Dẫu nghèo túng là thế nhưng vợ chồng chị Là anh Lộc chưa bao giờ có ý định cho con để người khác nuôi.
Sinh nhiều con cứ ngỡ là chuyện của ngày xửa ngày xưa – ngày dân trí chưa được nâng cao. Nhưng hiện tại vẫn có những cặp vợ chồng đẻ nhiều, đến độ nghèo khó chẳng đủ ăn, con cái không được đến trường học tập. Điển hình như cặp đôi ở miền Tây dưới đây!
Chị Là (39 tuổi, quê Hậu Giang) sở hữu gương mặt già so với tuổi, làn da đen đúa cùng phong thái đúng chuẩn mẹ bỉm sữa. “Có lẽ vì sinh nhiều – chăm nhiều con mà tôi đứng tuổi hơn so với những người cùng tuổi.
Tôi chẳng mong bản thân trẻ ra, chỉ ước cuộc sống dễ thở hơn. Tôi cũng hi vọng các con có cái ăn cái mặc đủ đầy, được đến trường học con chữ như bao đứa trẻ khác”, người phụ nữ 8 con thành thật.
Sau đó chị Là bỗng bần thần một hồi lâu, như nhớ về quá khứ hàng chục năm về trước. Chị kể rằng hơn 20 tuổi rời quê lên Bà Rịa – Vũng Tàu làm thuê làm mướn, tình cờ gặp chàng trai hơn 1 tuổi gốc An Giang. Cả hai trở nên thân thiết, coi như bạn tâm giao rồi quyết định tìm hiểu nhau.
Một thời gian sau, chị Là và anh Lộc đã nên duyên vợ chồng trước sự chúc phúc của bạn bè cũng như họ hàng đôi bên. Họ lựa chọn Vũng Tàu làm nơi lập nghiệp, mơ về “ngôi nhà trước thềm biển và những đứa trẻ”.
Vợ chồng chị Là anh Lộc đang cố gắng vì các con.
“Tôi có bầu ngay sau đám cưới, hạ sinh một bé gái kháu khỉnh. Và trong 17 năm, tôi sinh đến tận 8 đứa con. Hiện tại con lớn 17 tuổi, tiếp đến 16 tuổi, 14 tuổi, 12 tuổi, 9 tuổi, 3 tuổi, 2 tuổi và 8 tháng tuổi.
Hẳn nhiều người tò mò vì sao tôi lại sinh nhiều con như thế? Sở dĩ vậy vì vợ chồng tôi có quan niệm cứ bầu là đẻ, lại không có bất cứ biện pháp tránh thai nào cả. Do đó cứ đẻ con được một thời gian, tôi lại có thai”, chị Là cho biết.
Hiện tại, 2 người con đầu của vợ chồng chị Là không ở cùng với gia đình. Bé đầu lòng ở cùng ông bà ngoại, còn bé thứ 2 ở với người cô dưới Vũng Tàu. Thi thoảng 2 bé lại được người thân đưa về Hậu Giang thăm cha mẹ và 6 đứa em.
“Ai cũng hỏi tôi con bé lớn đã trưởng thành, có thể đi làm phụ giúp cha mẹ nuôi nấng các em, vậy tại sao gửi về với ông bà? Thú thực con bé lớn xác nhưng đầu óc không nhanh nhẹn, cứ nhớ nhớ quên quên. Tôi dự định đưa con đi bệnh viện kiểm tra xem vì sao nhưng chưa có thời gian, cũng chẳng đủ tiền để đưa con lên Sài Gòn.
Còn bé thứ 2 ở cùng cô, được nuôi dưỡng và ăn học đàng hoàng. Tôi cũng dặn con học hành tử tế, sau này trở thành người có ích cho xã hội”, mẹ bỉm 8 con tâm sự.
Nhắc đến chuyện hai vợ chồng nuôi 6 đứa trẻ có cực hay không, anh Lộc cho hay, anh làm nghề bán vé số với thu nhập 150.000 đồng/ngày. Chị Là làm giúp việc theo giờ hoặc ai thuê gì làm nấy, kiếm được vài chục đến trăm nghìn mỗi ngày. “Số tiền đó, tôi nói vợ tiết kiệm một phần để lo chuyện các con ốm đau. Còn lại phải gom trả tiền trọ 1.000.000 đồng/tháng, tiền điện nước, nhu yếu phẩm.
Thi thoảng, vợ chồng tôi mới cho các con ăn thịt cá coi như đổi bữa. Ngày thường, chúng chỉ được ăn cơm cha nước tương hoặc canh rau gì đó. Tôi biết con ăn như vậy sẽ thiếu chất dinh dưỡng nhưng hoàn cảnh như vậy”, chị Là buồn rầu cho biết.
Dẫu nghèo túng là thế nhưng vợ chồng chị Là anh Lộc chưa bao giờ có ý định cho con để người khác nuôi. Chị bảo từng nhận được rất nhiều lời hứa nếu cho con, họ sẽ nuôi dưỡng đủ đầy, cuộc sống sung túc. Song cả hai đều từ chối vì nghèo khổ như thế nào cũng phải nuôi con, không đành lòng giao cho người ta nuôi nấng.
“Vợ chồng tôi giờ chỉ mong ông trời cho sức khỏe để có thể làm ăn, kiếm tiền nuôi 6 đứa nhỏ. Còn chuyện có sinh con nữa hay không, tôi xin quả quyết không bao giờ. Tôi đã quá thấu hiểu cảnh khổ cực khi đông con, đặc biệt khi nhìn con nheo nhóc mà quặn lòng lắm”, người đàn ông bộc bạch.