Cho rằng hút thuốc lào không độc bằng thuốc lá, vì đã qua bộ lọc nước từ ống điếu nên nam thanh niên quê Thanh Hóa đã bỏ thuốc lá, chuyển sang hút thuốc lào.
Hiện nay không ít những quan niệm sai lầm về vấn đề sử dụng cũng như hiểu về những tác hại của việc hút thuốc đối với cơ thể con người. Điển hình như việc, có không ít người hiểu sai vấn đề khi cho rằng, chỉ hút thuốc lá mới độc hại còn thuốc lào thì không.
Lý do được đưa ra là vì, thuốc lào khi hút đã được xử lý qua một bộ lọc nước, nên những chất độc không còn nữa. Vì thuốc lào không độc hại nên mới không có những cảnh báo như thuốc lá và giá cũng rẻ hơn nhiều so với thuốc lá….
Thực chất, những suy nghĩ trên của những người hút thuốc lào không phải là không có cơ sở, bởi đặc điểm sử dụng khi hút thuốc lào hoàn toàn khác so với hút thuốc lá. Hơn nữa giá thành cũng như quy trình sản xuất, đóng gói thuốc lào cũng không phức tạp như thuốc lá.
Tuy nhiên, việc hiểu về tác hại của thuốc lào như suy nghĩ trên là hoàn toàn sai lầm, bởi không ít người hút thuốc lào đã phải chịu cái kết “đắng lòng”. Ví dụ như trường hợp của một nữ bệnh nhân (ở Vĩnh Bảo – Hải Phòng) qua lời kể của bác sĩ BS CKII Tạ Chi Phương (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) khi phát hiện và phẫu thuật phổi đã đen như bồ hóng gác bếp. Nguyên nhân là có thâm niên hút thuốc lào gần 20 năm.
Hút thuốc lào độc hại không kém gì thuốc lá.
Hay như trường hợp bệnh nhân Bàn Sinh T. (29 tuổi, Thanh Hóa) đang điều trị tại Bệnh viện K Trung ương (Cơ sở 2 – Tam Hiệp – Thanh Trì – Hà Nội) vì mắc ung thư vòm giai đoạn cuối. Theo lời kể của T., do gia đình khó khăn học hết cấp 2, T. phải nghỉ học để đi làm thuê phụ giúp bố mẹ.
“Hồi đó khoảng năm 2004, tôi đi phụ hồ ở quê và đã biết hút thuốc lá. Nhưng đi làm, các bác hút thuốc lào và bảo hút đỡ độc hơn cũng như là sẽ tiết kiệm hơn. Từ đó, tôi chuyển sang hút thuốc lào, tính đến khi phát hiện ra bệnh và đi điều trị (năm 2005) tôi hút hơn 10 năm, có người hút lâu hơn tôi nhiều mà chẳng thấy họ bị sao”, anh T. kể lại.
Được biết, hiện căn bệnh ung thư vòm của anh T. đã ở giai đoạn muộn, chỉ có thể điều trị bằng hóa chất, chăm sóc giảm nhẹ, còn việc chữa khỏi hoàn toàn là điều dường như không thể. Các bác sĩ cũng cho biết, nguyên nhân là do anh T. phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
BSCKII Tạ Chi Phương (BV Ung bướu Hưng Việt) cho biết, về bản chất thuốc lá và thuốc lào đều độc hại như nhau, trong khói thuốc có 400 loại chất trong đó có 200 chất có khả năng gây độc. Kể cả người hít phải khói thuốc lào cũng độc hại không khác gì khói thuốc lá.
“Bởi vậy, việc suy nghĩ bỏ thuốc lá để hút thuốc lào cho đỡ độc là hoàn toàn sai lầm. Cách tốt nhất là nên tử bỏ cả thuốc lá và thuốc lào càng sớm càng tốt”, BS Phương cho biết.
Được biết, trong thời gian qua, nhân ngày Thế giới không khói thuốc (31/5), ngành Y tế Việt Nam phối hợp với các bộ ngành trung ương và địa phương tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm tuyên truyền người dân hiểu và từ bỏ thuốc lá vì những tác hại mà nó gây nên. Những hạt động này đã thu hút sự tham gia của nhiều cá nhân, tổ chức xã hội và cả những nghệ sĩ nổi tiếng.