động kinh doanh của bà Như
"Người bệnh được xuất viện với kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) thì không có khả năng lây bệnh cho cộng đồng. Người bệnh được xuất viện với kết quả dương tính với SASR-CoV-2 nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) hoàn toàn khác với người tái dương tính với SASR-CoC-2.
Báo chí nêu bệnh nhân Covid-19 được "điều trị tại nhà theo phác đồ" là sai sự thật, vì cho đến hiện nay, tỉnh Bạc Liêu không tổ chức điều trị tại nhà cho người mắc Covid-19"- thông cáo báo chí của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu - khẳng định.
Tiếp xúc với F0 trốn khai báo y tế, một bí thư xã ở Đắk Lắk bị kỷ luật
Ngày 28/9, Huyện ủy Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy vừa có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Vũ Duy Tấn, Bí thư Đảng ủy xã Dray Bhăng.
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện Cư Kuin vào thời điểm bị giãn cách theo Chỉ thị 16.
Theo UBKT Huyện ủy Cư Kuin, ông Vũ Duy Tấn với vai trò là Bí thư Đảng ủy đã thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch, vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, vi phạm Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
“Ông Vũ Duy Tấn tuy chưa để lại hậu quả nhưng đã làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn xã Dray Bhăng nói riêng và trên địa bàn huyện Cư Kuin nói chung; làm ảnh hưởng đến uy tín, tổ chức Đảng, đảng viên và bản thân ông Tấn, gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Căn cứ vào các quy định, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Cư Kuin quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Vũ Duy Tấn bằng hình thức khiển trách”, Quyết định kỷ luật nêu rõ.
Như Báo Giao thông đưa tin, trong lúc huyện Cư Kuin đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ông Tấn đã đi giải quyết việc gia đình tại huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) nhưng không báo cáo, xin phép. Quá trình giải quyết việc riêng tại huyện Krông Ana, ông Tấn có tiếp xúc với 1 người sau đó được xác định là F0. Sau khi về, ông Tấn không khai báo y tế và không cách ly tại nhà mà vẫn đi làm, tham gia họp.
(Theo Báo Giao Thông)
Nhiều tỉnh vẫn yêu cầu người đến từ "vùng xanh" phải có test PCR âm tính
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang dần được khống chế, nhiều địa phương nới lỏng giãn cách nhưng một số tỉnh vẫn thắt chặt.
Tại Thái Nguyên, UBND tỉnh vừa ban hành văn bản yêu cầu người về từ "vùng xanh" hoặc các địa phương, khu vực đã qua 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR trong vòng 72 giờ trước khi vào Thái Nguyên.
Trường hợp không có giấy xét nghiệm trên phải thực hiện cách ly tại nhà 3 ngày và lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần bằng phương pháp PCR, tự trả phí.
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng quy định, người về từ vùng cam, vàng, đỏ, kể cả đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng dịch Covid-19 nhưng cũng đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp Realtime-PCR và phải cách ly và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần trong thời gian cách ly tại Thái Nguyên.
Ông Đặng Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: "Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh là không chính xác, thường xảy ra trường hợp dương tính giả nên chúng tôi không chấp nhận.
Hơn nữa, Thái Nguyên gần Thủ đô Hà Nội nên lượng người lưu thông đông, việc yêu cầu kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR có thời gian thực hiện lâu, tốn kém hơn sẽ giúp hạn chế người dân lưu thông vì chỉ những trường hợp thực sự cần thiết mới bỏ thời gian, tiền bạc đi xét nghiệm để lưu thông".
Đông đảo người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm PCR tại Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103 Yên Bái để chờ kết quả vào Tuyên Quang, Phú Thọ (Ảnh chụp ngày 9/9/2021)
Tương tự, mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn và Hải Dương cũng có văn bản yêu cầu tất cả những người từ địa phương khác vào tỉnh này đều phải có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp PCR.
Các địa phương này không chấp nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh vì cho rằng không chính xác và "làm theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế".
