Bàn thờ Phật từ thời nhà Trần, niên đại 700 năm là Bảo vật quốc gia trong ngôi chùa Phổ Quang 800 tuổi đã bị hư hỏng đáng kể trong vụ hỏa hoạn sáng 23/10 ở Phú Thọ.
Chùa Phổ Quang có tên gọi khác là chùa Xuân Lũng, là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, được công nhận tại Quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10-7-1980 của Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT&DL). Ảnh: Người dân cung cấp
Chịu ảnh hưởng của Phật giáo hệ phái Bắc Tông, ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ 14. Trải qua 800 năm, ngôi chùa được các sư thầy và người dân địa phương trông coi, tôn tạo. Ngoài ra, là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, chùa Phổ Quang ít nhiều còn được hỗ trợ từ nguồn ngân sách để bảo tồn giá trị độc đáo riêng có. Ảnh: lamthao.phutho.gov.vn
Lần gần nhất, tháng 4-2021, UBND xã Xuân Lũng cùng nhân dân thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo hạng mục Tam Bảo và nhà bia chùa Phổ Quang với tổng mức đầu tư hơn 11 tỉ đồng. Việc sửa chữa được thực hiện theo nguyên tắc bảo quản vẹn nguyên những nét độc đáo trong kiến trúc thời Trần. Ảnh: lamthao.phutho.gov.vn
Theo kiến trúc chùa cổ từ thời Trần, chùa Phổ Quang được người xưa xây dựng theo kiểu chữ “công”, gồm hai cấp. Chùa trên chiều ngang dài 10m, dọc 7m, gồm ba gian, có một cửa ra vào từ nhà Tổ lên. Chùa dưới chiều ngang 16m, dọc 13,5m, gồm 5 gian. Giữa chùa có bức đại tự và hai câu đối. Trong ảnh là người dân địa phương cùng du khách làm lễ, với bốn ngày lễ chính vào dịp Rằm tháng Giêng, ngày 8 tháng 4 (lễ tắm Phật), rằm tháng 7 và ngày 8-12 âm lịch. Ảnh: lamthao.phutho.gov.vn
Di vật, cũng là công trình kiến trúc đáng chú ý nhất chùa Phổ Quang là bàn thờ Phật bằng đá, chạm khắc hoa sen có niên đại 700 năm tuổi, được tạc năm 1388 dưới triều vua Trần Phế Đế. Bàn thờ cao hơn 1m, gồm 71 phiến đá xanh ghép lại với nhau. Ảnh: Người dân cung cấp
Cánh sen được cách điệu chiếm vị trí chủ đạo. Bốn góc bệ đá ở tầng thứ ba có bốn linh điểu vững chãi. Bệ đá hoa sen là tác phẩm có giá trị nghệ thuật sâu sắc, hiếm hoi còn lại của thời Trần. Bệ đá gồm nhiều họa tiết gắn với Phật giáo, mô tả cuộc sống của cư dân vùng Trung du miền núi Bắc bộ. Ảnh: MXH
Cùng với hình ảnh bông sen, cuộc sống trần thế cũng được miêu tả sinh động qua các họa tiết dân gian như cá lượn, sư tử vờn, hươu cặp cành hoa hải đường nở xòe… Ảnh: MXH
Với tính chất đặc biệt đó, đến năm 2021, Thủ tướng đã quyết định công nhận bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang là Bảo vật quốc gia. Ảnh: MXH
Nhưng sáng nay, 23-10, như PLO đã đưa tin, tại chùa Phổ Quang đã xảy ra đám cháy lớn. Ảnh: CTV
Theo hình ảnh Cục Di sản văn hóa, Bộ VHTT&DL nhận được, toàn bộ hạng mục Tam Bảo đã bị cháy. Ảnh: Cục Di sản văn hoá
Ngoài các pho tượng Phật, các kết cấu chùa bằng gỗ bị cháy, mái bị sập, thì Bảo vật quốc gia là bàn thờ Phật cũng bị hư hỏng. Bằng mắt thường có thể thấy bị om trong nhiệt độ cao mấy tiếng đồng hồ, một số cạnh, góc của bàn thờ Phật bằng đá đã bị nứt, vỡ. Ảnh: Cục Di sản văn hoá
Theo báo cáo của huyện Lâm Thao, gần 10 giờ sáng nay, ông Nguyễn Xuân Quang, nhà ở đối diện chùa phát hiện có cháy trong ngôi Tam Bảo, chùa Phổ Quang. Ngay lập tức, ông chạy sang chùa và hô hoán người dân sử dụng bình chữa cháy và các dụng cụ sẵn có để dập lửa. Tuy nhiên, lửa không tắt và tiếp tục lan ra các khu vực xung quanh. Khoảng 10 giờ 15 phút, lực lượng phòng cháy chữa cháy địa phương có mặt tại hiện trường. Đến 11 giờ 40 phút, đám cháy được dập tắt hoàn toàn. |
Xem thêm video:
Hiện trường vụ cháy chùa Phổ Quang ở Phú Thọ (Nguồn: Pháp luật TP.HCM)