Trong năm 2020, Việt Nam đã ghi nhận ca mắc virus Zika đầu tiên ở Đà Nẵng. Virus Zika được xác định có thể gây dị tật đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh. Bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết.
Ngày 25/5, Bộ Y tế đã thông tin về ca mắc virus Zika đầu tiên trong năm 2020. Đây là trường hợp bệnh nhân 25 tuổi, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Bộ Y tế đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường phòng chống dịch bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết.
Virus Zika được xác định gây dị tật đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh. Bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết. Kể từ ca bệnh do virus Zika đầu tiên vào tháng 3/2016 tại Khánh Hòa, đến nay cả nước đã ghi nhận 265 trường hợp mắc. Số mắc tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Vậy virus Zika là gì và nguy hiểm như thế nào?
Virus Zika là gì và xảy ra ở đâu?
Virus Zika lần đầu tiên được xác định ở Uganda vào năm 1947 ở khỉ Rhesus trong bệnh sốt vàng da sylvatic. Bệnh Zika xuất hiện ở người năm 1952 tại Uganda và Tanzania.
Virus Zika xảy ra ở vùng nhiệt đới nơi có các quần thể muỗi lớn, được biết lưu hành ở châu Phi, châu Mỹ, Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Virus Zika được phát hiện vào năm 1947, nhưng trong nhiều năm chỉ có một số trường hợp rải rác được phát hiện ở châu Phi và Nam Á. Năm 2007, dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận đầu tiên ở Thái Bình Dương. Kể từ năm 2013, các ca bệnh và bùng phát dịch của căn bệnh này được báo cáo từ Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Phi. Do môi trường nơi muỗi có thể sống và sinh sôi ngày càng mở rộng, do tác động của đô thị hóa và toàn cầu hóa, những vụ dịch bệnh lớn do virus Zika ở đô thị có khả năng xảy ra trên toàn cầu.
Virus Zika lây sang người như thế nào?
Người bị muỗi Aedes nhiễm bệnh đốt có thể nhiễm virus Zika – đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, bệnh chikungunya và bệnh sốt vàng.
Có 2 loại muỗi Aedes có khả năng truyền virus Zika. Trong hầu hết các trường hợp, Zika lây lan qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Muỗi vằn Aedes không sống được ở nhiệt độ khí hậu lạnh hơn. Muỗi Aedes albopictus cũng có thể truyền virus. Muỗi này có thể ngủ đông và tồn tại ở các vùng có nhiệt độ mát hơn.
Muỗi Aedes có khả năng bay yếu; nó không thể bay quá 400 mét. Nhưng nó có thể vô tình được vận chuyển bởi con người từ nơi này đến nơi khác (ví dụ ở phía sau xe, cây cối). Nếu nó có thể tồn tại trong môi trường nhiệt độ của điểm đến, về mặt lý thuyết nó có thể tự sinh sản và truyền virus Zika tới các khu vực mới.
Những triệu chứng của bệnh virus Zika là gì?
Virus Zika thường gây bệnh nhẹ; với các triệu chứng xuất hiện một vài ngày sau khi người đó bị đốt bởi muỗi nhiễm bệnh. Hầu hết những người bị bệnh virus Zika sẽ bị sốt nhẹ và phát ban. Những người khác cũng có thể viêm kết mạc, đau cơ và khớp và cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng thường hết trong khoảng từ 2 đến 7 ngày.
Những biến chứng tiềm ẩn của virus Zika có thể là gì?
Bởi vì từ trước năm 2007 không có một vụ dịch virus Zika lớn nào được ghi nhận, hiểu biết về các biến chứng của bệnh này là rất hạn chế.
Trong thời gian dịch Zika đầu tiên diễn ra tại Polynesia thuộc Pháp vào năm 2013-2014, trùng với khoảng thời gian xảy ra dịch sốt xuất huyết, cơ quan y tế quốc gia báo cáo về sự gia tăng bất thường đối với hội chứng Guillain-Barré. Các điều tra hồi cứu về sự ảnh hưởng này đang được tiến hành, bao gồm vai trò tiềm năng của virus Zika và các yếu tố khác. Một quan sát tương tự đối cũng cho thấy đối với sự gia tăng của hội chứng Guillain-Barré trong vụ dịch virus Zika đầu tiên ở Brazil vào năm 2015.
