Còn khoảng 5 tiếng nữa là bước sang năm Tân Sửu 2021, hiện các địa phương trên cả nước đang nhộn nhịp đón giao thừa với muôn sắc màu.
Clip: Không khí đón Tết bên trong chung cư bị phong toả
Hơn 300 hộ dân chung cư Felix Homes (phường 6, quận Gò Vấp, TP HCM) đang chuẩn bị đón giao thừa trong trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt bởi bị phong toả do liên quan dịch Covid-19.
Mọi hoạt động bên trong chung cư đều tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 do UBND phường 6 điều hành. Tuy vậy, không khí Tết nơi đây vẫn rộn ràng.
Bên ngoài chung cư, lực lượng công an, dân quân và y tế túc trục 24/24 để đảm bảo "ngoại bất nhập, nội bất xuất".
Xe rác y tế chuyên dụng đảm nhận việc thu gom rác của cả chung cư trong thời điểm này.
UBND phường 6 tiếp thêm rau xanh, mì và gạo cho những hộ dân khó khăn nhằm không để ai thiếu thốn trong những ngày Tết.
Để không khí xuân tràn ngập trong tình trạng bị phong toả, Ban Quản trị chung cư vẫn bố trí mai vàng, hoa đào góp thêm sắc xuân cho chung cư.
Nhiều người dân đã chụp hình cùng khu vực sảnh trang trí để gửi cho người thân, bạn bè trong tinh thần lạc quan.
Bên trong các căn hộ, người dân bắt đầu trang trí với hoa, quả chuẩn bị đón giao thừa.
Những mâm ngũ quả truyền thống được người dân chuẩn bị từ rất sớm tạo không khí ấm cúng những ngày Tết dù bị phong toả.
Tất cả đã sẵn sàng chờ giây phút giao thừa.
Cư dân treo cờ Tổ quốc để tô thắm những ngày xuân.
Thông tin mới nhất từ UBND phường 6, quận Gò Vấp, toàn bộ cư dân được lấy mẫu xét nghiệm đã cho kết quả âm tính lần 1.
Hàng hoá dồi dào, không có tình trạng tăng giá ngày 30 Tết
Bộ Công Thương vừa có báo cáo tình hình cung - cầu, giá cả thị trường ngày 30 Tết ( tức 11-2 dương lịch). Theo đó, đến ngày 30 Tết, sức mua giảm dần tại các chợ truyền thống, người dân hầu hết chỉ tập trung mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh và hoa, quả do các mặt hàng khác như đồ khô, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát…đã được mua sắm từ những ngày trước. Người dân mua sắm hàng hoá tại chợ, siêu thị tập trung đông vào buổi sáng 30 Tết.
Theo Bộ Công Thương, các địa điểm bán hàng, cửa hàng tiện lợi vẫn mở đến chiều ngày 30 Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân. Cụ thể, hệ thống siêu thị Aeon mở cửa từ 8 giờ sáng đến 20 giờ và mở lại từ 12 giờ đến 22 giờ ngày mùng 1 Tết, Saigon Co.opmart mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa 30 Tết và mở lại từ mùng 2 Tết, hệ thống siêu thị VinMart mở cửa đến 12 giờ ngày 30 Tết, hệ thống siêu thị Big C mở cửa đến 14 giờ ngày 30 Tết, hệ thống Hapro và một số cửa hàng tiện lợi mở muộn tới tối ngày 30 Tết.
"Đến thời điểm hiện nay, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý đối với hầu hết các mặt hàng phục vụ Tết"- Bộ Công Thương nêu rõ.
Người dân mua sắm Tết tại một khu chợ truyền thống ở Hà Tĩnh, hầu hết đều đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19
Về giá cả, đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống, Bộ Công Thương cho biết thị trường vẫn sôi động trong ngày 30 Tết mặc dù nhu cầu mua sắm có giảm so với ngày 29 Tết. Giá hầu hết các mặt hàng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ so với ngày 29 Tết.
Mặt hàng thị heo có giá ổn định so với ngày 29 Tết, phổ biến ở mức: Mông sấn 130.000-150.000 đồng/kg (miền Bắc), 130.000-140.000 đồng/kg (miền Nam), giá thịt lợn thăn 140.000-160.000 đồng/kg.
