Không phải tất cả mọi trường hợp từ Hà Nội, TP.HCM và từ những vùng đang có dịch về Thanh Hóa đón Tết đều phải cách ly tập trung.
* Tiếp tục cập nhật
Nhiều người dân từ các địa phương đang có dịch mong muốn về quê đón Tết cùng với gia đình, người thân ở Thanh Hóa. Tuy vậy, một số người lúng túng không rõ trường hợp của mình có bị cách ly hay không, khai báo với cơ quan địa phương ra sao?...
Để trả lời thắc mắc của bạn đọc, PV Báo Pháp Luật TP. HCM đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thanh Hoá về vấn đề này.
Tiến sĩ Trương cho biết, Thanh Hóa chỉ tổ chức cách ly tập trung với các trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19 là F1, các trường hợp liên quan đến các mốc dịch tễ và các trường hợp có tiền sử đến, ở, về từ các ổ dịch đang hoạt động tại Việt Nam do Bộ Y tế đã công bố.
Tiến sĩ Trương khẳng định: “Không có chuyện tất cả những người về từ Hà Nội, TP. HCM hay một số địa phương khác phải cách ly tập trung, mà chỉ cách ly tập trung đối với các trường hợp mà chúng tôi đã nêu.
Ngoài ra, đối với các trường hợp là F2 (tiếp xúc gần với F1) tổ chức lấy xét nghiệm hoặc đang đợi xét thì cách ly tại nhà theo quy định.
Tiến sĩ Lương Ngọc Trương, Giám đốc CDC Thanh Hóa trao đổi với PLO.VN. Ảnh: ĐẶNG TRUNG
Đối với trường hợp trở về từ các địa phương có ghi nhận ca bệnh nhưng không thuộc các trường hợp phải cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi lưu trú thì áp dụng các biện pháp giám sát y tế, theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định.
Từ đây, mỗi người dân nắm rõ hơn để có thể về quê đón Tết an toàn, đồng thời phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, đảm bảo không để dịch xâm nhập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa".
Tiến sĩ Lương Ngọc Trương đề nghị mỗi người thực hiện tốt các quy định của Bộ Y tế về thông điệp 5K: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế” của Bộ Y tế. Đối với người trở về từ các vùng dịch cần khai báo trung thực và kịp thời để cơ quan y tế có cơ sở phân tích, theo dõi, có biện pháp can thiệp phù hợp.
Bộ Y tế thông tin về kết quả xét nghiệm COVID-19 của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội
Theo thông tin 05/02/2021 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên thông báo có 06 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, sau đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên đã gửi các mẫu bệnh phẩm của 06 bệnh nhân đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để xác nhận lại.
Đến 13h ngày 05/02/2021, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thông báo trong 06 mẫu bệnh phẩm được gửi từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Điện Biên thì có 03 mẫu dương tính với SARS-CoV-2 (đã được Bộ Y tế thông báo vào lúc 18h ngày 05/02/2021) và 03 mẫu còn lại âm tính với SARS-CoV-2, trong đó có mẫu bệnh phẩm của 02 bệnh nhân học tại Đại học sư phạm Hà Nội (số 136 Xuân Thủy, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) và trường Trung học Phổ thông Trí Đức (ngõ 63 Lê Đức Thọ, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Trước đó, ngay sau nhận được thông tin về một sinh viên mắc COVID-19, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã truy vết người tiếp xúc. Trường hợp này là sinh viên P.N.Q.C vốn ở trong ký túc xá của trường. Tuy nhiên, thông tin cho đến thời điểm này là sinh viên này rời ký túc xá đến ở nhà người thân bên ngoài từ 10 ngày nay. Sau đó, em đã quay về ký túc xá để lấy đồ.
Khi nào đại dịch COVID-19 mới kết thúc trên toàn thế giới?
Mô hình tính toán của Bloomberg cho hay, với tốc độ tiêm vắc xin hiện tại, phải mất ít nhất 7 năm nữa, nhân loại mới chấm dứt “cơn ác mộng” Covid-19.
Tốc độ tiêm vắc xin là tiêu chí quan trọng nhất để trả lời cho câu hỏi khi nào thì dịch Covid-19 mới chấm dứt.
Hơn một năm lây lan khắp thế giới, dịch bệnh này đã lây nhiễm cho hơn 105 triệu người và khiến hơn 2 triệu người tử vong.
Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, phải mất 7 năm nữa, thế giới mới thoát khỏi dịch Covid-19, theo Bloomberg (ảnh: Reuters)
Anthony Fauci – cố vấn y tế cao cấp của chính phủ Mỹ – cho rằng, để đạt được miễn dịch cộng đồng, mỗi quốc gia phải có 70% - 85% tổng dân số được tiêm vắc xin Covid-19.
Theo Bloomberg, một số quốc gia đang “nhanh chân” hơn những nước khác trong cuộc đua tiêm chủng.
Israel là quốc gia có số lượng liều vắc xin được tiêm trên đầu người lớn nhất thế giới. Tiếp sau đó là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia và Đức.
Dự kiến, chỉ trong vòng 2 tháng nữa, Israel sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm ngừa vắc xin Covid-19 cho 75% dân số. Mỹ dự kiến hoàn thành mục tiêu tiêm chủng trước năm 2022.
