Trong tình hình dịch 2019-nCoV đang ngày một tăng mạnh, nhiều nước và khu vực trên thế giới đã đưa ra các biện pháp khác nhau để ngăn chặn lây nhiễm bệnh ở mức thấp nhất.
Tính đến thời điểm 10h sáng ngày 30/1, trên thế giới đã có tổng cộng 7.894 trường hợp nhiễm virut corona gây ra bệnh viêm phổi lạ, tổng số người tử vong vì nhiễm bệnh tăng lên 170 người, tất cả nạn nhân đều mang quốc tịch Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc là nơi khởi điểm của dịch bệnh, một số quốc gia và khu vực khác trên thế giới cũng đã ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh bao gồm: Hồng Kông, Macau, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Nepal, Pháp, Úc...
Trước tình hình đó, mỗi quốc gia và khu vực trên thế giới đều đã đưa ra những biện pháp khác nhau để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh một cách tốt nhất.
Mỹ
Theo hãng tin Reuters đưa tin ngày 28/1, chính phủ Mỹ đã nâng cảnh báo du lịch đến Trung Quốc lên mức 3, mức cao nhất, nhằm khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc tới Trung Quốc. Ngoài ra, hãng hàng không Mỹ United Airlines cũng hủy bỏ nhiều chuyến bay đến Trung Quốc, thực hiện biện pháp vệ sinh và kiểm tra khắt khe tại cửa hải quan sân bay.
Người dân Mỹ đeo khẩu trang cẩn thận khi ra sân bay.
Hãng tin AP đưa tin, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhân viên ngoại giao tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc về nước. Mỹ cũng đã đưa công dân đến từ Vũ Hán về nước trong ngày 29/1. Tổng cộng có khoảng 240 người lên chuyến bay này.
Anh
Trước tình hình lây nhiễm 2019-nCoV tăng mạnh, nước Anh cũng đưa ra nhiều biện pháp đối phó. Hãng không không British Airways, hàng hàng không lớn thứ 2 nước Anh đã hủy bỏ nhiều chuyến bay đến từ Trung Quốc trong những ngày qua.
Bộ trưởng Y tế Anh, ông Matt Hancock tuyên bố mọi công dân Anh trở về từ thành phố Vũ Hán sẽ bị cách ly trong 14 ngày để thực hiện các biện pháp y tế cần thiết. Ông Matt Hancock khẳng định an toàn với cộng đồng là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Anh trong tình hình virut lây lan nhanh hiện nay.
Hôm 27/1, Bộ Y tế Anh khuyến cáo khoảng 1.500 công dân nước này, những người đến Vũ Hán và trở về nước trong 2 tuần trở lại đây, phải tự cách ly tại nhà và đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu có những biểu hiện của bệnh.
Chính phủ Anh cũng đang chuẩn bị các biện pháp cần thiết để sơ tán hàng trăm công dân nước mình đang mắc kẹt tại ổ dịch Vũ Hán.
Pháp
Nước Pháp có khoảng vài trăm công dân đang sinh sống tại thành phố Vũ Hán. Do đó, nước này đang thực hiện các biện pháp cần thiết để sơ tán công dân, bao gồm cả quá trình kiểm tra và theo dõi sức khỏe cho hành khách, ước tính quá trình sơ tán kéo dài khoảng 14 ngày.
Bộ trưởng Y tế Pháp, bà Agnes Buzyn, cho biết mọi lệnh cấm nhằm đến các chuyến bay từ Trung Quốc sẽ được đưa ra từ Liên minh châu Âu. Bà Agnes Buzyn khẳng định: "Các công dân Pháp sẽ được sơ tán bằng đường hàng không theo thỏa thuận giữa hai chính phủ Pháp và Trung Quốc. Quá trình này sẽ diễn ra vào tuần tới".
Bên cạnh đó, tối 26/1, nghiệp đoàn các công ty lữ hành Pháp (SETO) đã đưa ra thông báo ngừng tất cả các chuyến du lịch đến Trung Quốc cho đến ngày 21/2. SETO giải thích việc Chính phủ Trung Quốc đóng cửa hầu hết các địa điểm du lịch khiến các công ty lữ hành không thực hiện các chương trình du lịch theo đúng kế hoạch.
