Để không tạo gánh nặng cho các con sau khi ly hôn, vợ chồng ông Peng đã nhận nuôi cháu trai bị thiểu năng trí tuệ. 33 năm qua, ông đã cùng cháu đến rất nhiều nơi, gặp rất nhiều bác sĩ, tìm nhiều phương pháp hỗ trợ phục hồi, với hi vọng cháu có thể tự chăm sóc bản thân, sớm hòa nhập.
“Liangliang, lại đây đọc đoạn văn này cho ông nội nghe…”.
Như thường lệ, cứ chiều chiều, ông Peng Jingchu lại ngồi đọc sách với cháu trai Liangliang. Thỉnh thoảng, ông Peng sẽ yêu cầu Liangliang đọc to hơn, sau đó cẩn thận lắng nghe những lời cháu đọc, miệng bất giác nở nụ cười.
Ông Peng Jingchu năm nay 85 tuổi, sống cùng vợ là bà Yuan Xugui và cháu trai Liangliang trong một khu dân cư cũ ở Vũ Lăng, Thường Đức, Hồ Nam, Trung Quốc. Trong nhà của họ, ngoại trừ đồ đạc đơn giản, khó có thể tìm được thứ gì có giá trị ngoài thiết bị phục hồi chức năng ở phía góc nhà. Thiết bị phục hồi chức năng này được ông Peng Jingchu đặc biệt chế tạo cho cháu nội của mình.
"Đây là cháu trai của tôi, năm nay nó 33 tuổi. Tôi đã chăm sóc nó 33 năm", ông Peng giới thiệu.
Gia đình ông Peng Jingchu từng đặt bao niềm hy vọng vào đứa cháu nội này. Nhưng thời gian trôi qua, gia đình ông dần nhận thấy có điều gì đó không bình thường. Liangliang có vẻ hơi khác so với những đứa trẻ cùng tuổi. Vì vậy, ông Peng Jingchu đã đưa cháu đến bệnh viện để khám sức khỏe và kết quả hôm đó đã trở thành cú sốc lớn với cả gia đình.
Ngày biết tin cháu trai bị thiểu năng trí tuệ, bầu trời như sụp đổ ngay trước mắt ông.
Bác sĩ chẩn đoán Liangliang mắc chứng thiểu năng trí tuệ. Điều này khiến ông Peng cảm thấy bầu trời như sụp đổ trước mắt.
Sau đó, vợ chồng con trai ông đã chọn ly hôn vì không thể đối mặt với sự thật tàn khốc này. Để giảm bớt gánh nặng cho con, vợ chồng ông kiên quyết đảm nhận trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc cháu nội. Dù gặp phải hết khó khăn này đến khó khăn khác nhưng hai ông bà chưa từng có ý định từ bỏ việc chăm sóc Liangliang.
Để nắm bắt mọi cơ hội và khả năng phục hồi, suốt những năm qua, ông Peng không nhớ đã đưa cháu nội đến bao nhiêu tỉnh thành, gặp bao nhiêu bác sĩ; từ Bắc Kinh, Quảng Châu tới Trường Sa, Tương Đàm...
"Tôi hy vọng cháu có thể hồi phục và lớn lên trong một môi trường ổn định. Ngay cả khi không có ai quan tâm đến nó, vợ chồng tôi vẫn sẽ yêu thương Liangliang. Dù thế nào thì đây cũng là cháu trai của tôi", ông Peng tâm sự.
Năm 1994, ông đã một mình đưa Liangliang đến chữa trị ở thành phố Tương Đàm. Quá trình phục hồi kéo dài 3 tháng rất khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm. Khi đó, do điều kiện kinh tế hạn chế, không thể mua được thiết bị phục hồi chức năng phù hợp nên Peng Jingchu đã nhờ người làm riêng thiết bị phù hợp với Liangliang, giúp cháu luyện khả năng phối hợp tay chân và cảm giác thăng bằng tốt hơn.
Ông Peng Jingchu không chỉ kiên nhẫn dạy Liangliang cách đọc và viết mà còn dạy anh nhiều kỹ năng tự chăm sóc bản thân, với những mong Liangliang có thể sớm hòa nhập xã hội. Mỗi khi có thời gian, Peng Jingchu lại đưa cháu ra ngoài giao lưu với mọi người nhiều nhất có thể, tạo nhiều cơ hội và không gian để cháu rèn luyện thể chất và trí óc... Ngày này qua tháng khác, đông qua hè đến, ông Peng gần như dành toàn bộ sức lực của mình cho Liangliang.
Liangliang đã không phụ tấm lòng của ông nội mình. Giờ đây, chàng trai không chỉ có thể tự chăm sóc bản thân, giúp ông bà làm một số công việc nhà đơn giản mà còn có thể đọc sách và đi dạo một mình.
Trong suốt những năm tháng chăm sóc Liangliang, ông Peng gặp không ít khó khăn, khiến bản thân mỗi lần nghĩ lại đều bật khóc.
“Lần đó, Liangliang bỏ nhà đi một mình mãi không thấy về. Vợ chồng tôi lo lắm, chạy khắp nơi tìm mà không thấy cháu, chỉ biết khóc vì bất lực. May mắn thay, sau đó Liangliang đã về. Nếu có chuyện gì xảy ra với nó, chúng tôi biết sống sao đây”, ông Peng xúc động nhớ lại.
"Tôi đã tắm cho thằng bé từ khi nó còn nhỏ. Mãi đến năm ngoái, khi tôi không thể tiếp tục thì mới để cho Liangliang tự tắm rửa, Peng Jingchu luôn cảm thấy mình không thể tắm được nữa", ông tâm sự.
Càng có tuổi, ông Peng càng cảm gặp phải nhiều khó khăn hơn trong việc nuôi dạy cháu. Nhưng dù phải đối mặt với bất cứ chuyện gì, chỉ cần có thể giúp cháu tiến bộ, ông đều cảm thấy điều đó là xứng đáng.
"Ông ơi, chúng ta sẽ ăn cơm và hấp bánh bao này cho bữa tối nay nhé", Liangliang vừa nói vừa khéo léo cho cơm, bánh bao và vài thực phẩm khác vào nồi hấp. Sau đó, cậu lấy một miếng giẻ, cẩn thận lau những vết nước còn sót lại trên nắp nồi... Mặc dù Liangliang chưa thể sống như một người bình thường nhưng ông Peng Jingchu khá hài lòng khi thấy cháu nội tiến bộ từng chút một.
“Mỗi ngày nhìn thấy cháu tiến bộ hơn một chút, có thể tự chăm sóc bản thân là tôi cũng yên tâm hơn”, ông Peng xúc động nói.
Ở tuổi gần đất xa trời, điều ông Peng Jingchu lo lắng nhất chính là cuộc sống tương lai của cháu nội. Ông hy vọng Liangliang có thể học cách tự chăm sóc bản thân và không trở thành gánh nặng cho xã hội và đất nước.