BVĐK Đồ Sơn: Thai nhi tử vong do 'số đen', bác sỹ không có lỗi

Ngày 10/11/2014 17:24 PM (GMT+7)

Một ca đỡ đẻ bình thường nhưng Bệnh viện Đa khoa quận Đồ Sơn (Hải Phòng) đã "tận tình, khẩn trương, đúng quy trình và hết khả năng" khiến sản phụ phải cắt bỏ toàn bộ tử cung, thai nhi tử vong, sản phụ cũng suýt mất mạng nếu không được cấp cứu kịp thời ở bệnh viện tuyến trên.

Mặc dù Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã có báo cáo chỉ rõ những điểm sai về mặt chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa Đồ Sơn nhưng ban Giám đốc cũng như các y bác sỹ ở bệnh viện vẫn cố tình lấp liếm vụ việc.

"Nếu đến trạm xá con em đã không chết oan uổng"

Đó là câu nói đầy nước mắt của sản phụ Nguyễn Thị Chi, SN 1990, HKTT tại xóm 4, thôn Quần Mục, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. Hơn một tháng nay, chị Chi luôn bị dằn vặt về cái chết của đứa con chưa kịp chào đời. Chị nói trong đau đớn: "Lần trước em sinh ở trạm xá không sao. Lần này, do tiếc bảo hiểm y tế, em khám và sinh ở bệnh viện Đa khoa Đồ Sơn cho đảm bảo. Không ngờ con em lại chết chỉ vì sự non kém của y bác sỹ nơi đây". Sau khi cháu bé bị mất, gia đình giấu việc chị đã bị cắt tử cung và không thể sinh con được nữa.

BVĐK Đồ Sơn: Thai nhi tử vong do #039;số đen#039;, bác sỹ không có lỗi - 1

Sản phụ Nguyễn Thị Chi (bên phải): "Nếu đẻ ở trạm xá thì con em đã không chết".

Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Chi bắt đầu vào rạng sáng 31/8/2014, khi chị chuyển dạ sinh em bé tại bệnh viện Đa khoa Đồ Sơn. "Hôm đó sau khi khám cho em, bác sỹ không nói em khó đẻ. Em vỡ ối và có dấu hiệu chuyển dạ rất nhanh, khoảng 15 phút em thấy bác sỹ nói tử cung đã mở 8 phân rồi. Em còn hỏi chị Lương (nữ hộ sinh Ngô Thị Lương, bệnh viện Đa khoa Đồ Sơn - PV): "Em có sinh được ở đây không?".

Chị ấy nói với em: "Chị nghĩ em phải đẻ rơi ở đây chứ sao phải chuyển đi đâu?". Cứ sau một cơn rặn của em là chị ấy bảo người hỗ trợ chị ấy tiêm cho em một mũi. Đến lúc em mệt quá, không chịu nổi, họ định tiêm tiếp, em hỏi: "Các chị tiêm cái gì mà em không còn cơn rặn, bụng lại căng cứng lên như thế này?".

Em thấy chị Lương không lấy được con ra nên bảo: "Chị không lấy được em bé ra mà cảm thấy rạch nhỏ quá thì chị cứ rạch to ra, em chịu được. Sau đó, em còn nghe thấy tiếng chị ấy cắt. Họ tiêm cho em đến mũi thứ 6 thì em kêu: “Chị mà tiêm như thế này chắc em không chịu nổi nữa”. Thế là họ gọi xe cho em đi lên bệnh viện tuyến trên để cấp cứu".

Bà Thếu, mẹ chồng chị Chi cho biết: "Khi ngồi trên xe, con dâu tôi có cơn co và đau nhưng bác sỹ bảo con tôi cố nhịn lên bệnh viện Phụ sản rồi mới rặn(!). Trong khi đó, con tôi bị ra rất nhiều máu. Tôi yêu cầu họ nghe tim thai xem như thế nào. Họ nghe tim thai xong, tôi hỏi tình hình như thế nào thì họ im lặng. Tôi để ý, mặt họ tái đi. Khi đưa cháu vào đến bệnh viện, họ không nói gì, mặt tái nhợt ra, vội vã bỏ đi".

Đã gây chết người còn đòi được... "ghi nhận"

Ngày 10/9, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, bác sỹ Vũ Văn Chỉnh, quyền Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, đơn vị đã tiếp nhận cấp cứu trường hợp sản phụ Nguyễn Thị Chi cho biết: "Đêm 31/8, bác sỹ trực có gọi điện đến xin ý kiến tôi về trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị Chi và tôi có cho ý kiến. Sáng sớm hôm đó, đến cơ quan là tôi trực tiếp khám cho bệnh nhân ngay và chỉ đạo hướng điều trị để cho bệnh nhân hồi phục một cách nhanh nhất. Sau đó, tôi đã chỉ đạo bên phòng tổng hợp cho rút kinh nghiệm về chuyên môn ca này vì tôi biết chắc chắn sẽ có những rắc rối giữa tuyến trên và tuyến dưới. Sau đó chúng tôi vừa tóm tắt bệnh án, vừa kết luận của hội đồng chuyên môn và gửi báo cáo sang sở Y tế Hải Phòng.

