Dịch COVID-19 bùng phát trong cộng đồng vào thời điểm cuối năm đã ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là các tiểu thương.
Giá vé máy bay Tết giảm không phanh, chỉ còn vài trăm nghìn đồng
Trên website bán vé chính thức của Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways cho thấy, với chặng bay nhộn nhịp nhất là TP.HCM - Hà Nội, lượng vé còn khá dồi dào. Giá vé các hãng đưa ra đang ở mức thấp kỷ lục, thậm chí cao điểm bay Tết nhưng lại chưa đến 1 triệu đồng/người/lượt đã bao gồm thuế phí.
Đơn cử, chặng TP.HCM - Hà Nội, nếu bay sớm vào hôm nay 4/2, tức 23 tháng Chạp, giá vé khởi điểm đã gồm thuế phí của Vietnam Airlines chỉ chưa đến 900.000 đồng người/lượt. Riêng nhiều người lao động bắt đầu nghỉ Tết từ 29 tháng Chạp, thì giá vé bay 29 tháng Chạp chỉ 1,25 triệu đồng/người/lượt đã gồm thuế phí. Chiều về ngày 16/2, tức mùng 5 Tết, giá vé chỉ từ 1,58 triệu đồng/người/lượt đã gồm thuế phí.
Giá vé bay Tết Tân Sửu của Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways giảm không phanh, chỉ còn vài trăm nghìn đồng.
Như vậy, giá vé khứ hồi cao điểm Tết chặng TP.HCM - Hà Nội của Vietnam Airlines chỉ 2,83 triệu đồng. Cũng đường bay này, trước Tết Dương lịch, Vietnam Airlines bán khoảng 7 triệu đồng khứ hồi, giữa tháng 1, giảm còn 5,8 triệu và hiện ở mức thấp kỷ lục chưa đến 3 triệu đồng.
"Tân binh" Vietravel Airlines cũng giảm giá sốc, cách đây 10 ngày, khứ hồi đường bay vàng TP.HCM - Hà Nội là 5 triệu đồng nhưng nay chỉ còn 1,5 triệu/người đã gồm thuế phí. Cụ thể, chiều đi 29 Tết còn 1 triệu đồng/người/lượt; chiều về mùng 5 Tết siêu rẻ chỉ 566.000 đồng.
(Theo Dân Việt)
Thủ phủ hoa cây cảnh lớn nhất miền Bắc vắng lặng đến khó tin
Những năm trước, cứ khoảng 2 tháng cuối năm âm lịch, con đường làng ngày nào cũng đông như trẩy hội, người – xe tấp nập, thậm chí những ngày cận tết, đường làng thường xuyên tắc đường cả cây số vì lượng xe tải, xe gia đình đổ về mua hàng tăng đột biến.
Cây lớn, cây nhỏ vẫn còn kín khu vườn
Vườn quất thế của gia đình chị V.
Ngồi trông vườn quất, chị Phạm Thị V. cho biết, tết đến nơi nhưng hàng vẫn ngập vườn. “Dịch được kiểm soát trong thời gian dài, nhiều hộ yên tâm và phấn khởi nhập hàng về để bán dịp tết, nào ngờ dịch ập đến nhanh quá. Đa số hàng chúng tôi phải đặt từ trước đó vài tháng, nên dù có dịch thì hàng vẫn về đúng hẹn. Giờ đành bán lỗ, mong sao gỡ được đồng nào đỡ đồng đó”, chị V. nói
Cách đó không xa, vườn cúc mâm xôi, dạ yến thảo của gia đình anh T. cũng trong trong cảnh “ngủ đông”. Theo các hộ kinh doanh tại địa phương, khoảng chục ngày nay liên tiếp ngày nào họ cũng nhận điện thoại báo hủy đơn đặt hàng từ khách của các tỉnh lân cận.
Được biết, chỉ khoảng 20 ngày trước cũng tại con đường làng này, đoàn xe tải lớn nhỏ nối đuôi nhau xếp hàng dài từ sáng tới tối muộn. Xe giao nhận hàng rồi chuyển đi khắp mọi miền tổ quốc để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu.
(Theo Dân Việt)
TP.HCM: Chợ Tết vắng đến mức không có khách để mời
Tại TP.HCM, 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về Trời, được xem là thời điểm bắt đầu những ngày mua sắm Tết tấp nập, kéo dài đến 29-30 Tết. Thế nhưng, hôm qua, nhiều tiểu thương đã buồn so, ngay cả đồ cúng ông Táo cũng ế ẩm, báo hiệu một mùa Tết không thể buồn hơn.
Bà Hương, tiểu thương chuyên bán bánh mứt tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) cho biết cứ tưởng ngày đưa ông Táo về trời, nhà nào cũng đi mua đồ cúng, hoa, trái cây thì sạp của bà cũng sẽ vớt vát được chút đỉnh khách mua bánh mứt về ăn Tết. Ngồi ngóng tới chiều, bà bán chỉ được vài kg, nán thêm chút nữa cũng không thấy ai.
Nhiều sạp mứt tại chợ Bà Chiểu đã đầy ắp các loại mứt tết, từ mứt dừa, gừng, me, bưởi, hồng… và kẹo các loại nhưng cũng tương tự bà Hương, ế ẩm chưa từng thấy dù còn đúng 1 tuần nữa là 30 Tết. Các tiểu thương cho hay các năm trước, bánh mứt Tết hàng năm lấy hàng trăm kg mỗi sạp nhưng năm chỉ mới lấy một đợt mà mãi vẫn chưa bán hết.
Bên ngoài chợ Bà Chiểu, việc mua bán cận Tết cũng rất chậm. Ảnh: Hồng Phúc.
