VN có ca đầu trong năm mắc virus Zika có thể gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

Ngày 26/05/2020 00:08 AM (GMT+7)

Ca mắc virus Zika đầu tiên trong năm 2020 được ghi nhận ở Đà Nẵng, ngay sau đó Bộ Y tế đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố chủ động phòng bệnh.

Bộ Y tế vừa phát đi thông báo cho biết, Việt Nam ghi nhận ca mắc virus Zika đầu tiên trong năm 2020. Đây là trường hợp bệnh nhân 25 tuổi, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Ngay sau khi phát hiện ca bệnh, Bộ Y tế đã gửi công văn tới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường phòng chống dịch bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết.

Virus Zika được xác định có thể gây dị tật đầu nhỏ cho trẻ sơ sinh. Bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết hiện vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố phía Nam trong các năm gần đây. Được biết, trường hợp đầu tiên ghi nhận mắc virus này là từ hồi tháng 3/2016 tại Khánh Hòa.

Virus Zika lây truyền qua các con đường như: muỗi aedes (là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, chúng phân bố trên toàn quốc), qua đường máu, truyền từ mẹ sang con, qua đường tình dục. Thời gian ủ bệnh của virus Zika từ 3 đến 12 ngày.

VN có ca đầu trong năm mắc virus Zika có thể gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh - 1

Virus Zika có thể gây dị tật đầu nhỏ ở thai nhi và trẻ sơ sinh.

Hiện nay, ngành y tế tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động phòng ngừa đối với virus Zika bằng cách mặc áo dài tay, bôi kem xua muỗi, tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy…

Với phụ nữ có dự định mang thai, hay đang có thai, khuyến cáo không nên tới vùng có dịch. Trong thời kỳ mang thai, nếu có triệu chứng mắc virus Zika (sốt, phát ban, đau khớp, đau cơ, đau mắt đỏ…), cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm.

Kể từ ca bệnh do virus Zika đầu tiên vào tháng 3/2016 tại Khánh Hòa, đến nay cả nước đã ghi nhận 265 trường hợp mắc. Số mắc tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Cũng theo số liệu từ Bộ Y tế cung cấp, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, 03 tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh.

Trong những tuần gần đây, số mắc có xu hướng gia tăng tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, hiện thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika phát triển mạnh. Để kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh/thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika, sốt xuất huyết.

Theo đó, các tỉnh/thành phố chủ động triển khai công tác truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trước mùa dịch với các hoạt động thiết thực nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Nhưng vẫn đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt loăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của virus Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.

Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Đảm bảo 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế. Xác định các điểm có nguy cơ sốt xuất huyết cao của địa phương và tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động đợt 1 theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn chuyên môn của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.

Nam thanh niên mắc virus Zika đầu tiên năm 2020 được hẹn tái khám nhưng không quay lại
Nam thanh niên 25 tuổi quê ở quận Liêu Chiểu, Đà Nẵng nhiễm virus Zika được điều trị ngoại trú, coi như là "ổ dịch" và tiến hành các biện pháp xử lý ổ...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe trẻ sơ sinh