Cái chết của Albert Einstein và hành trình bộ não thiên tài bậc nhất thế giới bị đánh cắp

Khánh Hằng - Ngày 26/01/2021 00:08 AM (GMT+7)

Sau khi Albert Einstein qua đời, bộ não của ông đã bị đánh cắp với lý do nghiên cứu y học mặc cho sự phản đối của chính ông và gia đình.

Bộ óc thiên tài của thế kỷ

Albert Einstein (14/3/1879 - 18/4/1955) là nhà bác học vĩ đại của nhân loại, được gọi là cha đẻ của vật lý hiện đại, người phát triển thuyết tương đối tổng quát. Năm 1921, ông được trao giải Nobel Vật lý cho những cống hiến của mình đối với vật lý lý thuyết, đặc biệt là cho sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện. Sau này, Einstein còn để lại hàng nghìn nghiên cứu và sáng chế có giá trị cho nhân loại. Cho đến tận ngày nay, ông vẫn là một trong số những người có IQ cao nhất thế giới.

Cuộc đời Einstein cũng có rất nhiều điều ly kỳ. Ông biết nói rất muộn, đến tận 2 tuổi mới biết bập bẽ vài chữ. Một lần khi còn nhỏ, Einstein đang nằm trên giường vì ốm thì nhìn thấy chiếc la bàn. Có lẽ đó cũng là lúc niềm hứng thú và đam mê với khoa học bắt đầu trong ông.

Cái chết của Albert Einstein và hành trình bộ não thiên tài bậc nhất thế giới bị đánh cắp - 1

Nhà vật lý học vĩ đại Albert Einstein.

Khi học tiểu học, Einstein bị cô giáo nói rằng cậu sẽ không bao giờ có được thành công. Nhiều năm sau, Einstein cảm thấy không được chào đón tại trường nên đã bỏ học. Ông từng tốt nghiệp chót bảng của lớp đại học và là thành viên duy nhất trong lớp không tìm được một công việc tử tế. Thế nhưng chẳng ai ngờ rằng, bề ngoài người đàn ông trông có vẻ ngờ nghệch đó lại là một bộ óc thiên tài.

Năm 1955, Einstein đang ngồi viết bài phát biểu nhân kỷ niệm 7 năm thành lập Nhà nước Israel thì bất ngờ phát bệnh phình động mạch chủ (AAA). Trước đây, ông từng gặp tình trạng này một lần và được phẫu thuật vào năm 1948. Nhưng lần này, Einstein từ chối phẫu thuật. Ông nói với các bác sĩ rằng mình không muốn tiếp nhận y tế vì muốn ra đi một cách tự nhiên. 

Cái chết của Albert Einstein và hành trình bộ não thiên tài bậc nhất thế giới bị đánh cắp - 2

Einstein qua đời do chứng phình động mạch chủ.

Trước khi qua đời, Einstein cũng để lại chỉ dẫn vô cùng cụ thể về hài cốt của mình. Ông mong muốn mình được hỏa táng, sau đó rải tro một cách bí mật để ngăn những người sùng bái một cách mù quáng. Ngày Einstein qua đời tại Bệnh viện Princeton, hàng người đến đưa tiễn ông đông nghẹt thở.

Hành trình kỳ lạ của bộ não bị đánh cắp

Với những phát minh và sáng chế vượt thời đại, nhiều người từng cho rằng Einstein sở hữu một bộ não khác với người thường, vì vậy mới có thể trở nên thông minh đến thế. Tuy nhiên, Einstein không bao giờ muốn cơ thể hay bộ não của mình được nghiên cứu bởi ông không muốn được tôn thờ.

Thế nhưng, trái với ý nguyện của Einstein, cũng không hề nhận được sự đồng ý của gia đình ông, một bác sĩ giải phẫu cho Einstein đã tự ý đánh cắp bộ não của ông mang về nhà. Đó là nhà nghiên cứu bệnh học, bác sĩ Thomas Harvey. Sau này, Thomas nói rằng ông làm điều đó chỉ vì lợi ích của khoa học.

Cái chết của Albert Einstein và hành trình bộ não thiên tài bậc nhất thế giới bị đánh cắp - 3

Bác sĩ Thomas Harvey, người đánh cắp bộ não của Einstein.

