Đó là thông tin được các chuyên gia cảnh báo tại buổi Tọa đàm hưởng ứng ngày tim mạch thế giới vừa được tổ chức chiều ngày 26/9, tại Viện Tim mạch Quốc gia.
Tai buổi tọa đàm này, các chuyên gia cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 520.000 ca tử vong do nguyên nhân bệnh tật trong đó tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 73%, như vậy tính trung bình cứ 10 người chết thì có 7 chết bởi bệnh không lây nhiễm.
Trong số các bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất thì Tim mạch vẫn đang dẫn đầu với tỷ lệ hơn 40%. Đáng báo động hơn, theo công bố của Viện Tim mạch Việt Nam gần đây cho thấy, cứ 4 người trên 25 tuổi có ít nhất 1 người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Đáng lưu ý, bệnh tim mạch đang có chiều hướng tăng ở người trẻ tuổi. Trước đây, những người từ 50 tuổi trở lên mới có nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tai biến mạch não… thì nay, bệnh tim mạch đã xuất hiện ở những người 30 – 40 tuổi, thậm chí có những ca bệnh dưới 30 tuổi.
GS Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia.
GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi – Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam nhận định, trẻ hóa bệnh lí tim mạch ngày càng phổ biến là do lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động thể lực, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật.
Bên cạnh đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống cũng dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Riêng tại Viện Tim mạch Việt Nam, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị ngày càng tăng trong những năm gần đây và có khá nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40 đã được ghi nhận.
“Nếu không có hành động, con số người Việt Nam trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh tim mạch chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số ¼”, GS Lợi nhận định.
GS Lợi cho biết: “Mặc dù là căn bệnh nguy hiểm, bệnh tim mạch có thể được phòng ngừa thông qua vận động thể thao, cụ thể là đi bộ mỗi ngày và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và đạm thực vật, đặc biệt là đạm đậu nành”.