Làm vợ của một thiên tài nhưng không phải ai cũng biết được, người vợ này cũng thông minh và tài giỏi chẳng kém chồng, chỉ đáng tiếc cả cuộc đời bị chôn vùi trong cuộc hôn nhân đầy đau thương và tủi nhục.
Thiên tài Albert Einstein, người được tôn vinh là nhà vật lý giỏi nhất thế kỷ 20, được cả thế giới ngưỡng mộ và trọng vọng nhưng không phải ai cũng biết rằng, đằng sau sự thành công của ông, có bóng hình của một người phụ nữ đã đóng góp không nhỏ cho sự nghiệp của ông. Đó chính là bà Mileva Marić Einstein - người vợ đầu tiên của Albert Einstein. Cặp đôi gặp nhau năm 1896, kết hôn năm 1903 nhưng đã ly hôn vào năm 1919. Những tưởng lấy được một thiên tài như Einstein, bà Mileva sẽ sống những tháng ngày đầy hạnh phúc và vinh hoa nhưng ngược lại, cả cuộc đời dành cho chồng con của bà lại nhận về kết cục đầy đau thương.
Người vợ xinh đẹp và giỏi giang
Bà Mileva sinh ra tại thị trấn Titel, Serbia vào năm 1875. Bố mẹ của bà là những người giàu có và được xã hội kính trọng. Dù là con gái nhưng Mileva lại bộc lộ khả năng thiên bẩm ngay từ nhỏ, đặc biệt về vật lý và toán học. Năm 1892, bố của Mileva nhận được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho phép bà Mileva được tham dự các bài giảng vật lý vốn chỉ dành cho nam giới. Năm 1894, bà Mileva đã hoàn thành chương trình trung học. Các bạn cùng lớp miêu tả Mileva là người vô cùng xuất sắc nhưng không thích nói nhiều.
Trong khi đó, Albert Einstein sinh ra tại thành phố Ulm, nước Đức vào năm 1879, là người phóng túng, nổi loạn và thích tò mò. Chán ghét sự nghiêm khắc tại trường học ở Đức, ông đã hoàn thành trung học tại Thụy Sĩ, sau đó cùng gia đình chuyển tới Milan, Ý.
Năm 1896, Mileva và Einstein cùng được nhận vào khoa vật lý - toán học của Học viện Bách khoa ở Zurich (nay là Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ). Cả hai nhanh chóng dành tình cảm cho nhau, học cùng nhau suốt nhiều giờ và không thể tách rời. Bà Mileva là người có phương pháp và tổ chức, đã truyền năng lượng của mình và hướng dẫn bài giảng cho ông Einstein - một người chỉ thích tự học ở nhà. Trong những năm 1899-1903, khoảng 43 lá thư đã được cặp đôi trao đổi, còn được lưu giữ tới ngày nay.
Tuy nhiên, gia đình của ông Einstein lại cực lực phản đối mối quan hệ này. Mẹ của ông cho rằng bà Mileva già hơn con trai mình, hơn nữa lại không cùng nguồn gốc, bởi bà Mileva không phải người gốc Do Thái, cũng không phải người Đức. Sự thông minh vượt trội của Mileva cũng không được lòng họ vì định kiến trong xã hội thời đó. Hơn nữa, bố của ông Einstein luôn muốn ông có công việc ổn định trước khi kết hôn.
Năm 1901, bà Mileva mang thai cô con gái đầu lòng của ông Einstein và đến tháng 1/1902 thì hạ sinh. Nhưng tới tận tháng 1/1903, cặp đôi mới chính thức kết hôn. Sau này, chuyện không hay đã xảy đến với cô con gái đầu lòng của cặp đôi, có người cho rằng đã chết, có người cho rằng đã được nhận nuôi nhưng không có tài liệu chính thức ghi lại. Năm 1904, bà Mileva hạ sinh cậu con trai Hans-Albert.
Tưởng rằng việc có con sẽ giúp cuộc hôn nhân thêm bền vững và hạnh phúc nhưng ngược lại, ông Einstein chỉ chăm chăm và công việc và những công trình của mình. Bỏ mặc vợ con, ông làm việc cả ngày, cả tuần trong văn phòng sáng chế. Trong khi đó, bà Mileva phải gác lại sự nghiệp học hành và nghiên cứu của mình để ở nhà làm một người nội trợ.
