Chà bông thịt gà thối bán cho quán xôi, bánh mì ở TP.HCM

Ngày 01/10/2014 20:51 PM (GMT+7)

Trong lúc cơ quan chức năng đang làm việc phía trước, chủ lò âm thầm tuồn chà bông bẩn đã chế biến giấu ở lùm cây bên hông nhà.

Trưa nay, 1/10, Đoàn Kiểm tra liên ngành phòng chống dịch gia súc, gia cầm huyện Bình Chánh (TP.HCM) bất ngờ kiểm tra tại địa chỉ F7/1C ấp 6 (hẻm đường Vĩnh Lộc), xã Vĩnh Lộc B, phát hiện tại đây đang tổ chức sản xuất chà bông quy mô lớn nhưng không có giấy phép và điều kiện vệ sinh cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Chà bông thịt gà thối bán cho quán xôi, bánh mì ở TP.HCM - 1

Đây là lò chuyên sản xuất chà bông gà bỏ mối cho các điểm bán xôi, bánh mì, bánh ngọt trên địa bàn huyện Bình Chánh và Bình Tân. Mỗi ngày cơ sở cho ra lò khoảng 100 kg thành phẩm. Thịt gà ở khu nguyên liệu đã bốc mùi hôi thối.

Chà bông thịt gà thối bán cho quán xôi, bánh mì ở TP.HCM - 2

Ổ chó ở bên cạnh nơi để bột, chà bông thành phẩm. Chủ cơ sở là bà Đỗ Thị Tân (SN 1984), cho biết tùy theo đặt hàng mà cơ sở sản xuất cho ra các giá bán khác nhau, nhưng không quá 100.000 đồng/kg. Dù quy trình sản xuất rất mất vệ sinh nhưng thành phẩm lại có màu rất bắt mắt. Ghi nhận tại hiện trường, la liệt thành phẩm và nguyên liệu được để trong khay dưới nền nhà mặc cho chó tự nhiên qua lại. Cơ sở còn sử dụng dụng cụ hốt rác để xúc bột trộn vào chà bông.

Chà bông thịt gà thối bán cho quán xôi, bánh mì ở TP.HCM - 3

Đáng chú ý, khi đoàn kiểm tra đang làm việc phía trước thì chủ lò âm thầm chỉ đạo nhân viên và người nhà tẩu táng tang vật, tuồn cả chục bịch chà bông bằng cửa sau rồi đem giấu dưới lùm cây bên hông nhà. Chà bông bẩn thành phẩm được chủ hàng đem đi tẩu táng. Tang vật thu giữ gồm 1.102 kg sản phẩm các loại, trong đó có 817 kg chà bông thành phẩm để kiểm dịch lại, nhưng chủ cơ sở đã tự nguyện đem tiêu hủy tại bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn.

Chà bông thịt gà thối bán cho quán xôi, bánh mì ở TP.HCM - 4

Ông Nguyễn Hồng Triệu, Phó trưởng Trạm thú y huyện Bình Chánh, trưởng đoàn liên ngành, cho biết cơ sở không có giấy phép kinh doanh, nhân viên không khám sức khỏe, không tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật cơ sở cung cấp không khớp địa chỉ sản xuất,… Đoàn Liên ngành đã đình chỉ hoạt động sản xuất tại cơ sở trên, đồng thời yêu cầu chủ cơ sở tạm ứng hơn 24,5 triệu đồng gồm tiền phạt vi phạm hành chính và tiêu hủy lô hàng.

Theo Ngọc Ánh/ Người Lao Động
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh hoàng thực phẩm bẩn