Trong khi đó, tại Lạng Sơn, nơi có 5 cửa khẩu thông thương với Trung Quốc nhưng các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của tỉnh chỉ yêu có kết quả test nhanh trong 72 giờ. Trường hợp không có sẽ được cán bộ y tế thực hiện test nhanh ngay tại chốt kiểm dịch với giá 30.000 đồng/người/mẫu gộp.
Riêng trường hợp đến, về từ vùng xanh, không có dịch thì chỉ cần khai báo y tế mà không cần phải xét nghiệm Covid-19.
Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: “Biện pháp này đã được Lạng Sơn thực hiện hiệu quả trong 2 năm nay. Nhờ đó, Lạng Sơn vẫn bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, giữ vững vùng xanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn bảo đảm duy trì hoạt động của các cửa khẩu, giúp cả nước xuất khẩu, tiêu thụ nông sản”.
Tương tự, từ ngày 18/9 đến nay, cùng với việc quy trở lại cuộc sống bình thường mới, Bắc Ninh đã dỡ bỏ các chốt kiểm dịch Covid-19 tại TP Bắc Ninh và nhiều cửa ngõ vào tỉnh này.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: "Quyết định này dựa trên nỗ lực phòng, chống dịch bệnh hiệu quả trên địa bàn, đã được các đơn vị chức năng thảo luận kỹ.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là vừa chống dịch tốt, vừa bảo đảm phục hồi, phát triển kinh tế. Đối với người ngoài tỉnh, Bắc Ninh chấp nhận cả kết quả xét nghiệm test nhanh và Realtime-PCR".
Theo Báo Giao thông
Xem xét cấp mã ca bệnh cho 150.000 trường hợp F0 test nhanh dương tính tại TP HCM
Thông tin từ Bộ Y tế tối 27-9 cho biết đang xem xét đề nghị của TP HCM về việc cấp mã số cho 150.000 ca bệnh test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2 để các trường hợp này được quản lý bằng mã số quốc gia.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tính từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, TP HCM có 372.202 người dương tính với SARS-CoV-2 qua xét nghiệm RT-PCR, trong đó có 483 người nhập cảnh.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở TP HCM - Ảnh: Bộ Y tế
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, những người có kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp RT-PCR khẳng định mắc Covid-19 mới được cấp mã số quản lý quốc gia và công bố hàng ngày.
Trong đợt dịch thứ 4, từ ngày 20-8 đến nay, TP HCM ghi nhận khoảng 150.000 trường hợp có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Số người này được phường, xã, Trạm Y tế lưu động... quản lý và được phát túi thuốc điều trị tại nhà.
Để có cơ sở chính thức báo cáo các trường hợp test nhanh dương tính với Covid-19, Sở Y tế TP HCM đề nghị Bộ Y tế xem xét và chấp thuận cho TP HCM công bố chính thức 150.000 ca test nhanh dương tính Covid-19 như là ca khẳng định. Đồng thời, cấp mã số cho tất cả ca bệnh test nhanh dương tính với Covid-19 tại TP HCM để được chính thức quản lý bằng mã số quốc gia.
Liên quan đến đề nghị này, một nguồn tin từ Bộ Y tế cho biết về cơ bản, việc xem xét sẽ theo hướng đồng ý với đề nghị của TP HCM. "Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục Y tế dự phòng là đầu mối, soạn thảo văn bản, lãnh đạo Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản trả lời chính thức về việc cho phép test nhanh dương tính coi như F0”- nguồn tin cho biết.
Như vậy, nếu Bộ Y tế đồng ý với đề nghị của TP HCM, địa phương này sẽ có hơn 522.000 người dương tính SARS-CoV-2 qua xét nghiệm RT-PCR và test nhanh.
Thống kê đến nay cho thấy TP HCM là địa phương có số mắc Covid-19 bằng 1/2 tổng số ca ghi nhận cả nước, cùng đó, số tử vong chiếm khoảng 80% tổng số tử vong do Covid-19 cả nước. Những ngày qua, số ca mắc mới và tử vong ở TP HCM đã giảm mạnh so với thời gian trước đó.