Năm 1908, Einstein nhận được sự công nhận đầu tiên, bắt đầu dạy học ở thành phố Bern, sau đó năm 1909 thì giảng dạy tại Zurich, Thụy Sĩ. Lúc này, bà Mileva vẫn hỗ trợ chồng. 8 trang ghi chú bài giảng đầu tiên của ông Zurich là do vợ viết tay. Bà Mileva tâm sự: "Hiện tại, anh ấy được coi là người giỏi nhất trong số các nhà vật lý nói tiếng Đức, và họ dành cho anh rất nhiều danh dự. Tôi rất vui vì thành công của anh ấy, vì anh ấy hoàn toàn xứng đáng với điều đó. Nhưng khi có tất cả những sự nổi tiếng này, anh ấy lại ít quan tâm tới vợ con. Có gì để nói đây, sự nổi tiếng ấy chỉ là vỏ bọc".
Cuộc hôn nhân bi kịch
Tháng 7/1910, con trai thứ hai của cặp đôi tên Eduard chào đời. Cho đến năm 1911, ông Einstein vẫn viết thư tay gửi cho vợ. Nhưng đến năm 1912, ông bắt đầu ngoại tình với người em họ xa Elsa Löwenthal và trao đổi thư từ suốt 2 năm. Ông Einstein thậm chí đã sống một thời gian ngắn tại Berlin vào năm 1914 để được gần người tình hơn.
Cuộc hôn nhân của Einstein và Mileva tan vỡ từ đó, tuy nhiên bà không muốn ly hôn vì nghĩ cho 2 con trai của mình. Điều này khiến ông Einstein bực tức, khó chịu và quyết định đặt ra những quy tắc vô lý cho người vợ của mình:
- "Cô phải luôn đảm bảo rằng: Quần áo của tôi được giặt sạch sẽ, phân loại rõ ràng. Chuẩn bị 3 bữa mỗi ngày trong phòng riêng. Dọn dẹp sạch sẽ phòng ngủ, không được đụng vào những đồ vật trong phòng làm việc khi không được sự cho phép".
- "Giữa chúng ta không duy trì quan hệ gần gũi nữa, trừ trường hợp tôi phải giữ thể diện bên ngoài xã hội. Cô không được yêu cầu tôi thể hiện tình cảm, đi du lịch cùng cô".
- "Trong mối quan hệ của chúng ta, cô không được yêu cầu tình cảm hay trách móc tôi, phải im lặng ngay khi tôi yêu cầu, ra khỏi phòng tôi ngay lập tức khi tôi yêu cầu, không được coi thường tôi bằng hành động hay lời nói trước mặt con cái".
Bà Meliva vẫn chấp nhận những yêu sách này để các con được gần gũi với bố nhưng đến tháng 2/1919, bà đã quyết định ly hôn vì không muốn duy trì sự đau khổ và tủi nhục này thêm nữa. Bà Mileva đồng ý ly hôn chỉ với một điều kiện, rằng nếu ông Einstein giành được giải Nobel thì bà phải được nhận tiền thưởng. Sau đó, bà Mileva mua 2 căn chung cư và sống những năm tháng cuối đời trong sự nghèo khổ, thầm lặng.
Người con trai thứ hai của ông bà, Eduard, thường xuyên sống trong nhà điều dưỡng. Sau đó, ông được chẩn đoán mắc tâm thần phân liệt. Do những chi phí chữa bệnh cho con quá lớn, bà Mileva phải vật lộn vì tài chính và cuối cùng mất cả hai ngôi nhà. Ông Einstein có chu cấp cho vợ con nhưng không thường xuyên. Năm 1965, Eduard qua đời vì đột quỵ. Trước đó, Eduard đã từng nói với báo chí: "Có một người bố thiên tài chẳng giúp được gì cho tôi cả".
Về phần người con trai lớn Hans-Albert, ông cũng gần như bị bố bỏ rơi. Vợ của Hans-Albert từng cố gắng công bố những bức thư mà bố mẹ chồng viết cho chồng nhưng cuối cùng bị những nhà điều hành của ông Einstein ngăn chặn vì có thể gây tổn hại danh dự. Sau này, ông Hans-Albert từng nói một câu đau lòng: "Có lẽ công trình duy nhất ông ấy từ bỏ chính là tôi".
Bà Mileva qua đời vào ngày 4/8/1948 tại Zurich, Thụy Sĩ. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng, với sự thông minh không kém gì chồng, bà Mileva có thể đã sánh bước bên chồng trong những công trình vĩ đại nếu bi kịch hôn nhân của họ không xảy ra.