Rau, củ, trái cây có nguồn cung khá dồi dào, đa dạng nên giá các loại rau, củ ổn định so với những ngày trước. Các mặt hàng hoa, cây cảnh sức mua có xu hướng giảm dần (khoảng 10-15%) so với ngày 29 Tết vì phần lớn người tiêu dùng đã mua trước đó.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong các ngày Tết từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 2 Tết người dân chủ yếu vui xuân, chơi Tết hoặc hạn chế ra đường do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường hàng hóa chưa sôi động lại.
Đồng thời, trong các ngày đầu năm mới, nhiều cơ sở kinh doanh nghỉ Tết và phần lớn người tiêu dùng đã mua hàng dự trữ từ những ngày trước đó nên dự báo hàng hóa không có biến động bất thường.
Nhà vườn dọn dẹp cây kiểng, trả mặt bằng về nhà đón Tết
Chiều 11-2 (tức 30 tết), cũng là ngày cuối cùng các tiểu thương dọn dẹp cây kiểng, trả lại mặt bằng. Những cây mai lớn nhanh chóng được xe vận chuyển, bốc xếp về trước.
Mặt bằng ở công viên được trả lại sạch sẽ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Tại công viên Gia Định, đoạn giao giữa đường Đặng Văn Sâm và Hoàng Minh Giám mới ngày hôm qua còn tấp nập người bán, la liệt nào mai, đào, quất, vạn thọ...nay đã được dọn dẹp sạch sẽ.
Trong lúc chờ xe tới chở cây về, nhiều nhà vườn, tiểu thương tranh thủ dọn xuống lề đường bán thêm chút xíu. Chủ vườn đến từ nhiều nơi, có người ngay Thủ Đức, quận 9, quận 2 (TP.HCM), cũng có người tít ở Phú Yên mang cây kiểng vào TP.HCM bán.
"Hôm qua tôi đọc báo thấy UBND TP.HCM kêu gọi người dân thành phố mua hoa. Mua hay không là quyền của người dân nhưng khi đọc thấy thông tin vậy, chúng tôi cũng thấy được chia sẻ.
Năm nay, mọi người đều khó khăn. Dịch COVID-19, bão lũ...trước đó, vườn cây của chúng tôi đã bị hư hỏng nặng. Nay vào đây, ban đầu nghĩ không sao, ai dè cận Tết bùng dịch. Về giờ chưa chắc đã được về nhà, nhưng cứ về thôi. Tết đến rồi!"- một tiểu thương cho biết.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận tại chợ hoa xuân chiều nay (11-2):
Vợ chồng ông Đặng Lê Minh đi mua cây kiểng chiều 30 Tết. Do bận việc nên hôm nay hai vợ chồng ông mới đi được. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Về nhà thôi, Tết đến rồi. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Hai chậu hoa tươi trước một cửa tiệm trên đường Út Tịch, quận Tân Bình. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Tại công viên Gia Định chiều 30 tết. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Tiểu thương thu xếp đồ về nhà đón Tết, một số nhà vườn này đã bán gần hết. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Các nhà vườn, tiểu thương dọn dẹp trả lại mặt bằng cho người dân vui xuân, đón Tết. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Đa phần, người mua kẻ bán hôm nay rất mau lẹ. Ảnh: NGUYỄN TRÀ.
Mất nhà do sạt lở, dân bản ở Quảng Bình đón Tết trong lán tạm
Để được hòa chung không khí chuẩn bị đón Tết tại Bản Sắt xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), đoàn của chúng tôi rời TP. Đồng Hới (Quảng Bình) từ sáng sớm.
Vượt hơn 50 km đường khúc khuỷu, một bên là sườn núi có những đoạn còn nham nhở những "vết thương" do sạt lở trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, bên kia là bờ vực, đoàn chúng tôi mới tới được địa phận xã Trường Sơn.
Những cơn mưa rừng khiến đường vào bản càng thêm lầy lội, khó đi.