Bộ Y tế cho biết đang có phương án điều chuyển nhân lực điều trị tại TP HCM và giảm dần lực lượng hỗ trợ vì số bệnh nhân Covid-19 nhập viện và số ca bệnh nặng đã giảm trong thời gian gần đây.
(Theo Người lao động)
Chuyên gia: Đông Nam Á phải đặc biệt thận trọng khi mở cửa
Dịch COVID-19 tái bùng phát mạnh ở Đông Nam Á từ mùa hè này, chủ yếu vì biến thể Delta. Số ca nhiễm tăng cao liên tục trong tháng 7 và lên đến đỉnh điểm ở nhiều nước vào tháng 8.
Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 8, nhiều nước Đông Nam Á đưa vào thực hiện nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong nỗ lực kiểm soát làn sóng dịch. Chẳng hạn như Malaysia, Indonesia giãn cách toàn quốc, Thái Lan thì giãn cách ở các khu vực nguy cơ cao. Hàng triệu người được lệnh ở nhà, không tụ tập, di chuyển nội địa bị cấm, trường học đóng cửa, giao thông công cộng ngưng hoạt động… Các biện pháp này giúp số ca nhiễm mỗi ngày ở khu vực giảm dần nhưng hiện vẫn ở mức cao. Theo số liệu từ ĐH John Hopskin (Mỹ), thời điểm này mỗi ngày Philippines vẫn ghi nhận mức 20.000 ca nhiễm; Thái Lan, Malaysia khoảng 15.000 ca/ngày; Indonesia thì giảm nhiều hơn với mức hiện tại khoảng vài ngàn ca/ngày.
Theo CNN, các nước Đông Nam Á đang chịu áp lực rất lớn phải mở cửa khi sinh kế, kinh tế và cả sự kiên nhẫn của người dân đã suy kiệt qua gần hai năm đại dịch. “Hàng triệu người đang phải chật vật cho nhu cầu thiết yếu mỗi ngày. Một lượng lớn người dân châu Á sống bữa nay lo bữa mai và họ bị ảnh hưởng nặng vì sự suy thoái kinh tế này” - theo chuyên gia Abhishek Rimal, điều phối viên y tế khẩn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Thêm nữa, vì đại dịch kéo dài, các địa phương hết siết chặt lại nới lỏng rồi lại tái siết chặt, không chỉ đói mà rất nhiều người còn đang phải chịu đựng các sang chấn tinh thần vì giãn cách kéo dài. Có thể nói, các chính phủ đang chịu áp lực rất lớn phải mở cửa.
Đây là “tình thế tiến thoái lưỡng nan nghiêm trọng” mà các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo các nước phải đối mặt, theo chuyên gia Rimal. Có thể hình dung thế lưỡng nan này như sau: “Chúng tôi biết vaccine là giải pháp chính nhưng chúng tôi không được tiếp cận với vaccine, trong khi chúng tôi chứng kiến người dân đang phải vật lộn và đối mặt với thực tế mất việc làm”.
Phải đặc biệt thận trọng
Chuyên gia Rimal đề cập đến “giải pháp chính” là vaccine. Đây cũng là lo ngại chung của giới chuyên gia, theo CNN. Diễn biến mở cửa của một số nước Đông Nam Á hiện tại có vẻ giống cách tiếp cận “sống chung với COVID-19” của các nước phương Tây như Anh và một số địa phương ở Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nhiều nước Đông Nam Á - như ở Philippines, Indonesia, Thái Lan - sẽ khiến việc mở cửa trở lại ở khu vực này chịu nhiều rủi ro hơn ở phương Tây.
Nhiều nước phương Tây đã tiêm vaccine cho phần lớn dân số, như Anh tiêm cho 65% dân, Canada tiêm cho gần 70% dân. Sau thời gian mở cửa, cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta, một số nước phương Tây bắt đầu tăng lại số ca nhiễm. Song một thực tế là nhờ tỉ lệ tiêm chủng cao mà số người nhập viện và tử vong thấp đi rất nhiều.
