Cảnh báo nguy cơ học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống

Ngày 31/08/2015 14:51 PM (GMT+7)

Năm học mới bắt đầu cũng là lúc học sinh phải đối mặt với hàng loạt các căn bệnh học đường nguy hiểm, trong đó có căn bệnh cong vẹo cột sống.

Trao đổi với phóng viên, Ths.BS Lỗ Văn Tùng – Phụ trách khoa Vệ sinh và Sức khỏe trường học - Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị uốn cong về phía bên trái hoặc bên phải hoặc cong quá mức về phía trước và phía sau, do đó không còn giữ được các đoạn cong sinh lý như bình thường.

“Bệnh cong vẹo cột sống thường gặp ở lứa tuổi học sinh, nếu không được phát hiện sớm để có những biện pháp đề phòng sẽ có những ảnh hưởng về sức khỏe và hình dáng của các em”, Ths. Tùng cho biết.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng cong vẹo cột sống ở lứa tuổi học đường, BS Tùng lý giải, tư thế ngồi học xấu (không đúng tư thế) như cúi đầu quá thấp, chỗ ngồi học quá chật hẹp, nhiều học sinh không có chỗ học cố định phải nằm học hoặc ngồi học ở bất kỳ vị trí nào trong gia đình …để học và làm bài.

Cảnh báo nguy cơ học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống - 1

Tư thế ngồi học sai khiến trẻ rất dễ mắc bệnh cong vẹo cột sống.

Ngoài ra, tư thế ngồi học sai do bàn ghế không phù hợp với tầm với của các em hoặc do thiếu ánh sáng ở vị trí ngồi học cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng cong vẹo cột sống.

Ngoài những nguyên nhân trên, theo BS Tùng vấn đề cong vẹo cột sống còn có thể xuất phát từ nguyên nhân do thể trạng kém, ít hoạt động thể lực, suy dinh dưỡng, do ngồi học hoặc đi lại quá sớm, mang vác nặng về một phía…

Thông thường khi học sinh bị cong vẹo cột sống, tùy theo mức độ nặng nhẹ phụ huynh có thể sẽ quan sát được. Theo đó, nếu hình dáng con không cân đối, hai bờ vai không đều, người bị lệch, hai xương bả vai không cân bằng, cột sống không thẳng mà bị vẹo sang bên trái hoặc bên phải thì đó là những biểu hiện của cong vẹo cột sống ban đầu.

Nếu cong vẹo cột sống ở thể nặng, có thể sẽ ảnh hưởng đến cơ quan hô hấp làm cho dung tích sống bị giảm, lượng ô xy giảm nên khi lao động thường bị chóng mặt hơn so với các bạn cùng trang lứa. Đặc biệt, các em gái nếu bị vẹo cột sống ở độ nặng có thể làm cho khung xương chậu bị lệch.

Theo Ths. Tùng, cong vẹo cột sống không phải là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm, không gây tác hại nghiêm trọng ở thời điểm hiện tại cho học sinh, nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của cả một thế hệ tương lai.

Cảnh báo nguy cơ học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống - 2

Cong vẹo cột sống ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của trẻ khi trưởng thành.

“Cong vẹo cột sống sẽ làm mất đi vẻ đẹp về hình thể, ảnh hưởng đến tâm lý học sinh, hạn chế khả năng hòa nhập cộng đồng. Nếu không được phát hiện và có biện pháp can thiệp kịp thời, cong vẹo cột sống có thể tiến triển nặng, gây biến dạng lồng ngực và khung chậu ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan trong cơ thể và khả năng mang thai cũng như sinh đẻ của phụ nữ khi trường thành”, BS Tùng cảnh báo.

Để phòng chống căn bệnh cong vẹo cột sống ở lứa tuổi học đường, BS Tùng khuyến cáo, khi ngồi học tư thế phải thoải mái, hai bàn chân phải được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn. Các góc giữa đùi với cẳng chân và góc giữa cẳng chân với bàn chân là 90 độ, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn …

Cảnh báo nguy cơ học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống - 3

Một tư thế ngồi học đúng (Ảnh: Sức khỏe & Đời sống)

Để tư thế ngồi thoải mái nhất cho học sinh thì chiều cao của ghế không được cao hơn chiều cao từ sàn đến khoeo, chiều rộng ghế cũng phải tương ứng với chiều rộng của mông…

Ngoài những tiêu chí trên, các bậc phụ huynh cũng cần phải lưu ý cho con ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý, không mang vác nặng trên một bàn tay, sử dụng cặp sách 2 quai, không đi dép quá cao…

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự