Mọi loại hình dịch vụ không được kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp, trừ trường hợp pháp luật cho phép.
Bộ Công thương vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định Quản lý bán hàng đa cấp thay thế Nghị định 110 ngày 24/8/2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trước đó.
Theo đó, trong Dự thảo Nghị định lần này, Bộ Công thương đã quy định chi tiết các hành vi bị cấm trong bán hàng đa cấp, chủ yếu là những hành vi gây tranh cãi và bức xúc dư luận xã hội với loại hình bán hàng này trong thời gian qua, bao gồm:
Cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi: Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hoá dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; Yêu cầu người tham gia hội nghị, hội thảo, khoá đào tạo phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào, trừ chi phí hợp lý để mua tài liệu đào tạo; Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.
Nghị định cũng quy định rõ cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay các lợi ích kinh tế khác mà người tham gia có quyền hưởng; Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Cung cấp thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hoá để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Ký từ hai hợp đồng trở lên với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp….
Nhiều quy định mới về bán hàng đa cấp được bổ sung
Người tham gia bán hàng đa cấp bị cấm việc yêu cầu người người muốn tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp phải trả phí, nộp tiền đặt cọc, hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định; Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hoá, về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; Nhân danh doanh nghiệp bán hàng đa cấp tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm, đào tạo mà chưa được doanh nghiệp ủy quyền bằng văn bản; Lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mình…
Ngoài ra, theo dự thảo nghị định mới, công ty bán hàng đa cấp sẽ phải có vốn pháp định là 10 tỉ đồng; phải ký quỹ 5 tỉ đồng thay vì 3 tỉ đồng như hiện nay.
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam (khoảng năm 2000), loại hình bán hàng đa cấp đã gây nhiều bức xúc trong dư luận với những vụ việc gây xáo trộn đời sống xã hội. Trong khi đó, Nghị định 110 ngày 24/8/2005 và Thông tư 19 ngày 8/11/2005 là những văn bản pháp quy quản lý hoạt động kinh doanh này đã được thực thi gần 8 năm, cho thấy nhiều bất cập và không đáp ứng được sự phát triển nhanh chóng của loại hình kinh doanh này.
Dự thảo Nghị định mới về việc quản lý bán hàng đa cấp lần này được đưa ra lấy ý kiến với kỳ vọng sẽ đưa lĩnh vực bán hàng đa thành một ngành kinh tế chính thống thay vì một lĩnh vực kinh doanh gây nhiều tranh cãi như hiện nay.