Được một số chiến sĩ biên phòng dẫn đường, chúng tôi tiếp tục hành trình. Đường lên xã Trường Sơn đã khó khăn thì đoạn vào Bản Sắt càng khó khăn hơn bội phần. Chặng đường tuy không dài nhưng phần lớn là những đoạn dốc đứng với nhiều khúc cua tay áo. Mặt đường là đất rừng cộng với những cơn mưa rừng bất chợt khiến đường trơn trượt. Tuy có điều khiển của "tay lái lụa" nhưng chiếc xe của đoàn cũng không thoát cảnh mắc kẹt giữa vũng bùn, chặng đường còn lại chúng tôi đành cuốc bộ.
Vào tới bản, thở những hơi dài, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một vùng đất lớn chi chít những lán tạm phủ bằng bạt. Phía xa là những căn nhà sàn nằm dưới chân núi nham nhở do sạt lở, một số đoạn đã biến dạng có nguy cơ đổ ập cơ man đất xuống nhà dân.
Những đứa trẻ cùng bố mẹ sống nơi lán tạm với nhiều thiếu thốn.
Lý do cho điều này là, trong đợt lũ tháng 10/2020 toàn Bản Sắt ngập trong nước lũ. Khi lũ rút, người dân phải đối mặt với nguy cơ sạt lở đất nghiêm trọng nên chính quyền địa phương buộc phải di dời 34 hộ dân thuộc Bản Sắt ra khu vực đất trống nằm gần bản, dựng lán để bà con tránh trú tạm thời.
Cùng với việc đi dời tạm, huyện Quảng Ninh cũng đã quy hoạch khu vực tái định cư mới nhằm di dời toàn bộ người dân Bản Sắt ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo dự kiến, đến tháng 3/2021 khu tái định cư mới hoàn thiện.
Sau thiên tai, dân bản phải chịu cảnh có nhà nhưng chẳng thể về, tài sản tích góp bấy lâu phần lớn cũng đã trôi theo dòng nước lũ, cuộc sống vất vả càng thêm khốn khó.
Đồn Biên phòng Làng Mô và chính quyền xã Trường Sơn cũng đã cắt cử cán bộ vào bản ăn Tết cùng người dân Bản Sắt.
Vậy là Tết Nguyên đán Tân Sửu đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây phải đón Tết trong lán tạm, dựng giữa rừng. Mặc dù cuộc sống nơi lán tạm còn nhiều thiếu thốn, chật chội, nhưng không vì thế mà bà con dân bản để mất đi hương vị của ngày Tết cổ truyền. Gác lại những chuyện không may năm cũ, người dân nơi đây lại háo hức mong chờ một năm mới tốt đẹp hơn với cuộc sống đủ đầy.
"Tết năm nay vì phải ở lán tạm nên bà con ăn Tết đơn giản hơn, thế nhưng cũng phải có con lợn, con gà, bánh chưng. Dân bản chúng tôi chỉ về nhà thắp hương cho tổ tiên, rồi lại ra lán để đón Tết với nhau", anh Trần Văn Trường, một người dân tại Bản Sắt chia sẻ.
Các cán bộ chiến sỹ biên phòng cùng người dân quây quần bên nồi bánh chưng, hòa tiếng hát.
Không để bà con dân bản phải đón Tết thiếu thốn nơi lán tạm, Đồn Biên phòng Làng Mô và chính quyền xã Trường Sơn cũng đã cắt cử cán bộ vào bản ăn Tết cùng người dân Bản Sắt. Các cán bộ cùng chiến sỹ biên phòng sẽ cùng người dân quây quần gói bánh chưng, bên nhau trong ánh lửa, hòa tiếng hát.
"Với người dân bản sắt, chúng tôi cũng đã hỗ trợ, động viên bà con khắc phục những khó khăn trước mắt. Cố gắng làm sao để dân bản Sắt dù ở lán tạm nhưng vẫn có một cái Tết no đủ", đại tá Nguyễn Văn Huân - Đồn Trưởng Đồn biên phòng Làng Mô cho biết.
Anh Nguyễn Văn Muôn, Trưởng bản Sắt cho biết, với sự quan tâm của chính quyền, lực lượng BĐBP cũng như các nhà hảo tâm trong thời gian qua, bà con tại bản nghèo này đã được đã dần ổn định lại cuộc sống. Chuẩn bị đón một năm mới, người dân trong bản mong muốn trời cho mưa thuận, gió hòa để cuộc sống ngày càng yên ấm.