Do ảnh hưởng của bão số 10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế đang có mưa to, gió lớn. Miền Trung đang oằn mình chống bão số 10. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đang có mặt tại Quảng Trị kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão.
Từ 12 giờ trưa ngày 30/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, gió bắt đầu lớn kèm mưa to. Tại thành phố Đông Hà, lượng mưa nặng hạt tăng dần, gió mạnh giật từng cơn cấp 6 đến cấp 8. Tai huyện đảo Cồn Cỏ, gió mạnh từng cơn giật lên đến cấp 9, cấp 10.
Mưa ngày càng nặng hạt, sóng to, gió mạnh đã làm tốc mái 2 ngôi nhà, trụ sở UBND huyện đảo cũng bị gió to đập vỡ kính, hư hỏng. Ông Lê Quang Lanh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, cho biết, đến 8 giờ sáng nay, huyện đã hoàn tất việc di dời hơn 100 hộ dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn: “Có 10 hộ dân, 3 cơ quan và 8 doanh nghiệp ở những cốt nước biển thấp, trong những nhà tạm đã được sơ tán đến nhà cao tầng”. Địa bàn các huyện như Vĩnh Linh, Gio Linh gió mạnh cũng đã khiến mọi sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đoạn đường đã bị ngập do mưa lớn.
Mưa to, gió lớn tại tỉnh Quảng Trị
Cũng trong sáng nay, để ứng phó với bão số 10, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân đã chỉ đạo lữ đoàn 161 và lữ đoàn 172 chuẩn bị 5 tàu trực chiến làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và hướng dẫn tàu thuyền ngư dân vào vị trí tránh bão, chủ yếu là các huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị và các khu vực cửa biển Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng.
Ngoài ra, 2 tàu đầu kéo, 22 xuồng cao tốc, xuồng cao su cùng 200 cán bộ chiến sĩ với đầy đủ lương thực thuốc men sẵn sàng ứng cứu dân khi các tỉnh có yêu cầu.
Đến 9h sáng nay, tỉnh Quảng Trị đã sơ tán được hơn 2.000 hộ dân với trên 8.300 khẩu ở vùng ven sông, ven biển, vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét, lở núi đến nơi an toàn.
10 giờ sáng nay, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn cán bộ Trung ương đã có mặt tại Quảng Trị đôn đốc, kiểm tra mọi công tác ứng phó với cơn bảo số 10. Tỉnh Quảng Trị đã bố trí trực thăng ứng trực để cứu hộ cứu nạn.
Theo thông tin mới nhất, hiện toàn tỉnh Quảng Trị đã bị cúp điện. Thông tin liên lạc giữa đất liền với huyện đảo Cồn Cỏ đã bị cắt đứt.
Trưa nay, tại tỉnh Quảng Bình xuất hiện mưa lớn, các xã ven biển có gió giật cấp 7 cấp 8, đường phố Đồng Hới vắng người. Chợ Đồng Hới đã đóng cửa trước 10h sáng để các tiểu thương về tránh bão. Toàn tỉnh đã bị mất điện.
Tại Quảng Bình, nhiều cây xanh gãy đổ do bão số 10
Trong khi đó, các địa phương trong tỉnh vẫn tiếp tục di dời dân. Thống kê cho thấy, đến trưa nay các huyện của Quảng Bình đã di dời được hơn 10.000 dân. Các cơ sở buôn bán, kinh doanh đều đóng cửa chống bão. Các cơ sở giáo dục hoàn toàn nghỉ học. Đường phố, đường làng, liên thôn, liên huyện vắng tanh.
Tại các xã ven biển như: Bảo Ninh (Đồng Hới), Nhân Trạch (Bố Trạch), Quảng Phúc (Quảng Trạch), Hòn La (Quảng Trạch) sóng biển cao từ 10m, có nơi 20m, cá biệt có những cột sóng đập cao đến hơn 30m theo ước tính của một số ngư dân xã Nhân Trạch.
Tại nhiều xã ven biển ở Quảng Bình, nước biển dâng cao từ 10 đến 20m
Tại Thừa Thiên - Huế: Sáng nay (30/9), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cùng lãnh đạo tỉnh đến các vùng xung yếu, khu vực ven biển: Hương Trà, Phú Lộc, thủy điện Bình Điền, kiểm tra công tác phòng chống bão, trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão số 10.
Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn tất công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão, di dời dân vùng xung yếu đến nơi an toàn, gia cố các công trình đê biển, hồ chứa, người dân cũng được cảnh báo hạn chế đi lại. Các lực lượng phòng chống bão như: biên phòng, quân đội, công an ứng trực tại các điểm xung yếu, các điểm nguy hiểm.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra phòng công tác phòng chống lụt bão và sơ tán dân tại xóm Gành, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh TT - Huế
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tới các điểm sạt lở, biển xâm thực, các tuyến đê biển xung yếu trên địa bàn các huyện ven biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế, động viên chính quyền, bà con nhân dân sẵn sàng ứng phó với bão, đồng thời đề nghị bà con cảnh giác, lường trước các tình huống úng ngập hoặc bị chia cắt khi mưa bão.
Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý người dân chuẩn bị tốt các phương án 4 tại chỗ, nghiêm túc thực hiện các kế hoạch sơ tán của các lực lượng chuyên trách, tuyệt đối không được chủ quan ở lại lồng bè, tàu thuyền, đi qua các điểm nguy hiểm khi bão vào. Lực lượng công an, quân đội, biên phòng tăng cường lực lượng tham gia giúp dân trước trong và sau bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu tiếp tục tới Quảng Trị chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão.
Lực lượng Biên phòng sơ tán dân xóm Gành xã Hải Dương, thị xã Hương trà tỉnh Thừa Thiên Huế
Lực lượng biên phòng kè đá chống nước biển xâm thực tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh TT - Huế
5 giờ sáng ngày 30/9, tại biển xóm Gành, xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tá Nguyễn Văn Hiền - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh - không khí giúp dân của những người lính biên phòng diễn ra khẩn trương, quân và dân hoà mình trong mưa gió giằng chống nhà cửa, di dời tài sản bằng xe kéo, bồng bế em nhỏ, dìu các cụ già đưa đến vị trí an toàn. Không khí chạy đua với bão Wutip của quân và dân vùng ven biển diễn ra khẩn trương và rộng khắp, trải đều trên toàn tuyến.
Hiện toàn tỉnh đang có mưa to gió lớn, nhiều tuyến đường đã bị ngập sâu. Trung tâm thành phố Huế có nhiều cây xanh gãy đổ.
Cây xanh bật gốc do bão hoành hành tại trung tâm thành phố Huế
Tại Hà Tĩnh: Cơ quan chức năng cùng nhân dân địa phương đã di dời khẩn cấp 23.000 người về nơi trú an toàn để đối phó với bão số 10. Trước diễn biến phức tạp, mức độ tàn phá của cơn bão số 10 được dự đoán có thể hết sức ghê gớm. “Đến thời điểm này đã có khoảng hơn 50% số dân trong tổng toàn bộ người dân thuộc diện di dời đã được đưa về nơi cư trú an toàn. Hiện tại, công tác di dời vẫn gặp rất nhiều khó khăn, người dân cũng như lực lượng chức năng đang gắng hết sức hoàn thành việc di dời sớm theo chỉ đạo của UBND tỉnh”, ông Bùi Lê Bắc, Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh, cho biết. Trên địa bàn tỉnh cũng đang có giưa to, gió lớn.