Sau đó, Thomas nghỉ việc tại Bệnh viện Princeton, đưa bộ não của Einstein tới Philadelphia (bang Pennsylvania, Mỹ). Tại đây, Thomas chia nó làm 240 mảnh và được bảo quản trong celloidin, một dạng cellulose cứng và cao su. Ông chia thành 2 lọ và cất chúng trong tầng hầm nhà mình. Sau đó, vợ của Thomas phát hiện ra và dọa sẽ vứt bỏ, ông bèn quay về lấy rồi mang đến Trung Tây.

Trong một thời gian, Thomas làm giám sát y tế trong phòng thí nghiệm sinh học ở thành phố Wichita, bang Kansas, và đã giữ bộ não của Einstein trong hộp rượu táo, cất dưới tủ lạnh bia. Sau đó, Thomas lại chuyển đến thành phố Weston, bang Missouri, vừa hành nghề y vừa tiến hành nghiên cứu bộ não. Tuy nhiên đến năm 1988, ông đã bị mất giấy phép hành nghề sau khi trượt kỳ thi năng lực.

Tiếp đó, Thomas chuyển tới thành phố Lawrence, bang Kansas để làm công việc dây chuyền lắp ráp trong một nhà máy, và tất nhiên vẫn mang theo bộ não của Einstein. Thomas thậm chí còn khoe khoang với người hàng xóm rằng ông đã gửi những mảnh của bộ não tới các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới.

Cái chết của Albert Einstein và hành trình bộ não thiên tài bậc nhất thế giới bị đánh cắp - 4

Thomas tin rằng việc nghiên cứu bộ não của Einstein sẽ đem đến thành tựu về thần kinh học.

Trước đó vào năm 1985, Thomas và các cộng sự ở California đã công bố nghiên cứu đầu tiên về bộ não của Einstein. Họ tuyên bố rằng trong bộ não của nhà bác học có một tỷ lệ bất thường của 2 loại tế bào, đó là tế bào thần kinh và tế bào đệm. Các nghiên cứu sau này cho biết việc tìm hiểu bộ não của Einstein có thể giúp khám phá những nền tảng thần kinh của trí thông minh con người.

Cái chết của Albert Einstein và hành trình bộ não thiên tài bậc nhất thế giới bị đánh cắp - 5

Ảnh minh họa bộ não của Einstein.

Nhưng sau đó, tiền đề này trở nên vô nghĩa sau công bố của Terence Hines, giáo sư tâm lý học tại Đại học Pace. Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học Thần kinh Nhận thức năm 2014, Terence đã chỉ ra những lỗi sai trong nghiên cứu của bác sĩ Thomas, chứng tỏ tuyên bố của ông về bộ não của Einstein là không chính xác. Khó có cách nào giải thích được trí thông minh tuyệt đỉnh của Einstein, ngay cả khi người ta có được bộ não của ông.

Sau này, bác sĩ Thomas Harvey đã lên tiếng xin lỗi và cầu xin sự tha thứ từ con trai của Einstein, Hans Albert, tuy nhiên vẫn nói rằng mục đích của hành động đánh cắp bộ não là để nghiên cứu y học. 

Cái chết của Albert Einstein và hành trình bộ não thiên tài bậc nhất thế giới bị đánh cắp - 6

Bộ não của Einstein sau này được trả lại và trưng bày tại Bảo tàng Mutter.

Albert Einstein có lẽ cũng đã lường trước được việc này. Ông hiểu quá rõ về cách công chúng ám ảnh về những người nổi tiếng và đặc biệt giống như ông. Einstein biết rằng nếu có cơ hội, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu tế bào thần kinh và thần kinh đệm của bộ não của mình, sau đó đưa ra những tuyên bố lớn về bộ não của một thiên tài. Tuy nhiên với Einstein, tất cả những điều đó đều vô nghĩa và gia đình ông cũng không chấp nhận việc này.

Trong văn phòng ở Princeton của mình, Einstein từng viết lên tấm bảng đen rằng: "Không phải mọi thứ đếm được đều có thể đếm được và không phải mọi thứ có thể đếm được đều được tính".

Ngày nay, chúng ta có thể chiêm ngưỡng bộ não của Albert Einstein tại Bảo tàng y học Mutter, thuộc thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ.

Bi kịch làm vợ thiên tài Albert Einstein: 3 điều khoản hôn nhân biến vợ thành người ở
Làm vợ của một thiên tài nhưng không phải ai cũng biết được, người vợ này cũng thông minh và tài giỏi chẳng kém chồng, chỉ đáng tiếc cả cuộc đời bị...
Khánh Hằng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nhân vật