“Công khai minh bạch, chấm dứt lạm thu là mong muốn của phần lớn phụ huynh nhưng không phải ai cũng dám nói ra. Chính vì vậy chấm dứt lạm thu trông chờ nhiều vào sự… tự ý thức” – đó là nhận định của TS Nguyễn Tùng Lâm (ảnh) - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.
- Năm nào cũng vậy, trước thềm năm học mới, các ban ngành đều có chỉ đạo ráo riết chống lạm thu nhưng như “nước đổ lá khoai”. Ông đánh giá thế nào về “điệp khúc” này?
- Vấn đề nằm ở sự thiếu minh bạch trong thu chi dưới những cái tên- tự nguyện, thỏa thuận. Hiện trường nào cũng có Ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục, giám sát thu chi; Bộ GDĐT cũng đã ban hành cả Điều lệ Hội Cha mẹ học sinh để tạo “hành lang pháp lý” cho tổ chức này hoạt động.
Tuy nhiên, ở nhiều nơi Hội Cha mẹ học sinh lại biến tướng trở thành cánh tay đắc lực trong việc vận động và thu các khoản tự nguyện, thỏa thuận cho trường. Họ có quyền giám sát, nhưng lại yếu thế vì sợ “mất lòng” nhà trường, ảnh hưởng đến con cái. Chính vì điều này mà việc than cứ than nhưng rất ít phụ huynh dám lên tiếng, lộ mặt bày tỏ quan điểm của mình về các khoản thu.
TS Nguyễn Tùng Lâm
- Cản trở lớn nhất để minh bạch thu, chi trong trường học là gì, thưa ông?
- Như tôi nói, chính là ý thức. Ý thức muốn công khai và nhận được sự đồng thuận từ xã hội của lãnh đạo các trường, ý thức của phụ huynh trong việc bảo vệ quyền lợi cho chính bản thân mình và sự nhiệt tình, tự nguyện của các cá nhân trong cộng đồng dân cư trong việc chủ động giám sát. Khi thực hiện đề án, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, vận động những cá nhân thực sự tha thiết, gắn bó với sự nghiệp, sẵn sàng đưa ra các sáng kiến để huy động thêm nguồn lực cho giáo dục ở mỗi nhà trường họ mong muốn và cùng với nhà trường chịu trách nhiệm trước những hoạt động giáo dục.
- 1 năm trước, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đã đưa ra Đề án xây dựng Hội đồng giám sát cộng đồng trường học và đã tổ chức thực hiện thí điểm tại một số trường. Đề án có thể là “liều thuốc” chấm dứt nạn lạm thu?
- Hội đồng giám sát cộng đồng trường học là 1 ý tưởng tốt để chống lạm thu. Theo đề án xây dựng, mỗi trường sẽ thành lập 1 hội đồng, gồm 10–12 người, trong đó có giáo viên, phụ huynh, đại diện dân cư địa phương (các Hội Cựu chiến binh, Tổ dân phố, Hội Phụ nữ…) và tuyệt đối không có thành phần lãnh đạo trường. Hội đồng hoạt động độc lập và có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện các khoản thu chi từ tiền đóng góp của phụ huynh.
Hội đồng cũng phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước nếu có xảy ra lạm thu. Sau 6 tháng thực hiện thí điểm tại 6 trường công lập ở Hà Nội là: Trường Mầm non Giáp Bát, Trường Mầm non Bình Minh, Trường Tiểu học Giáp Bát, Trường THCS Giáp Bát, Trường THPT Trương Định và Trung tâm GDTX thuộc quận Hoàng Mai. Hội cũng đã tổng kết rút kinh nghiệm.
Theo đó, sau khi khảo sát tâm lý của phụ huynh, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể về nhu cầu và ý nghĩa thực tiễn của việc cần có một Hội đồng giám sát độc lập trong trường học. Đề án đã nhận được sự đồng tình rất lớn. Lãnh đạo nhiều trường cũng hoan nghênh, đặc biệt MTTQ các phường rất nhiệt tình ủng hộ. Những hoạt động ban đầu đã tác động vào nhận thức người liên quan, các khoản thu chi đã minh bạch và được giám sát chặt chẽ.
Tuy vậy, thời gian thực hiện quá ngắn (6 tháng) nên các Hội đồng giám sát cộng đồng trường học chưa phát huy hết vai trò, chưa thực hiện hết được các nội dung, cũng chưa huy động được thêm nguồn lực nào. Chính điều này đã dẫn đến sự đồng thuận chưa cao của lãnh đạo các trường. Một số trường còn cho rằng chưa cần thiết phải có Hội đồng giám sát này.
Các em học sinh trong ngày khai giảng tại một trường tiểu học tại Hà Nội. Ảnh: Đ.D
- Lần đầu tiên có một giải pháp cụ thể, bài bản và được đánh giá cao nhằm “chữa bệnh” lạm thu. Vậy Hội Tâm lý giáo dục cần làm gì để đề án này không “chết yểu”?
- Hiện nay chúng tôi đã có kiến nghị lên Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Bộ GDĐT và các sở ban ngành hỗ trợ về mặt pháp lý để đề án được triển khai rộng rãi. Trước mắt sẽ đề xuất với Sở GDĐT Hà Nội làm ở các trường chất lượng cao. Bản thân Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội rất tâm huyết nhưng chưa đủ lực, làm bất cứ bước nào cũng phải xin phép khắp nơi rất phức tạp. Nếu có sự đồng thuận của các cấp và đặc biệt các trường thì tôi tin đề án sẽ có hiệu quả trong thời gian tới, tình trạng lạm thu sẽ chấm dứt.
- Xin cảm ơn ông.
"Để chống lạm thu, theo tôi các cơ quan quản lý giáo dục, lãnh đạo các địa phương, các tổ chức giám sát xã hội cần công bố công khai điện thoại đường dây nóng, hộp thư phản ảnh mà không cần nêu tên cụ thể để các bậc phụ huynh góp ý kiến, phản ảnh về các khoản thu, chi thiếu minh bạch. Các tổ chức xã hội khác như Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cũng cần phải vào cuộc, tập hợp các ý kiến rồi tổ chức các buổi "chất vấn" để làm rõ, từ đó có các hình thức xử lý theo đúng quy định hành chính”. Ông Đặng Như Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Minh Nguyệt (ghi) |