Bộ trưởng Tiến lo ngại virus Zika đang ở sát Việt Nam

Ngày 02/02/2016 16:53 PM (GMT+7)

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại nhiều quốc gia ở châu Á đã xuất hiện bệnh do virus Zika, vì thế nếu không có biện pháp phòng tránh kịp thời, bệnh dễ xâm nhập vào trong nước.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh mùa Đông Xuân, đặc biệt là bệnh do virus Zika gây nên, chiều 2/2 Bộ Y tế đã tiến hành họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch, cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì.

Tại cuộc họp Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện nay do những diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết điển hình như đợt rét lịch sử vừa qua khiến tình hình dịch bệnh có những diễn biến khó lường.

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến bệnh do virus Zika đang khiến nhiều nước trên thế giới phải “đau đầu”. “Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 30 quốc gia ghi nhận có dịch do virus Zika gây nên, trong đó nhiều nhất là ở châu Mỹ Latinh, Hòa Kỳ và cả ở châu Âu.

Ngay cả châu Á một số quốc gia đã ghi nhận bệnh do virus Zika gây nên như ở Đài Loan có một người Thái Lan mắc bệnh hay ở Úc có 6 ca đã được ghi nhận. Như vậy, bệnh do virus Zika đang có xung quanh nước ta. Bởi vậy, công tác phòng chống dịch là rất quan trọng”.

Bộ trưởng Tiến lo ngại virus Zika đang ở sát Việt Nam - 1

Bệnh do virus Zika đang hoành hành ở Mỹ La tinh và lây lan sang châu Á.

Theo Bộ trường Tiến, việc phát hiện ra bệnh do virus Zika không phải dễ dàng vì gần 80% ca bệnh chưa có biểu hiện lâm sàng rõ ràng. Hơn nữa, nước ta lại là quốc gia lưu hành loại muỗi Aedes (muỗi gây bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết) nên khả năng khi dịch xâm nhập vào và bùng phát là rất cao.

Chính vì lý do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo cần đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch rộng rãi trong cộng đồng. Đó là khuyến cáo người dân không nên đi đến vùng và quốc gia có dịch, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh ở cửa khẩu và sân bay, đồng thời nhanh chóng khám, xét nghiệm và cách ly các trường hợp nghi ngờ.

Tại cộng đồng, cần khuyến cáo người dân đẩy mạnh việc diệt muỗi, loăng quăng bọ gậy ở khu dân cư bằng cách lật úp các dụng cụ chứa nước, tiêu diệt nguồn sinh sản muỗi…

“Chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi, vì sao mật độ muỗi năm nay vẫn như mọi năm, nhưng việc gây bệnh lại gia tăng như vậy. Ví dụ như ở Khánh Hòa, đáng ra thời tiết lạnh thì bệnh sốt xuất huyết phải giảm, nhưng số ca lại vẫn tăng.

Qua đó, tôi yêu cầu Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Hồ Chí Minh, Viện Sốt rét Ký sinh trùng Trung ương cần phải làm xét nghiệm lại các tuýp xem có gì thay đổi hay không, đặc biệt là có sự biến đổi gen hay không. Để từ đó chúng ta đưa ra biện pháp phòng bệnh hoặc thay đổi hóa chất cho phù hợp”, Bộ trường Tiến nói.

Cũng liên quan đến vấn phòng bệnh mùa Đông Xuân, Bộ trưởng Tiến cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc và đề nghị các đơn vị liên quan tuyên truyền sâu rộng đến người dân các biện pháp phòng bệnh đặc biệt là bệnh: Cúm A (H1N1), các loại cúm gia cầm và bệnh liên cầu lợn.

Để chủ động phòng chống bệnh do virus Zika xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

- Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus ZIKA chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ chứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự