Đường lên đỉnh Olympia đôi khi còn có thêm những câu hỏi mẹo, thoạt nghe hóc búa nhưng đáp án cực kỳ đơn giản.
Những thí sinh của Đường lên đỉnh Olympia không chỉ “tinh thông” mọi phương diện từ Toán học, Văn học, Lịch sử, Địa lý... khiến khán giả phải công nhận ai là người giành vòng nguyệt quế nhất định phải có sự am hiểu sâu rộng mọi lĩnh vực, khả năng ghi nhớ, tính toán nhanh chóng. Ngoài ra, Đường lên đỉnh Olympia đôi khi còn có thêm những câu hỏi mẹo, thoạt nghe hóc búa nhưng đáp án cực kỳ đơn giản khiến 4 nhà leo núi phải đau đầu "xoắn não".
Điển hình như bài Toán dưới đây đã làm rất nhiều người hoang mang vì "nhìn tưởng dễ", không ngờ lại vô cùng lắt léo. Cụ thể, trong phần thi của thí sinh Phan Nguyễn Hồng Lam (THPT Lê Lợi, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) trong cuộc thi tuần cuối cùng của "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 20 có câu hỏi như sau: Cứ 4 vỏ chai nước ngọt thì có thể đổi được 1 chai nước ngọt. Nếu bạn có 32 vỏ chai nước ngọt thì bạn có thể đổi được bao nhiêu chai nước ngọt?
Hồng Lam và cả 4 thí sinh đều không đưa ra được đáp án đúng.
Chắn hẳn khi đọc đến đây, với 2 dữ kiện rõ ràng là "cứ 4 vỏ chai thì đổi được 1 vỏ chai" và yêu cầu tìm số lượng chai nước ngọt đổi được khi có 32 chiếc vỏ thì nhiều người sẽ nghĩ rằng chỉ cần lấy 32 : 4 sẽ ra số lượng đổi được là 8. Tuy nhiên nếu rập khuôn công thức là xong như thế thì quá đơn giản, không đủ làm khó các thí sinh bởi lẽ ở toán học không chỉ cần tính toán mà còn cần sự tư duy nhạy bén, móc nối những dữ kiện với nhau để tìm ra đáp án cuối cùng chính xác nhất.
Với bài toán này, lấy 32 vỏ chai ban đầu chia 4 ta sẽ được 8 chai nước ngọt. Tuy nhiên, từ 8 chai nước ngọt đó, khi uống hết lại có thể dùng vỏ chai đổi được thêm 2 chai nữa và 2 vỏ chai cuối cùng không đổi được thêm chai nào nên kết quả cuối cùng là: 8 + 2 = 10 (chai). Đáp án đưa ra đã khiến 4 nhà leo núi phải “than trời” vì quá “lắt léo”.
Không chỉ câu hỏi trên, chương trình Đường lên đỉnh Olympia còn có hẳn một bộ sưu tập “những câu hỏi gây lú”.
Với câu hỏi: “Mỗi năm A sinh nhật một lần, năm nay A 17 tuổi hỏi A có bao nhiêu ngày sinh nhật?”. Thí sinh trả lời câu hỏi này là Hải Bình đã thay liền 5 đáp án chỉ trong vòng chưa đến 10 giây. Người thì cho 17, người lại tính 15... nhưng đáp án đúng là 1 vì dù A bao nhiêu tuổi thì A cũng chỉ có duy nhất 1 ngày sinh mà thôi.
Trong top các câu “khó đỡ” nhất lịch sử chương trình còn có câu hỏi như sau: Cửa hàng có hai loại giỏ hoa quả: loại 1 mỗi giỏ có 4 quả táo, 8 quả lê; loại 2 mỗi giỏ có 7 quả táo, 14 quả lê. Cửa hàng có 25 quả táo, vậy cửa hàng có mấy quả lê?
Đáp án được MC Diệp Chi đưa ra như sau: Nếu suy luận theo số táo - lê có trong 2 giỏ đề bài cho thì suy ra số lê luôn gấp đôi số táo. Như vậy khi cửa hàng có 25 quả táo => số lê sẽ là 25 x 2 = 50 quả.
Cả trường quay đều bất ngờ với đáp án. Thực chất phép tính và quy luật không khó, nhưng trong thời gian 10 giây với số liệu được đưa ra có phần dàn trải, thí sinh bị lúng túng nên chưa thể đưa ra đáp án đúng là điều dễ hiểu.
Thêm một câu hỏi “khó nhất” của Đường lên đỉnh Olympia: “Gia đình có 6 người con trai, mỗi người có một cô em gái. Hỏi gia đình có bao nhiêu người?”. Thực tế thì cô em gái đó là em út trong gia đình. Như vậy gia đình đó có bố mẹ, 6 người con trai và 1 cô con gái út. Tổng cộng có 9 người.
Một câu hỏi “dài nhất” chương trình Olympia: “Biết 1/1/2019 là thứ ba, vậy 1/1/2079 là thứ mấy?”. Đáp án đúng là Chủ nhật. Cách tính nhanh là: Mỗi năm thì trong cùng một ngày, số thứ tăng một, năm nhuận thì số thứ tăng 2. Từ 2019 đến 2079 có 15 năm nhuận. Vậy số thứ tăng là 60 + 15 = 75. 75 chia 7 dư 5 thì cộng 5 thứ hoặc lùi 2 thứ = Chủ Nhật.