Dưới cái nắng lên tới 38-40oC nhưng bố con anh Nguyễn Hùng (quê ở Bắc Giang) vẫn lẩy bẩy địu nhau lang thang khắp phố Nguyễn Sơn (Long Biên- Hà Nội) để nhặt rác mưu sinh.
Anh ấy khổ lắm - đó là câu cửa miệng của bà con khu phố này mỗi khi nói về người đàn ông đi mua đồng nát. Chẳng ai bảo ai, nhưng nhiều bà, nhiều chị luôn để dành chai lọ, hộp, bìa, giấy vụn… các loại đồ đồng nát để bán hoặc cho cha con anh Hùng.
Nói về bệnh của mình anh Hùng cho biết, từ bé anh bị một cơn sốt nặng, bố mẹ đưa được đến bệnh viện thì đã biến chứng, mạng sống thì cứu được, nhưng di chứng để lại là toàn thân luôn run rẩy, nói không lưu loát, không thể làm được những việc nặng. “Sau khi lập gia đình, chúng tôi sinh được cậu con trai tên là Nguyễn Tiến Sĩ, nay đã 6 tuổi và bé Mơ giờ đã 2 tuổi. Do hoàn cảnh đói nghèo, không chịu được cảnh cơ cực nên một lần hai vợ chồng cãi nhau, vợ tôi đã bỏ đi, để lại hai đứa con nhỏ. Bé thứ hai vừa còi cọc, vừa thiếu sữa mẹ nên ốm đau triền miên”, anh Hùng tâm sự.
Từ ngày vợ bỏ đi, hàng ngày anh Hùng đi nhặt rác từ 4 giờ chiều đến tối mịt mới về. Anh thường địu đứa nhỏ đi cùng để tiện cho việc chăm sóc. Còn đứa lớn đành để ở nhà, tự ăn, tự chơi một mình.
Bố tật nguyền nuôi hai con vì vợ bỏ
Một ngày đi nhặt rác của anh Hùng được từ 50.000 – 100.000 đồng, chỉ đủ chi tiêu tằn tiện cho ba cha con, trước anh Hùng thuê ở chung với mấy người, nhưng con bé đêm hay quấy nên phải thuê riêng, mỗi tháng hết 800 ngàn tiền phòng trọ.
Thấy cảnh bố con anh Hùng lẩy bẩy địu nhau đi nhặt rác, mấy người đầu phố khuyên anh nên cho con bé làm con nuôi. Nhưng anh Hùng không đồng ý. Anh nói, nếu có ý đó thì đã cho từ khi con mới đẻ, anh không phải loại người đưa trẻ con ra để kiếm tiền, nếu không đã không làm nghề nhặt rác.
Vẫn mong vợ trở về
Hai bố con anh Hùng địu nhau đi nhặt rác. Ảnh: TG
Chị Năm Canh (ở phố Nguyễn Sơn) cho biết, những hôm trời nóng tới 39 – 40oC, người ngồi trong nhà mà còn mồ hôi nhễ nhại, khó chịu, thế mà con bé như cái dải khoai vắt trên lưng bố, dãi nắng ngoài đường thu mua đồng nát, phế liệu… khiến bà con, cô bác ai nhìn cũng xót xa. Nhớ lại dịp Tết vừa qua, nhà ai cũng quây quần trong mâm cơm sum họp hoặc đi chơi, về quê… nhưng cha con anh Hùng lại tranh thủ địu nhau đi nhặt rác. “Tôi thấy không cầm lòng được, chợt nhớ ở nhà còn hộp sữa nên mang ra cho con bé”, chị Canh nói. Cũng như chị Năm Canh, nhiều người ở khu phố thỉnh thoảng có cái bánh, hộp sữa hay vỏ chai nước, hộp giấy… cũng để dành cho “cha con nhà đồng nát”.
Chúng tôi hỏi anh Hùng bao giờ cho con đi học? Anh cúi mặt nói, chắc vài năm nữa... Hỏi thêm anh định cho con học ở đâu thì anh buồn so, nói chưa biết, vì anh không có hộ khẩu Hà Nội. Hè này bé lớn tới tuổi đi học, nếu không xin được thì phải gửi con về nhà ngoại ở Cầu Giẽ (Phú Xuyên, Hà Nội) để con được đi học. Nhưng như thế thì bố con lại phải xa nhau.
Nhìn con bé vắt vẻo trên lưng bố, ai cũng bảo không thể để bé lang thang dãi nắng theo bố thế này mãi được. Nhưng trường hợp anh Hùng chắc phải tìm được trường miễn học phí, vậy trường nào mới chấp nhận cho bé vào học? Rồi các phụ huynh khác liệu có chấp nhận cho bé đi học cùng con họ hay không…? Giải pháp gửi bé vào chùa cũng được anh Hùng đặt ra, nhưng chùa nào cũng chỉ nhận nuôi trẻ mồ côi thôi. Nhưng rồi may mắn đến với bố con anh Hùng khi được cô giáo Thanh Hoa (Trường mẫu giáo Chích Bông, Ngọc Thụy, Long Biên) xin được cho bé Mơ vào Trường Chích Bông học miễn phí.
Anh Hùng phấn khởi cho biết, hôm trước có người hảo tâm giấu tên cho anh cả một thùng sữa, một thùng mì và cả một chú gấu Teddy. Món quà đã làm bé Mơ thích lắm, không rời tay cả khi đi ngủ.
Anh Hùng cũng tâm sự, những người hảo tâm muốn giúp bố con anh thì hãy dành giấy báo, ve chai hoặc gom quần áo cũ, đồ ăn mang đến chứ đừng quyên góp tiền bởi có tiền sẽ dẫn đến sự thay đổi quá lớn trong cuộc sống. “Tôi muốn được lao động như một người bình thường, cứ để tôi làm nghĩa vụ của người bố, kiếm tiền bằng việc làm chân chính nuôi con mình”, anh Hùng nói.
Khi được hỏi về mong ước của mình, anh Hùng cho biết, mong hai con được đi học như những đứa trẻ khác để tương lai của chúng sáng hơn mình.
Nhưng rồi người đàn ông tật nguyền lại cúi xuống lau vội dòng trong nước mắt tiếp lời - mong bây giờ vợ trở về. Bởi, thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, hai đứa trẻ thiệt thòi nhiều thứ và chúng cũng rất nhớ mẹ.