Theo Bloomberg, do các nước giàu có phương Tây vung tiền mua gom vắc xin Covid-19, việc triển khai vắc xin toàn cầu đang bị chậm lại. Vì vậy, phải mất tới ít nhất 7 năm nữa, 75% dân số toàn cầu mới được tiêm vắc xin Covid-19 và chấm dứt đại dịch.
Tuy nhiên, tính toán của Bloomberg chỉ dựa trên dữ liệu về tốc độ tiêm chủng hiện tại.
Theo tờ báo Mỹ, nếu các quốc gia nỗ lực tăng tốc tiêm ngừa Covid-19, phát triển vắc xin và biết chia sẻ vắc xin một cách hợp lý hơn, thời gian để nhân loại trở lại cuộc sống bình thường sẽ rút ngắn.
Theo các chuyên gia, tốc độ tiêm chủng của thế giới sẽ tăng dần trong thời gian tới khi lượng vắc xin được sản xuất nhiều hơn.
Khi Ấn Độ, Brazil – hai nhà sản xuất vắc xin Covid-19 hàng đầu thế giới – thoát khỏi dịch bệnh, lượng vắc xin Covid-19 toàn cầu sẽ tăng lên nhanh chóng.
Hãng dược Johnson & Johnson của Mỹ đang thử nghiệm loại vắc xin Covid-19 một mũi thay vì 2 mũi như hiện tại. Nếu loại vắc xin mới này chứng minh hiệu quả và được cấp phép, tốc độ tiêm chủng của thế giới sẽ cải thiện.
(Theo Dân Việt)
Bị phạt 5 triệu đồng vì tung tin "Toang quả tay vịn"
Công an tỉnh Yên Bái vừa xử phạt 5 triệu đồng đối với Đinh Thị H. (trú tại thị xã Nghĩa Lộ) về hành vi thông tin sai sự thật liên quan đến tình hình dịch COVID-19 trên mạng xã hội Facebook.
Trước đó, ngày 28/1, Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Yên Bái phát hiện trên mạng xã hội Facebook, tài khoản mang tên Đinh Thị H. đăng tải dòng trạng thái (status) liên quan đến dịch COVID-19 với nội dung: "Toang quả tay vịn" kèm theo hình ảnh chụp lịch trình di chuyển của bệnh nhân tên Phạm Anh Tuấn mắc COVID-19 có hộ khẩu thường trú địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Những thông tin đăng tải trên đã thu hút nhiều người xem, chia sẻ gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân.
Cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Yên Bái làm việc với Đinh Thị H.
Phòng An ninh chính trị nội bộ xác định chủ tài khoản Facebook trên là Đinh Thị H., trú tại thị xã Nghĩa Lộ và tiến hành triệu tập. Cơ quan Công an giải thích thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không có bệnh nhân nào bị nhiễm COVID-19 có tên như trên, hình ảnh lịch trình di chuyển của bệnh nhân Phạm Anh Tuấn đăng tải trên trang Facebook cá nhân Đinh Thị H. là thông tin giả mạo, sai sự thật. Đinh Thị H. đã thừa nhận sai phạm, tự giác gỡ bỏ thông tin và hình ảnh, đồng thời cam kết không tái phạm.
Căn cứ quy định của pháp luật, Công an tỉnh Yên Bái đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính Đinh Thị H. số tiền 5 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.
Qua vụ việc, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nhận thức rõ về hành vi lợi dụng các diễn đàn, trang mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết sai sự thật, chưa được kiểm chứng là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến các quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức mà pháp luật bảo vệ.
Hải Phòng kiểm soát tất cả người ra, vào thành phố từ 12 giờ ngày 6/2
Chiều 5-2, làm việc với các địa phương giáp ranh tỉnh Hải Dương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu, kể từ 12 giờ ngày 6-2, Hải Phòng sẽ kiểm soát tất cả các công dân ra và vào thành phố.
Theo đó, công dân ra vào Hải Phòng phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã, phường, thị trấn tại nơi đi, đến, trong đó nêu rõ lý do, lịch trình ra, vào và phải đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định. Lực lượng công an, quân sự sẽ được bố trí thêm tại các chốt để triển khai nhiệm vụ này. Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện việc cấp giấy xác nhận đối với các trường hợp nêu trên và chịu trách nhiệm về việc xác nhận.
Khai báo y tế tại chân cầu Bạch Đằng thuộc cao tốc Hải Phòng - Hạ Long
Các công dân về địa bàn sau 12 giờ ngày 6-2 mà không có giấy xác nhận của UBND cấp xã nơi đi và các công dân đến từ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, các vùng có dịch tại các tỉnh, thành phố khác ở trên địa bàn sẽ phải cách ly tại các khu tập trung của Hải Phòng.
Ngoài 8 chốt kiểm soát dịch Covid-19 cấp thành phố đang thực thi nhiệm vụ, Hải Phòng mở thêm chốt kiểm soát dịch tại chân Cầu Nghìn - khu vực kết nối Hải Phòng - Thái Bình.
UBND các quận, huyện phối hợp chặt chẽ với các chốt kiểm soát, bố trí đầy đủ, kịp thời trang thiết bị và cơ sở vật chất, đảm bảo cho các chốt kiểm soát hoạt động hiệu quả cao nhất. Đối với các tổ kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 ở thôn, tổ dân phố, ngoài việc truy vết, cần tập trung rà soát công dân mới về địa bàn.