Chung tay cùng Hải Dương, rất nhiều các tổ chức, cá nhân bằng những hình thức khác nhau đã cùng thực hiện chiến dịch "giải cứu" nông sản, san sẻ một phần những tổn thất cho người nông dân nơi đây.
Từ trước Tết Nguyên đán, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và Hải Dương trở thành tâm dịch với nhiều ca mắc trong cộng đồng. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chính quyền buộc phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa những địa phương có người mắc trong cộng đồng để khoanh vùng, dập dịch.
Bên cạnh khó khăn về việc kiểm soát dịch bệnh, bài toán kinh tế cũng khiến người dân của địa phương này đau đầu. Các loại nông sản như bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, ổi... đến thời điểm thu hoạch mà không thể bán hay xuất khẩu bình thường ra nước ngoài.
Chiến dịch giải cứu nông sản được phát động để cùng chung tay giảm thiệt hại kinh tế cho người nông dân Hải Dương được đông đảo người dân hưởng ứng
Thời điểm giãn cách xã hội không thể chậm trễ vì sự lây lan nhanh của COVID-19. Trong khi đó, theo thống kê của tỉnh Hải Dương, trên địa bàn tỉnh còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ.
Người dân Thủ đô tích cực mua hàng ủng hộ bà con nông dân
Trước tình hình đó, với tinh thần cả nước hướng về Hải Dương, chung tay cùng Hải Dương chống dịch, một chiến dịch giải cứu nông sản đã chính thức được phát động, kêu gọi đông đảo mọi người cùng tham gia
Người người, nhà nhà, tổ chức cùng kêu gọi và tham gia “giải cứu nông sản”
Những ngày này, không quá khó để bắt gặp những dòng tin trên mạng xã hội kêu gọi tham gia và thông báo các thông tin về chương trình Giải cứu nông sản giúp đỡ bà con nông dân Hải Dương. Có thể thấy, những người tham gia thuộc nhiều thành phần khác nhau, từ các cá nhân tâm huyết tới các cơ quan, đoàn thể, tổ chức, công ty… Có người là sinh viên, cũng có người là chủ các cơ sở kinh doanh, trưởng các đoàn thể, nhà trường… Mỗi người một công việc, một chức vụ khác nhau nhưng đều một mục tiêu giúp bà con nông dân Hải Dương giảm bớt phần nào thiệt hại.
Từ những cá nhân tham gia chiến dịch...
Điều đáng nói hơn cả, những cá nhân, tổ chức đứng ra thực hiện chiến dịch không chỉ là những người con quê Hải Dương mà còn là người dân từ các địa phương khác nhau. Tại những địa điểm tập kết hàng để bán tại Hà Nội, Bắc Ninh… những người dân nhà gần đó đã góp công, góp sức ra tháo gỡ hàng xuống, phân loại gọn gàng, hướng dẫn người dân đứng xếp hàng mua để không làm ách tắc giao thông cũng như thực hiện đúng quy định giãn cách xã hội.
Cho tới các tổ chức, cơ quan đoàn thể cùng chung tay giúp bà con nông dân vùng dịch
Theo chia sẻ của chị Hạnh, một cá nhân tham gia nhóm thiện nguyện giải cứu nông sản, hiện tại mọi người ở các nơi đã liên kết với nhau qua mạng để lên kế hoạch. Sẽ có những người phụ trách tại địa phương giúp bà con chuẩn bị nông sản, gửi ra Hà Nội. Nông sản, phương tiện vận tải đều được phun khử khuẩn 2 lần trên đại bàn Hải Dương, bao gồm Hợp tác xã và chốt kiểm dịch trước khi đi tới địa điểm phân phối.
Quá trình vận chuyển hàng hóa đều được đảm bảo công tác kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm
Chị Hạnh cho biết, sáng nay chuyến hàng do nhóm chị thu gom đã về đến Hà Nội và chia làm 6 điểm sáng, nhưng chỉ trong vòng buổi sáng hàng đã hết sạch, nhiều người đặt trước nhưng nếu không đến tận nơi đến lấy thì cũng không có hàng vì đơn quá tải, không thể ship hết được đến từng người.
Theo ghi nhận, giá nông sản tập kết được bán với giá rất rẻ: ổi Thanh Hà 5000 đồng/kg; su hào 10.000 đồng/4 củ; bắp cải 7.000 đồng/cái; cà rốt 30.000 đồng/5kg; cà chua 20.000 đồng/5kg… Tất cả đều được phân loại, đóng gói sẵn theo từng cân để người mua thuận tiện giao dịch.
Ngoài các cá nhân, nhóm từ thiện nhỏ, nhiều doanh nghiệp thương mại, phân phối cũng tham gia giải cứu bằng việc tích cực thu mua, tiêu thụ nông sản cho bà con để phân phối tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị. Ước tính, chỉ sau 1 tuần chiến dịch giải cứu được phát động đã tiêu thụ được khoảng 100 tấn nông sản cho bà con nông dân Hải Dương.
Người dân háo hức chia sẻ “giải cứu nông sản”, kêu gọi bạn bè cùng tích cực ủng hộ
Trong thời buổi công nghệ, chiến dịch giải cứu nông sản đã nhanh chóng tại một sức lan tỏa rất mạnh mẽ. Không chỉ tham gia trực tiếp vào việc thu gom, đóng gói, vận chuyển hay mua hàng ủng hộ, nhiều người dân còn giúp bà con bằng cách chia sẻ các thông tin về địa điểm bán hàng giải cứu để đông đảo mọi người biết đến hơn. Những hội nhóm giải cứu được lập ra để mọi người có kênh tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng. Nhờ vậy, số lượng người biết đến và tham gia giải cứu nông sản tăng nhanh.
Chị Nguyễn Thu Hoài (30 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) nói: "Mình cùng chồng đến điểm bán ủng hộ nông sản giúp bà con Hải Dương vì mình hiểu hoàn cảnh người nông dân đang rất khó khăn. Mua xong, mình nhắn ngay lên mạng xã hội để mọi người đến ủng hộ nhiều hơn nữa".
Sau khi mua hàng, mọi người còn thêm một thao tác nữa là chia sẻ lên mạng để lan tỏa và kêu gọi mọi người cùng ủng hộ
Không chỉ vậy, nhiều người còn chia sẻ lên mạng xã hội các thức chế biến những món ăn từ rau, củ, quả mua được với mục tiêu tạo ra món ăn ngon, giữ được lâu, cũng là một cách góp phần tiêu thụ nông sản cùng bà con nông dân.
Bằng hình thức này, mỗi người dân đã và đang góp phần giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho nông dân vùng dịch
Hướng dẫn làm các món ăn từ rau, củ, quả thu mua được từ chiến dịch giải cứu cũng được chia sẻ trên mạng xã hội
Sự chung tay, góp sức của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau đã và đang giúp giảm “đòn đau” kinh tế cho người dân Hải Dương. Dự kiến sắp tới, chiến dịch giải cứu nông sản sẽ tiếp tục được triển khai để tiếp sức cho họ cùng chống dịch trong giai đoạn khó khăn này.