Đây không phải là những chiếc ống cống dùng trong thiết kế đường giao thông, mà chúng được sử dụng để phục vụ cho việc nuôi tôm ở Cà Mau.
Cà Mau là địa phương nuôi tôm thuộc vào hàng lớn nhất của cả nước. Đa số người nông dân khi nuôi tôm đều phải phụ thuộc rất nhiều vào nước thủy triều lên hoặc xuống.
Do đó mà các hộ dân đều sử dụng những công cụ, biện pháp đặc biệt để giúp lấy nước nuôi tôm mỗi khi triều lên, xả ra mỗi khi triều xuống. Từ đó giúp nâng cao năng suất tôm, bảo vệ tôm khỏe mạnh, không bị mắc bệnh.
Trước nhu cầu nuôi tôm an toàn và chất lượng của bà con nông dân, vợ chồng anh Nguyễn Văn Đạt và chị Nguyễn Thị Thúy ở ấp Biện Nhạn, xã Viễn An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã tìm ra phương pháp để đúc ra những chiếc cống xổ tôm đặc biệt, chuyên để phục vụ cho việc nuôi tôm.
Cách thức làm ra những chiếc cống xổ tôm
Theo như vợ chồng anh Đạt, chị Thúy cho biết: “Vật liệu để làm cống xổ tôm chủ yếu gồm cát, đá, xi măng, sắt, thép,... Ðể làm ra được chiếc cống hoàn thiện, chồng tôi đã chế tạo ra những chiếc khuôn bằng sắt, sau đó đan vỉ, ghép khuôn lại với nhau rồi mới đổ vách, đổ đáy, làm tay quay cống,...”.
Hầu hết các hộ dân nuôi tôm trong vùng ở Cà Mau đều sở hữu diện tích nuôi rất lớn. Vậy nên những chiếc cống xổ tôm thường phải có chiều dài từ 10-20m, chiều rộng từ 1-2m và nặng từ 8-10 tấn.
Để thuận tiện cho việc di chuyển những chiếc cống khổng lồ và nặng nề đến với những hộ nuôi tôm, anh Đạt đã sáng tạo ra phương pháp đổ cống ngay trên chiếc phà có công suất lớn, từ đó vận chuyển chúng đến với khách hàng.
Làm cống xả tôm thì dễ, thế nhưng khâu lắp đặt tại các ao nuôi cho khách hàng khá là vất vả. Để đưa được những chiếc cống đến đúng vị trí, vợ chồng anh Đạt dùng cách bịt chặt hai đầu cống bằng ván, sau đó buộc xung quanh cống những chiếc thùng phuy rỗng để tạo thành phao nổi, giúp vận chuyển cống đến vị trí thi công được thuận lợi.
Nghề đúc cống xổ tôm đem lại nguồn thu nhập ổn định
Công việc này giúp vợ chồng Đạt ăn nên làm ra, kiếm được hàng trăm triệu mỗi năm. Gần như tất cả các hộ nuôi tôm ở Cà Mau hiện nay đều sử dụng ống cống do cơ sở của nhà anh Đạt đúc ra. Tính đến nay hai vợ chồng anh Đạt đã có thâm niên 20 năm làm nghề, xưởng đã xuất ra hàng ngàn chiếc cống đến với đông đảo các hộ dân nuôi tôm ở Cà Mau.
Công việc đúc ống cống xổ tôm nhìn thế thôi mà vô cùng nặng nhọc. Không chỉ phải luôn làm việc với xi măng, sắt thép, người lao động còn phải rất vất vả để vận chuyển hàng tấn những chiếc cống bê tông qua đường sông để tới với các hộ nuôi tôm đặt hàng.
Chưa kể đến việc không may làm rớt ống cống xuống lòng sông, coi như công sức làm ra sẽ bị đổ bể, bởi việc trục vớt những khối bê tông nặng hàng tấn như vậy là rất bất khả thi.