Cặp vợ chồng ở An Giang sinh 10 đứa con quyết định dừng đẻ vì cuộc sống quá cực khổ

NGỌC HÀ - Ngày 06/12/2023 06:50 AM (GMT+7)

Chị Đen sinh nở nhiều đồng nghĩa với việc mọi gánh nặng gia đình đều đổ dồn lên đôi vai của người chồng.

Đã từ lâu, chuyện sinh nhiều con ở địa phương vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn là điều mới mẻ. Nó trở thành thực tế khó thay đổi với những quan niệm hằn sâu thành nếp của một bộ phận người dân. Thậm chí họ biết gia đình nghèo, chẳng thể nuôi nổi đàn con thơ vẫn quyết đẻ tiếp vì cho rằng “trời sinh voi ắt có cỏ”.

Anh Tùng – chị Đen (37 tuổi) ở An Giang là một ví dụ điển hình. Họ sẵn sàng đẻ đến đứa con thứ 10 dù cuộc sống còn muôn vàn khó khăn: công việc không ổn định, cả nhà không có nổi một món đồ giá trị. “Vợ chồng tôi có suy nghĩ rất nông cạn, đó là càng nhiều con càng lắm của. Vì thế vợ bầu đến đâu là quyết định đẻ đến đó, cũng chẳng áp dụng biện pháp tránh thai nào cả”, người đàn ông trụ cột chia sẻ.

Chị Đen sinh nở nhiều đồng nghĩa với việc mọi gánh nặng gia đình đều đổ dồn lên đôi vai của người chồng. Anh Tùng làm đủ nghề để mưu sinh, từ bán vé số cho đến bán kem rong… nhưng vẫn chẳng thể lo nổi cho vợ con.

Gia đình của anh Tùng và chị Đen.

Gia đình của anh Tùng và chị Đen.

“Năm ngoái, vợ chồng tôi nuôi 9 đứa con mà đuối. Cả hai cũng động viên nhau “dừng cuộc chơi”, tập trung làm ăn để các con có cuộc sống đủ đầy, đến trường họ như bao đứa trẻ trong xóm. Nhưng người tính không bằng trời an bài, tôi nhỡ có bầu lần thứ 10.

Lúc này hai vợ chồng hoang mang không biết phải làm sao, phân vân giữa việc “giữ hay bỏ”. Tôi tính rằng nếu giữ con sẽ khiến gia đình vốn nghèo càng nghèo hơn, con sinh ra cũng chẳng được ăn sung mặc sướng.

Song tôi bỏ con sẽ mắc tội vì chúng làm gì gây ra lỗi lầm mà tước bỏ quyền sống. Cuối cùng chúng tôi quyết định giữ thai và tin rằng ông trời không chặn đường sống của ai”, chị Đen tâm sự.

Ngày bà mẹ 9 con vào viện “vượt cạn”, gia đình chẳng có nổi triệu đồng để chi trả viện phí. Anh Tùng phải chạy vạy vay mượn để có thể tạm ứng viện phí, đồng thời hi vọng vợ sinh nở thuận lợi, con chào đời bình an.

Khi đứa con thứ 10 cất tiếng khóc chào đời, anh Tùng như trút được nỗi lo và quyết sẽ không đẻ tiếp. Anh không muốn vợ vất vả thêm một lần nào nữa. Anh tâm sự: “Cô ấy sinh 10 lần hẳn sẽ cực và đau đớn đến nhường nào. Tôi nhìn cô ấy xanh xao, không có đồ ngon tẩm bổ mà bất lực.

Cặp vợ chồng ở An Giang sinh 10 đứa con quyết định dừng đẻ vì cuộc sống quá cực khổ - 2

Tôi nhắn nhủ vợ hãy yên tâm dưỡng sức, ở nhà chăm sóc các con. Tôi sẽ chăm chỉ đi làm lụng để vợ con được thưởng thức đồ ngon”.

Chị Đen thành thật cho biết vì lớn tuổi, lại sinh nở nhiều nên lần này sức khỏe suy kiệt hơn. Chị dù đã đẻ được 2 tháng nhưng cơ thể vẫn yếu ớt, chẳng thiết tha làm chuyện gì. “Tôi bị mất máu quá nhiều, ở cữ cũng không dám ăn ngon nên sức khỏe yếu lắm. Đợt này tôi cố gắng ăn nhiều nên đỡ được một chút.

Nhiều người nói tôi đừng quá tiết kiệm, cứ mua thịt mà tẩm bổ. Nhưng tôi đâu dám ăn ngon khi đàn con phải ăn cơm với nước tương, rau luộc. Giờ tôi mới thấm chuyện sinh nhiều con khổ cực ra sao”, chị Đen tâm sự.

Nhắc đến chuyện các con có được đến trường hay không, chị Đen cho biết hai vợ chồng sinh được 5 trai – 5 gái, trong đó có 4 đứa con phải đến trường học cái chữ. Họ cố gắng thu xếp tiền bạc để các con được khoác cặp đến lớp như bao bạn bè cùng trang lứa.

“Lũ trẻ hiểu chuyện lắm! Ngoài giờ đi học, chúng cũng tranh thủ đỡ vợ chồng tôi làm việc nhà hoặc ra đồng bắt con cua con cá cải thiện bữa ăn. Đám còn lại sẽ giúp mẹ trông em, dỗ dành em khóc hoặc cho bú sữa.

Nhìn các con như vậy, tôi mừng lắm! Chúng luôn biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau”, người phụ nữ 37 tuổi tâm sự.

Hiện tại “12 miệng ăn” của gia đình chị Đen sống dựa nghề mò cua bắt ốc của anh Tùng. Hằng ngày anh ra đồng ra sông mò ốc rồi trưa đem ra chợ bán lấy tiền. Sau đó anh mua gạo, gia vị, thêm ít thịt về cải thiện bữa ăn cho đàn con thơ.

“Vợ chồng tôi được mạnh thường quân giúp đỡ, cưu mang rất nhiều. Họ thi thoảng lại đến thăm nom, cho bao gạo hoặc tiền để trang trải cuộc sống. Tôi luôn trân quý tấm lòng của họ và mang ơn suốt đời này.

Tôi cũng muốn gửi gắm đến các cặp vợ chồng chớ sinh nhiều con, hãy có kế hoạch để con có một tương lai tốt đẹp hơn”, anh Tùng tâm sự.

Gia đình ở Hà Giang có 5 con trai: Vợ bỏ về ngoại, chồng một mình chăm sóc đàn con thơ
Nhắc đến chuyện làm bố đơn thân có vất vả hay không, Thò thành thật cho biết suốt thời gian qua anh không có thời gian nghỉ ngơi, luôn tay luôn chân...

Độc lạ Việt Nam

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sinh con