Virus Zika có liên quan tới việc gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Trong năm 2015, cơ quan y tế địa phương ở Brazil cũng quan sát thấy có sự gia tăng trẻ sơ sinh với dị tật đầu nhỏ cùng thời điểm bùng phát dịch virus Zika. Cơ quan Y tế và các cơ quan khác đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa tật đầu nhỏ và virus Zika, bên cạnh những nguyên nhân có thể khác. Tuy nhiên cần có thêm các điều tra và nghiên cứu để có thể hiểu rõ hơn bất cứ mối liên quan có thể nào.
Hội chứng Guillain-Barré là một tình trạng mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thần kinh. Nó có thể do việc nhiễm một số loại virus và có thể ảnh hưởng đến người ở mọi lứa tuổi. Chính xác những gì gây nên hội chứng chưa được biết. Các triệu chứng chính bao gồm yếu cơ và cảm giác kiến bò (tê và ngứa) ở tay và chân. Các biến chứng nặng có thể xảy ra nếu các cơ hô hấp bị ảnh hưởng, cần phải nhập viện. Hầu hết các trường hợp bị ảnh hưởng bởi hội chứng Guillain-Barré sẽ phục hồi, mặc dù một số người có thể tiếp tục trải qua các ảnh hưởng như suy yếu.
Phụ nữ mang thai có nên lo lắng về Zika?
Cơ quan y tế hiện đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa virus Zika ở phụ nữ mang thai và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh của họ. Cho đến khi chúng ta có thể hiểu rõ hơn về mối liên quan này, những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần hết sức lưu ý bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt.
Nếu bạn đang mang thai và nghi ngờ bạn có thể có bệnh virus Zika, hỏi ý kiến bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ trong quá trình mang thai của bạn.
Dị tật đầu nhỏ là gì?
Dị tật đầu nhỏ là một tình trạng hiếm gặp khi một trẻ sơ sinh có đầu nhỏ bất thường. Điều này là do sự phát triển não không bình thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ sơ sinh và trẻ em bị tật đầu nhỏ thường gặp phải những khó khăn với sự phát triển não bộ khi chúng lớn lên.
Tật đầu nhỏ có thể do ảnh hưởng của một loạt các yếu tố môi trường và di truyền như hội chứng Downs; sử dụng hay tiếp xúc với ma túy, rượu hoặc các chất độc khác trong tử cung; và nhiễm rubella trong khi mang thai.
Điều trị bệnh do virus Zika
Bệnh do vi rút Zika thường nhẹ và không cần thuốc đặc biệt điều trị. Người bệnh cần nghỉ ngơi, uống đủ nước, và điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt bằng các thuốc thông dụng. Khi triệu chứng nặng hơn, cần tới các cơ sở Y tế để chăm sóc điều trị. Hiện tại chưa có vắc xin phòng bệnh.
Phòng bệnh virus Zika thế nào?
Phòng và kiểm soát dịch bệnh phụ thuộc vào việc giảm số lượng muỗi thông qua giảm nguồn (loại bỏ hoặc thay đổi điểm sinh sản) và giảm sự tiếp xúc giữa muỗi và người. Các hoạt động có thể thực hiện bằng sử dụng thuốc chống côn trùng, mặc quần áo (tốt nhất là sáng màu) che các phần của cơ thể càng nhiều càng tốt. Sử dụng các biện pháp vật lý như đóng cửa sổ, ngủ màn chống muỗi… bằng các hoạt động làm sạch các vật dụng chứa nước như xô, chậu, lốp xe, bình hoa… do đó các điểm muỗi sinh sản có thể bị loại bỏ.
Cần giúp đỡ và chú ý tới những người không thể tự bảo vệ bản thân như trẻ nhỏ, trẻ ốm và người già.
Trong các vụ dịch, chính quyền có thể đưa ra lời khuyên sử dụng thuốc trừ sâu để phòng chống dịch. Thuốc trừ sâu được khuyến cáo sử dụng khung đánh giá thuốc trừ sâu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để giết bọ gậy đối với những vật dụng chứa một lượng nước tương đối lớn.
Những du khách cần thực hiện những biện pháp dự phòng như ở trên để đảm bảo bản thân không bị muỗi đốt.