Cận Tết, bùng nổ hàng lậu “khoác áo” Việt

Ngày 10/01/2014 14:41 PM (GMT+7)

Giáp Tết Nguyên đán, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội liên tục phát hiện và bắt giữ số lượng lớn hàng lậu Trung Quốc dán nhãn mác Việt Nam. Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, phải đội lốt hàng Việt Nam bởi hàng Trung Quốc đã bị thất sủng.

Hàng lậu, địa chỉ “ma”

 

Ông Nguyễn Hải Anh (Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết: “6h ngày 6/1, chúng tôi đã phối hợp với Đội Chống hàng giả (Phòng PC46, Công an TP Hà Nội) kiểm tra xe tải mang BKS 17C-034.44 đang chạy trên Quốc lộ 1A (thuộc địa phận thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).

Phát hiện trên xe có 291 thùng các tông đựng bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hóa đơn chứng từ. Số hàng này đang trên đường vận chuyển từ Trung Quốc về Hà Nội tiêu thụ. Toàn bộ số hàng và phương tiện đã được đưa về trụ sở Đội Quản lý thị trường số 6 để làm rõ. Số bánh kẹo có trọng lượng hơn 3 tấn, đều có mã vạch và chữ Việt Nam, địa chỉ sản xuất trên các sản phẩm đều ghi là KM8, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Cũng theo ông Nguyễn Hải Anh, khi lần theo những địa chỉ ghi trên bao bì của 291 thùng các tông chở trên xe tải này, cơ quan chức năng đã xác định các cơ sở ghi tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội đều là địa chỉ "ma".

Trước đó, sáng 5/1, Đội Quản lý thị trường số 13 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế thương mại (PC46 Công an TP Hà Nội) bắt giữ chiếc xe tải mang biển kiểm soát 17C-009.63 và xe 17C-031.02 chở 14,5 tấn mì chính, 4,5 tấn ô mai và hàng nghìn chiếc bản lề cửa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số mì chính và ô mai nói trên được đóng vào bao tải màu trắng, mỗi bao có trọng lượng 25 kg.

Trên vỏ bao bì đều in nhãn mác chữ Trung Quốc. Riêng các thùng carton chứa bản lề cửa thì in 3 loại chữ khác nhau, trong đó có cả chữ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Hải Anh thì nhìn vỏ bao bì của các loại mì chính giả, xà phòng giả giống hệt nhau, chỉ khác mỗi tông màu sắc. Chẳng hạn như mì chính Ajinomoto giả vỏ màu đỏ có tông đậm hơn. Huy chương trên vỏ bao có màu vàng sậm, nhoè, không đọc được dòng chữ bên trong hoặc rất mờ; Vỏ bao giòn cứng, góc dập thường nhăn, cánh mì chính không đều, nhiều bụi trắng.

Với sản phẩm nhái bánh kẹo của các thương hiệu uy tín của Việt Nam, thường là chỉ khác mỗi dòng địa chỉ nơi sản xuất được in rất nhỏ phía dưới cùng vỏ bao nên ít người chú ý tới. Đặc biệt 100% các địa chỉ ghi trên bao bì đều không có thực.

Cận Tết, bùng nổ hàng lậu “khoác áo” Việt - 1

Lô hàng giả xuất xứ từ Trung Quốc bị Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ.  Ảnh: TL

“Khoác áo” Việt thì hàng Trung Quốc mới chạy?

Chị Trần Thị Bích, chủ đại lý bánh kẹo, nước ngọt lớn tại phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Rất nhiều người đến đưa mối nhập sỉ bánh kẹo với giá siêu rẻ, nhái các sản phẩm nổi tiếng trong nước như KĐ, HH, HN… nhưng tôi không hợp tác. Người tiêu dùng bây giờ tinh lắm, làm ẩu là họ bỏ mình, phá sản ngay. Hơn nữa, chủ trương của tôi là bán hàng và sống với nghề nên tốt nhất là nhập hàng uy tín, chất lượng. Năm nay tôi chỉ nhập những sản phẩm quen thuộc của các thương hiệu uy tín trong nước, vì bây giờ khách hàng cũng chủ trương ăn ít nhưng chất lượng”.

“Tôi trong nghề thì người đổ buôn gian không lừa được nên họ nói thẳng luôn đây là hàng nhái và chỉ cho tôi chỗ vỏ bao bì khác với hàng “xịn”. Với bánh kẹo, sự khác nhau đó rất khó phát hiện, chỉ là một góc rất nhỏ phía dưới vỏ bao bì. Nếu ai mua biếu mà không phát hiện được thì coi như mất mặt với người biếu, còn mua để sử dụng thì chắc chắn phát hiện ra ngay vì vị của hàng nhái không thể giống với hàng thật”, chị Bích cho biết thêm.

Ông Nguyễn Viết Tịnh, Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết: “Hàng lậu Trung Quốc có quá nhiều “phốt” về chất lượng nên bây giờ nhiều người nói không với nó, nhất là những mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người như đồ ăn, thức uống… Tuy nhiên, hàng lậu từ Trung Quốc vẫn sinh lợi khủng cho gian thương Việt Nam nên người hám lợi tìm cách lách, che mắt người tiêu dùng bằng cách “khoác áo” hàng Việt Nam cho hàng lậu, bất chấp hậu quả. Hơn nữa, thời gian gần đây hàng Việt Nam dần khẳng định được uy tín, chất lượng trong khi giá cả lại khá hợp lý nên nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng hàng Việt. Đây cũng là một trong những lý do khiến hàng Trung Quốc, hàng nhập lậu phải mượn mác hàng Việt Nam mới bán được cho người tiêu dùng”. Vì vậy, để bảo vệ mình và gia đình, tốt nhất người tiêu dùng nên chọn hàng ở những địa chỉ uy tín, sản phẩm là hàng chính hãng, không ham rẻ để dính bẫy hàng nhái, hàng giả”.

Phát hiện số lượng hàng lậu đội lốt Việt cao gấp 1,5 lần

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) năm 2013 đã phát hiện số hàng lậu, nhiều nhất là hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam cao gấp 1,5 lần so với năm 2012. Riêng Chi cục Quản lý thị trường TP HCM đã xử lý 3 vụ, trong đó 2 vụ dùng bột ngọt Trung Quốc đóng gói nhãn hiệu Ajinomoto và 1 vụ dây curoa sản xuất Trung Quốc ghi nhãn ADR (An Dong Rubber) của Công ty cao su An Đông. Tại khu vực phía Bắc, Chi cục Quản lý thị trường Quảng Ninh bắt giữ khoảng 1 tấn hàng gồm xúc xích, thịt bò xiên, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc dán nhãn hàng Việt Nam.

Theo Mai Hạnh (Gia đình và Xã hội)
Nguồn:

Tin liên quan