Thái Lan
Ngày 29/1, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết nước này sẽ thuê máy bay thương mại để sơ tán công dân ở Trung Quốc về nước. 4 máy bay vận tải C130 cùng các đội y tế đã được chuẩn bị cho kế hoạch sơ tán ngay khi chính phủ ra thông báo.
Thái Lan thực hiện các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt để hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm chéo.
Tính đến ngày 29/1, Thái Lan đã xác nhận có 14 trường hợp nhiễm virut corona, trong đó có 9 bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện.
Bộ Y tế Thái Lan cũng khuyến cáo khả năng bùng phát dịch viêm phổi lạ tại những khu vực có nhiều du khách Trung Quốc như Bangkok. Chiang Mai và Phuket. Nhà chức trách nước này đang kiểm soát chặt chẽ những khu vực có lượng lớn du khách Trung Quốc.
Người dân Thái Lan được khuyến cáo tự thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình, tránh tụ tập nơi đông người. Bộ Y tế Thái Lan cũng dự kiến triệu tập các nhân viên y tế cấp tỉnh trong ngày 30/1 để đưa ra biện pháp ứng phó với dịch bệnh lây lan.
Đài Loan
Tính đến ngày 30/1, Đài Loan đã xác nhận 8 trường hợp nhiễm 2019-nCoV. Bộ trưởng Bộ Y tế Đài Loan, ông Trần Thời Trung đã mở cuộc họp báo tuyên bố xuất hiện ca nhiễm 2019-nCoV trong khu vực.
Từ ngày 29/1, chính phủ Đài Loan đã áp dụng phương pháp kiểm soát giám sát qua hệ thống thiết bị điện tử đối với hơn 2.000 người thuộc đối tượng phải cách ly tại nhà. Chỉ cần người phải cách ly tại nhà vi phạm quy định thì hệ thống sẽ thông báo ngay với cơ quan cảnh sát, và sẽ bị cưỡng chế cách ly ngay lập tức, để đảm bảo hạn chế lây nhiễm chéo ở mức thấp nhất.
Bên cạnh đó, Đài Loan cũng cảnh báo người dân hạn chế ghé thăm Trung Quốc đại lục nếu không cần thiết, nâng mức cảnh báo du lịch lên cấp 3, cấp cao nhất đối với việc du lịch tới Trung Quốc, đặc biệt là những vùng ổ dịch như Vũ Hán.
Nhật Bản
Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản đã có 7 trường hợp được xác nhận nhiễm 2019-nCoV, trong số đó đáng chú ý nhất là một nam tài xế chưa từng tới Vũ Hán, Trung Quốc nhưng kết quả xét nghiệm vẫn dương tính với dịch bệnh.
Biển cảnh báo về 2019-nCoV được đặt tại sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản.
Hôm 28/1, chính phủ Nhật Bản đã đưa bệnh viêm phổi cấp gây ra bởi 2019-nCoV chủng mới vào danh sách các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Những bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi cấp sẽ bị cấm tới nơi làm việc, buộc phải nhập viện cách ly. Những khu vực có người nhiễm bệnh sẽ được khử trùng cẩn thận.
Chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán chi phí y tế cho những đối tượng buộc phải nhập viện. Khoảng 400 cơ sở y tế của nước này luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu với dịch bệnh.
Úc
Bộ trưởng Y tế Úc, ông Greg Hunt xác nhận có khoảng 100 trẻ em nước này nằm trong số những người bị mắc kẹt tại Vũ Hán khi tới đây đón Tết Nguyên đán bên người thân. Ngày 27/1, giới chức Úc đã lên kế hoạch sơ tán công dân nước mình đang mắc kẹt tại Vũ Hán.
Chính phủ Úc đang cố gắng xác nhận có bao nhiêu công dân đang bị mắc kẹt tại tỉnh Hồ Bắc sau khi Trung Quốc phong tỏa tỉnh này để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Úc đảm bảo sẽ tìm mọi cách để làm việc với Trung Quốc, đưa công dân về nước an toàn.
Hiện tại, Úc xác nhận có 7 trường hợp đã nhiễm 2019-nCoV, nằm ở bang Victoria, bang New South Wales và bang Queensland.