Đối với Đông Nam Á, tỉ lệ tiêm chủng ở nhiều nơi lại thấp đáng lo. Tỉ lệ tiêm hai mũi ở Indonesia là 16% dân số, ở Thái Lan khoảng 20%. Trong khi theo tính toán của các chuyên gia, với sự có mặt của biến thể Delta thì các nước phải có tỉ lệ tiêm chủng tối thiểu không hẳn 70% như cách tính trước mà phải lên khoảng 90% mới có được miễn dịch cộng đồng.
Nhiều chuyên gia cũng hiểu rằng phần đông người dân và cả lãnh đạo khu vực có thể không có nhiều lựa chọn. Nhiều nước chậm trễ trong việc đặt hàng vaccine, do đó đã không có được tâm thế chuẩn bị tốt khi làn sóng dịch ùa tới. Một số nước thu nhập trung bình - như Thái Lan hay Malaysia - lại không đủ điều kiện để được hưởng sự hỗ trợ từ sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX. Với đà tiếp cận vaccine thế này thì khả năng lớn nhiều nước Đông Nam Á sẽ phải vài tháng nữa mới phủ sóng tiêm chủng đủ rộng.
Dù hiểu nội tình, chuyên gia cấp cao về sức khỏe toàn cầu Yanzhong Huang thuộc tổ chức Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) lo rằng nếu các nước mở cửa trở lại khi chưa đến một nửa dân số được tiêm vaccine thì có thể sẽ lại có một đợt nhiễm gây quá tải hệ thống y tế, thậm chí buộc chính quyền phải tái áp đặt giãn cách.
Giải pháp cho tình hình này, theo chuyên gia Rimal, nếu các nước quyết định mở cửa lại trong bối cảnh các điều kiện chưa thực sự được đảm bảo thì bắt buộc phải thực hiện cho được điều này: Củng cố tất cả khía cạnh khác trong ứng phó với đại dịch, như các biện pháp y tế công cộng, xét nghiệm và truy vết tiếp xúc. Theo ông Rimal, nếu không làm vậy thì “chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến một đợt tăng ca nhiễm trong vài ngày hay vài tuần sau đó”.
Những điều chuyên gia Rimal cảnh báo cũng tương tự khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc tái mở cửa, chẳng hạn chỉ mở cửa khi đã kiểm soát được đà lây; hệ thống y tế đủ năng lực phát hiện, xét nghiệm, cách ly và điều trị các ca nhiễm - những điều nhiều nước Đông Nam Á vẫn chưa đáp ứng được.
(Theo Dân Việt)
Diễn biến mới bất ngờ vụ người đàn ông xưng "Ban chỉ đạo quận 7" la lối ở siêu thị
Ngày 28/9, VKSND quận 7 (TP HCM) đã phê chuẩn lệnh khởi tố bị can với Hồ Hữu Nhân (41 tuổi, ngụ Tiền Giang) về tội "Chống người thi hành công vụ".
Liên quan đến vụ án này, Công an quận 7 có quyết định thay đổi tội danh đối với người đàn ông tự xưng "Ban chỉ đạo quận 7" từ tội "Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác" sang tội "Chống người thi hành công vụ".
Camera an ninh ghi cảnh ông Hồ Hữu Nhân xưng 'Ban chỉ đạo chống dịch' đang la lối ở siêu thị
Trước đó, tối 29/8, trên mạng xã hội lan truyền clip với nội dung về một người đàn ông tự xưng là "Ban chỉ đạo quận 7" liên tục có hành vi quát mắng, to tiếng với nhân viên bảo vệ an ninh của siêu thị Aeon Citimart Garden Plaza trên đường Tôn Dật Tiên (quận 7, TPHCM).
Trong clip, người đàn ông liên tục quát: "Ông ở đâu, tôi cho công an xuống gặp ông đó". An ninh bảo vệ siêu thị đáp lại, mình chính là người quản lý ở đây, có gì từ từ nói, không được lớn tiếng với nhau như vậy.
Người đàn ông này rút thẻ xưng "Tui là ban chỉ đạo quận 7..." rồi lớn tiếng gây chuyện. Khi bảo vệ giải thích và yêu cầu người này ra ngoài, người đàn ông tiếp tục quát tháo rồi đưa ra chiếc thẻ, la lớn: "Tui là ban chỉ đạo. Giỡn mặt với tui hả. Tui cho công an xuống...". Sau đó, người này liên tục có những hành động xông vào trong siêu thị và chỉ tay quát mắng nhân viên bảo vệ.