Chúng tôi có kết luận mấy vấn đề về mặt chuyên môn: Thứ nhất, bệnh nhân vỡ tử cung trước khi vào bệnh viện. Một thai không đẻ được ở tuyến dưới, mà lên đây mất tim thai ngay, mẹ trong tình trạng có choáng nhẹ, mạch nhanh, vã mồ hôi nên các bác sỹ trực không dám đưa lên bàn khám nữa mà phải khám ngay tại cáng và đưa thẳng lên phòng đẻ để cấp cứu. Bác sỹ trực hôm đó đã khám ngay và phát hiện sản phụ bị vỡ tử cung, thai chết. Trong bản mô tả mổ, thai vào hết trong ổ bụng, nằm cùng nội tạng. Rất may cho sản phụ vì chúng tôi đã cấp cứu và xử lý kịp thời nên đã qua khỏi cơn nguy kịch, không ảnh hưởng tới tính mạng".

Về chuyên môn tuyến dưới, ông Chỉnh đưa ra ý kiến: "Những trường hợp như thế này là phải mời mổ tại chỗ. Tức là bác sỹ di chuyển chứ bệnh nhân không thể di chuyển. Về nguyên tắc, tất cả tuyến dưới đều phải báo cấp cứu 05. Cấp cứu 05 thông tin cho bệnh viện Phụ sản Hải Phòng là tốt nhất. Đây là quy định rồi.

Riêng bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, chúng tôi còn đưa ra một khả năng mở nữa, tức là nếu trong trường hợp khẩn cấp thì bệnh viện có thể gọi thẳng bệnh viện phụ sản, bệnh viện chúng tôi sẵn sàng điều xe và và điều người của bệnh viện xuống, không cần qua cấp cứu 05 nữa. Việc chuyển sản phụ như ở bệnh viện Đồ Sơn theo tôi là không nên bởi tử cung đã mở hết, đã cắt tầng sinh môn rồi mà không lọt được thì phải mời bác sỹ về mổ. Kể cả trường hợp rạch hay không rạch tầng sinh môn mà cổ tử cung mở hết, đầu thai nhi không lọt thì nên mổ tại chỗ bởi giai đoạn đó là tử cung co rất mạnh. Đây thuộc về vấn đề nhận định, tiên lượng kém.

Bệnh nhân có kể với tôi là tiêm 6 mũi thuốc gì đó nhưng tôi không bình luận về vấn đề tiêm thuốc bởi tôi chưa biết thuốc gì. Sản phụ có cơn co dữ dội, tiêm thuốc mà bụng cương cứng lại, không rặn được là bất thường. Đáng lẽ người ta tiêm một loại thuốc để nó mềm ra nhưng trong trường hợp này chỉ tiêm thuốc co thì tử cung mới cứng lại. Đây là loại thuốc rất nguy hiểm. Nhưng tôi không chắc là loại thuốc đó vì mình không chứng kiến".

Liên hệ làm việc với bệnh viện Đa khoa Đồ Sơn, ông Trần Văn Đàn, Giám đốc bệnh viện đưa cho chúng tôi văn bản báo cáo sở Y tế và biên bản cuộc họp rút kinh nghiệm của bệnh viện.

BVĐK Đồ Sơn: Thai nhi tử vong do #039;số đen#039;, bác sỹ không có lỗi - 2

Bác sỹ Trần Văn Đàn, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đồ Sơn: “Tuyến trên không nên đổ lỗi cho tuyến dưới”!

Trong đó, biên bản số 188/BB-BVĐS do ông Đàn làm chủ tọa nêu rõ: "Trong quá trình đón tiếp, theo dõi, xử lý cho bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa Đồ Sơn đã làm việc tận tình, khẩn trương, đúng quy trình và hết khả năng. Lẽ ra, việc này phải được ghi nhận (?!) ngược lại người nhà bệnh nhân đã có hành vi thiếu văn minh, tỏ thái độ không đúng, nói sai sự thật về bệnh viện... Trong quá trình cấp cứu, bệnh nhân, bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới phải phối hợp, tuyến trên không nên đổ lỗi cho tuyến dưới (!)". Khi chúng tôi yêu cầu một số thông tin của nữ hộ sinh Ngô Thị Lương thì ông Đàn có hẹn lại. Sau đó, PV liên lạc lại thì phía bệnh viện không hợp tác và thản nhiên rằng: Đăng tải gì cũng được!

Mua sự im lặng bằng 25 triệu đồng?

Anh Nguyễn Văn Trọng, chồng chị Chi cho biết: "Mới đây, bệnh viện Đa khoa Đồ Sơn có nhờ người thỏa thuận và mang 25 triệu đồng đến đưa cho vợ chồng em nói là tiền thuốc men và bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho Chi. Sau đó họ yêu cầu vợ chồng em ký vào một bản nói bệnh viện Đa khoa Đồ Sơn không có lỗi gì trong việc vợ em bị cắt tử cung và con em bị chết". Anh Phạm Văn Toàn, SN 1985, ở phường Bàng La, Đồ Sơn, Hải Phòng, người đưa vợ đẻ cùng hôm với chị Chi cho biết thêm: "Vợ tôi sinh xong thì nghe tin trước đây hai hôm cũng có trường hợp tử vong ở bệnh viện. Nhiều trẻ bị tử vong ở bệnh viện Đồ Sơn, nhưng mọi người quan niệm: Số đen phải chịu!".

Theo Đặng Tuyền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot