Theo PGS Phu, bệnh lạ ở Bình Phước là bệnh bạch hầu, người dân cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh, nhất là tiêm vắc xin.
Thời gian vừa qua, tại tỉnh Bình Phước đã xảy ra căn bệnh lạ khiến 3 người tử vong và hàng chục người mắc bệnh. Bác sĩ Quách Ái Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước cũng cho biết, tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng giống nhau như sốt, viêm họng, ho, khàn tiếng, chán ăn...
Trước những thông tin trên, ngày 13/7, PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, căn bệnh khiến 3 người tử vong ở Bình Phước không phải là bệnh lạ mà đó là bệnh bạch hầu.
Theo đó, từ ngày 22/6 đến nay ghi nhận ổ dịch bạch hầu ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi và ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, huyền Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, ổ bệnh bạch hầu ở địa phương này đã khiến 3 trường hợp tử vong.
PGS Phu cho biết, để chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã đề nghị giám đốc Sở Y tế Bình Phước tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới và người lành mang trùng bệnh, triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly và điều trị bệnh nhân nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc, biến chứng và tử vong.
Tiêm vắc xin, vệ sinh cá nhân là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh bạch hầu.
Ông Phu cũng đề nghị ngành y tế địa phương, phối hợp chặt chẽ với Viện Pasteur TP.HCM tổ chức tiêm vắc xin chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch. Nhanh chóng rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đủ trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh.
Đảm bảo tất cả các trẻ được tiêm đủ các mũi cơ bản và nhắc lại đạt tỷ lệ trên 95% ở tất cả các xã phường, thị trấn đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi tiếp cận với các dịch vụ y tế còn hạn chế, tránh tình trạng trẻ mắc bệnh bạch hầu do tiêm phòng vắc xin muộn.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền đến với người dân về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng bệnh để người dân tư giác và chủ động phòng tránh bệnh. Vận động các gia đình đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
“Đối với khu vực ổ dịch, tổ chức tuyên truyền tới từng hộ gia đình về các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, khi xuất hiện các triệu chứng bị sốt, đau họng cần đến cơ sở điều trị để được khám kịp thời”, PGS Phu cho biết.
Ngoài ra, ngành y tế địa phương đảm bảo cung cấp vật tư, hóa chất trang thiết bị hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch và điều trị bệnh nhân. Điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị, lập báo cáo hàng ngày về từng trường hợp mắc bệnh, ổ dịch và kết quả các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: 1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: Quinvaxem hoặc DTP, Td đầy đủ, đúng lịch. 2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. 3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. 4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. 5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc Quinvaxem trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng: Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng Mũi thứ 4: Khi trẻ 18 tháng tuổi. |