Khi bảo vệ siêu thị nói với người đàn ông cứ mời công an xuống và yêu cầu người này ra ngoài, người đàn ông tiếp tục thách thức: "Tui vào đây thằng nào làm gì tui", rồi yêu cầu nhân viên gọi quản lý xuống.
Người này còn tháo bỏ khẩu trang, chỉ tay vào mặt bảo vệ siêu thị, nói: "Tui nói anh nghe, tui là Ban chỉ đạo quận 7. Tui là địa phương ở đây. Tui quản lý địa bàn này. Ông biết tui không. Ông chụp hình tui vô".
(Theo Gia Đình & Xã Hội)
Người có "Thẻ xanh Covid-19" khi đến Bà Rịa- Vũng Tàu cần làm gì?
Sở Y tế tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vừa có văn bản hướng dẫn áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến và về từ khu vực có dịch Covid-19, trong đó có hướng dẫn cụ thể cho những người có "thẻ xanh Covid" khi vào địa bàn.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế, những người đến, về từ các khu vực có dịch Covid-19, được cập nhật thường xuyên trên website của Bộ Y tế hiện không thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ sẽ không phải cách ly tập trung.
Tuy nhiên, đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về và xét nghiệm RT-PCR vào ngày đầu và ngày thứ 7. Đối với người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc-xin sẽ thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 14 ngày kể từ ngày về, xét nghiệm RT-PCR vào ngày đầu, ngày thứ 7 và ngày thứ 14.
Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển áp dụng Chỉ thị 15 sau thời gian dài thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân đã rục rịch ra đường
Trường hợp từ các tỉnh, thành phố, địa bàn không có dịch đi qua khu vực có dịch nhưng không dừng, đỗ dọc đường thì không cần cách ly cũng như không cần xét nghiệm.
Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu không tiếp nhận những người về từ các tỉnh, thành phố, khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trừ những trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cấp cứu, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở vật liệu sản xuất. Những trường hợp đặc biệt được UBND tỉnh cho phép phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu như những người di chuyển từ nơi không áp dụng Chỉ thị 16.
Vẫn thực hiện cách ly tập trung đối với chuyên gia, thân nhân chuyên gia người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; chuyên gia, người lao động Việt Nam hồi hương. Trong đó, người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc khỏi bệnh sẽ cách ly tập trung trong 7 ngày; người chưa được tiêm hoặc chưa đủ liều tiêm sẽ cách ly tập trung 14 ngày. Trường hợp người đã tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh có đi kèm với trẻ em chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều sẽ thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, và cách ly tại nhà trong 7 ngày. Những trường hợp nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ trước khi xuất cảnh.
Với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa ra, vào khu vực có dịch không phải cách ly y tế khi thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
(Theo Người Lao Động)
Cục Hàng không “tuýt còi” các hãng bay mở bán vé nội địa
Cục Hàng không VN vừa có Văn bản 3706 về việc tiếp tục thực hiện việc hạn chế số lượng chuyến bay từ các tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam dừng việc mở bán trên các đường bay nội địa cho tới khi có thông báo mới.
Hiện Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có lĩnh vực vận tải hàng không.
Cho đến khi kế hoạch được Bộ GTVT ban hành, Cục Hàng không VN yêu cầu các hãng hàng không thực hiện nghiêm các nội dung tại Văn bản số 3706, đặc biệt là việc mở bán trên các đường bay nội địa.
Tại dự thảo kế hoạch tổ chức hoạt động vận tải hành khách, Bộ GTVT đã đưa ra 2 phương án khai thác trở lại các chuyến bay nội địa.
Cụ thể, phương án 1 sẽ được chia làm 4 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay. Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.
Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay). Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) được khai thác trở lại bình thường;
Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, 2 và 3: các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.
Phương án 2: giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch này) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay. Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021của hãng hàng không đó.
Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2) tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quátần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay). Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): được khai thác trở lại bình thường.
Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1 và 2, các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.
Trong quá trình thực hiện từng giai đoạn, căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có cảng hàng không sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không VN quyết định áp dụng thực hiện một trong các giai đoạn nêu trên.
(Theo Báo Giao Thông)
Sóc Trăng: Đề xuất khởi tố tài xế dương tính SARS-CoV-2 khai báo gian dối
Đêm 27/9, ông Nguyễn Văn Quận, Bí thư - Chủ tịch UBND TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Lãnh đạo TP Sóc Trăng đã xin ý kiến lãnh đạo tỉnh về việc sẽ xử lý hình sự tài xế M.V. (35 tuổi, ngụ phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) - lái xe đường dài, “luồng xanh” của nhà xe Phượng Hoàng, số 271 đường 9B, khu dân cư 5A, phường 4, TP Sóc Trăng)”.
Điểm tập kết hàng của nhà xe Phượng Hoàng đã bị phong tỏa.
Ông V. chuyên lái xe chở hàng hóa từ TP Sóc Trăng đi TP.HCM và ngược lại. Theo ông Quận, nhiều khả năng sẽ khởi tố tài xế V. nếu F0 này làm lây lan dịch bệnh. Còn chủ doanh nghiệp vận tải Phượng Hoàng cũng sẽ bị xử lý nghiêm vì vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
“Cơ sở vận tải hàng hóa này không đủ điều kiện hoạt động vì không có nơi cho tài xế ăn, ở riêng. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, không cho hoạt động hơn 1 tuần trước nhưng cơ sở vận tải này vi phạm”, ông Quận cho biết thêm.
Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế V. khai chỉ ăn, ngủ trên xe và tiếp xúc 1 người. Xét thấy tài xế này khai báo không trung thực, cơ quan chức năng trích xuất camera nhiều nơi, phát hiện V. đi sửa xe, đổ xăng và ăn uống cùng gia đình chủ cơ sở vận tải trong khu 5A.
“Tài xế M.V. từ TP.HCM về Sóc Trăng trong thời gian ngắn nhưng lịch trình di chuyển phức tạp nên có đến 15 F1 và 46 F2. Tài xế là phải ăn, ngủ riêng nhưng anh này đã ăn uống chung với gia đình chủ cơ sở vận tải. Sau khi xử phạt hành chính với mức cao nhất, nếu dịch bệnh lây lan sẽ xử lý hình sự tài xế và chủ cơ sở vận tải”, ông Quận khẳng định.
Theo hồ sơ, sáng 25/9, tài xế V. điều khiển xe từ TP Sóc Trăng đến xã Viên An, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) chở lúa đến tỉnh Long An. Sau đó ông V. chạy thẳng lên TP.HCM nhận hàng, đến khoảng 22 giờ cùng ngày xuất phát từ TP.HCM về Sóc Trăng.
Khoảng 3h ngày 26/9 xe có dừng lại dọc đường để nghỉ ngơi, khoảng 7h30 sáng ông về đến điểm tập kết hàng của xe Phượng Hoàng. Tại đây tài xế có ăn sáng cùng với chủ cơ sở, xong vào trong xe nghỉ ngơi, đi dổ xăng…
Đến khoảng 14h, lái xe M.V. mượn xe chủ cơ sở đến Trung tâm An dưỡng Hoàng Tuấn, phường 10, TP Sóc Trăng để làm test nhanh cho kết quả dương (2 lần). Đến khoảng 18h30 phút cùng ngày, tài xế M.V. có kết quả xét nghiệm PCR khẳng dịnh dương tính với SARS-CoV-2.
Theo thông báo của Sở Y tế Sóc Trăng, ngày 27/9, Sóc Trăng phát hiện 58 F0, trong đó 21 trường hợp là F1, 36 trường hợp trở về từ vùng dịch, tất cả đã được quản lý trước đó và 1 trường hợp là lái xe “luồng xanh” phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế. Tính từ ngày 27/4 đến nay, tỉnh Sóc Trăng ghi nhận 1.176 F0, trong đó có 782 người xuất viện.