Tương tự, bà Lan, tiểu thương gần 20 năm bán thực phẩm khô, bánh kẹo tại chợ phường 11, quận Tân Bình cũng cho biết đây là năm đầu tiên chị không dám lấy hàng Tết, mà có bao nhiêu bán bấy nhiêu rồi mới tính tiếp. Khái niệm "dội chợ" lần đầu tiên chị nghĩ đến, bởi thực phẩm thì gia đình nào cũng cần trong ba ngày Tết, nhưng năm nay sức mua giảm đi thấy rõ.
Chủ sạp Thanh Thảo cho biết hàng năm, những ngày này, chị bán đến tận hơn 12 khuya, khách còn là cứ bán, thuê thêm 2-3 người làm phụ nhưng không xuể. Nhưng năm nay, Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập người dân, quần áo không bán được.
Tết đến, chị Thảo hy vọng một chút nhưng người dân cũng không có nhu cầu sắm đồ mới nên ế ẩm. "Có hôm, tôi không bán được cái áo, cái quần nào luôn. Các sạp khác cũng như vậy, tình hình chung năm nay rồi, thôi được đồng nào hay đồng nấy", chị Thảo thở dài.
(Theo Người Đưa Tin)
Quần áo xả lỗ ăn Tết sớm, khách vẫn làm “ngơ”
“Dù giá đã giảm một nửa, quần áo trong kho của tôi vẫn chất đống, khách chẳng ai mua”, đó là chia sẻ của chị Phạm Diệu Thu – một chủ cửa hàng bán quần áo ở Thanh Hóa. Gần 10 năm kinh doanh quần áo, chị Thu cho biết đây là năm đầu tiên gặp phải cảnh ế ẩm đến mức này.
Những năm trước, cận Tết là thời điểm hàng bán rất chạy, chị không có thời gian nghỉ ngơi vì cả ngày ngồi chốt đơn, đóng hàng và tư vấn cho khách đến mua tại cửa hàng. Nhưng năm nay hoàn toàn ngược lại, mọi người thắt chặt chi tiêu hơn, chỉ mua những thứ gì thật sự cần thiết nên thời trang ế ẩm chưa từng có.
“Tôi đổ tiền vào chạy quảng cáo trên các kênh online đều không ăn thua. Đơn hàng ra ít mà gặp toàn khách khó tính. Các mặt hàng của tôi bán đều giảm giá đến mức không còn lãi mà họ còn trả giá thấp hơn nữa”, chị giãi bày.
Nói về doanh thu năm 2020, chị Diệu Thu tiết lộ mọi năm chị thu lãi khoảng nửa tỷ đồng nhưng năm nay làm cả năm quần quật vẫn lỗ, tính ra lỗ đến cả trăm triệu đồng.
Dù gần Tết, kho hàng của chị Thu vẫn chất đống, khách mua rất thưa thớt.
Lý giải về mặt hàng thời trang năm nay rơi vào tình trạng ế ẩm, giám đốc một công ty thời trang nhận định đây là mặt hàng được coi là không thiết yếu trong cuộc sống. Khi dịch bệnh bùng phát, thu nhập giảm sút, công việc bấp bênh… khách hàng sẽ lập tức cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng này đầu tiên.
Mặt khác, Covid khiến người dân phải làm việc ở nhà nhiều, hạn chế ra đường gặp gỡ mọi người và không đi du lịch, chơi bời… Vì thế, nhu cầu mua sắm quần áo cũng giảm sút đáng kể, doanh thu các cửa hàng thời trang giảm là điều không thể tránh khỏi.
(Theo Dân Việt)
Quán nhậu đóng cửa, cho nhân viên về quê sớm
Đợi tái bùng phát dịch COVID-19 diễn ra ngay trước thời điểm cận kề Tết nguyên đán Tân Sửu 2021 đã khiến nhiều nhà hàng, quán ăn rơi vào cảnh vắng vẻ, thậm chí có lúc không có một bóng khách hàng.
Theo ghi nhận của PV, khung giờ "vàng" từ 16h30 trở đi vốn dĩ luôn là thời điểm các quán nhậu đông kín chỗ. Tuy nhiên, giữa mùa dịch COVID-19, khung cảnh thưa thớt, vắng khách là tình trạng chung của các quán nhậu trên đường Đào Tấn (quận Ba Đình), Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy).
Một chủ quán nhậu trên đường Nguyễn Văn Huyên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết từ khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lượng khách đến quán giảm thấy rõ. Lý giải thêm, người này cho biết có do người dân đã cảnh giác hơn, hạn chế các buổi tiếp xúc, liên hoan tiệc tùng quá đông người.
Cá biệt, có những chủ nhà hàng đã quyết định đóng cửa nghỉ Tết sớm, chấp nhận "cắt lỗ". Chị Hà, chủ nhà hàng "Hải sản Anh Vũ" (đường Nguyễn Văn Huyên) đã dọn dẹp bàn ghế và cho nhân viên nghỉ sớm. "Nếu tiếp tục hoạt động, không biết khách hàng của mình ai là F1, F2. Cho nên chúng tôi phải đóng cửa mặc dù doanh thu bị thất thoát nhiều nhưng cũng phải chấp nhận. Đây là đại dịch, đòi hỏi người dân cả nước phòng chống chứ không riêng gì chúng tôi", chị Hà cho biết.
Cũng theo chị Hà, đóng cửa quán ngay trước Tết Nguyên đán là điều không ai mong muốn. "Rất may nhà hàng chúng tôi không nhập quá nhiều hàng dữ trự, nhờ đó giảm thiểu được phần nào thiệt hại. Mấy hôm nữa có lẽ nhà tôi sẽ về quê ăn Tết", chủ quán nhậu nói thêm.
(Theo Đời sống & Pháp luật)