Nhắc đến chuyện làm bố đơn thân có vất vả hay không, Thò thành thật cho biết suốt thời gian qua anh không có thời gian nghỉ ngơi, luôn tay luôn chân chăm sóc các con.
Ở vùng núi cao Vị Xuyên (Hà Giang) có một gia đình nhỏ rất đặc biệt: 1 người bố trẻ và 5 con trai. Ngôi nhà ấy không có bóng dáng người vợ, người mẹ đã hơn 5 tháng nay. Người họ hàng của 6 bố con cho biết: “Thò chưa 30 tuổi, trai tráng và chăm chỉ làm ăn lắm. Vậy mà vợ nó lại quyết dứt áo bỏ mặc các con để về nhà ngoại.
Mình không biết hai vợ chồng có xích mích gì mà đến mức đó nhưng nghe nói vợ nó chê nghèo, lại đông con nên bỏ về đẻ. Mình chẳng hiểu nổi nữa vì con chung cả, chứ có phải con riêng đâu”.
Người đàn ông dân tộc H’mông thấy anh họ nói vậy liền vội giải thích: “Chúng mình không có cãi vã hay bất đồng gì cả. Mình cũng không hiểu vì sao vợ lại dứt áo bỏ mặc 5 đứa con về ngoại như vậy.
Mình có xuống dưới ngoại gặp vợ để trò chuyện, cùng gỡ bỏ khúc mắc. Sau đó mình khuyên vợ nên về nhà với 5 đứa con trai. Vợ từ chối và nói thẳng không chịu được cảnh sống trong nghèo túng. Mình ngậm ngùi đi về vì hiện tại chưa thể đáp ứng được yêu cầu của vợ”.
Thò và 5 đứa con trai ăn bữa cơm đạm bạc.
Thò về nhà nghĩ cách làm kinh tế bằng cách theo đám thanh niên trong bản xuống dưới xuôi làm thuê. Song anh nhìn đàn con nhỏ nheo nhóc lại không có mẹ mà chẳng đành lòng. Anh tự động viên bản thân đợi một thời gian nữa các con lớn hơn sẽ gửi người thân chăm sóc giùm, sau đó đi làm giàu cũng chưa muộn.
Thò tâm sự: “Vợ chồng mình cưới nhau từ hồi chưa 20 tuổi rồi sinh con trai đầu lòng – năm nay học lớp 7. Tiếp đó chúng mình cứ sinh thêm con vì thiếu hiểu biết, không biết cách phòng tránh thai. Hơn cả vợ bầu mình vẫn quyết để đẻ bởi con cái là lộc trời cho, “trời sinh voi ắt có cỏ”…
Ngờ đâu vợ sinh tận 5 lần, đều là con trai. Thằng út mới chập chững biết đi, còn nhỏ xíu xiu. Do đó mình không thể gửi con đi đâu để đi làm ăn xa được”.
Vợ bỏ về ngoại, Thò vừa thực hiện nghĩa vụ của một người cha vừa học cách làm mẹ để chăm sóc 5 đứa con trai. Hằng ngày, anh dậy từ sớm để chuẩn bị cái ăn cho 4 đứa đến trường đi học. Sau đó, anh chở các con xuống điểm trường cách nhà vài cây số, đường đèo khúc khuỷu.
Đến trưa Thò chở bé út đi cùng đón đứa con thứ 3 về nhà ăn cơm. Còn 3 đứa lớn học ở trường nội trú nên không phải lo ăn uống bữa trưa. Anh chia sẻ: “Người ta bảo mình nghèo mà cứ cố cho con đi học làm gì? Mình chỉ cười chứ không dám đáp vì đúng là nghèo thật.
Song mình nghĩ đời mình nghèo chỉ vì thất học, không được mở mang cái này cái kia. Vì thế mình sẽ cố gắng để các con được đến trường học con chữ cái số. Sau này chúng học hết cấp III, xuống thành phố xin làm công nhân cũng tốt hơn rất nhiều việc chôn chân ở vùng núi cao này”.
Sắp tới, Thò sẽ gửi con trai út xuống điểm trường mẫu giáo. Anh bảo đường xuống đó rất xa nhưng sẽ chịu khó đưa con đi để con được học hành từ nhỏ. Đặc biệt anh sẽ có thời gian để đi nương trồng ngô, làm cỏ vườn hoặc nuôi thêm con gà con lợn cải thiện cuộc sống.
Nhắc đến chuyện làm bố đơn thân có vất vả hay không, Thò thành thật cho biết suốt thời gian qua anh không có thời gian nghỉ ngơi, luôn tay luôn chân chăm sóc các con. Anh luôn đau đáu muốn vợ quay trở về bên 6 bố con. Khi ấy gia đình mới đỡ khổ, anh có thời gian đi làm thuê kiêm tiền nuôi các con ăn học.
“Các con cũng nói với mình rằng rất nhớ mẹ. Lần tới mình xuống nhà bố mẹ vợ sẽ chở các con đi cùng. Mình mong rằng khi gặp các con, vợ sẽ động lòng mà quay trở về ngôi nhà ấy. Mình hứa sẽ chăm chỉ làm lụng để vợ con có cuộc sống đủ đầy”, người đàn ông nói.