Nhiều sinh viên đã ra trường ở Mỹ sẵn sàng bán các bộ phận cơ thể để mong có cơ hội trả món nợ mà họ đã vay mượn thời sinh viên.
Theo Sputnik News hôm 14-9, trong mùa hè này, trang tư vấn tài chính MyBankTracker đã thực hiện một cuộc khảo sát về vấn đề liệu người sử dụng dịch vụ của họ có sẵn sàng bán nội tạng để trả số nợ vay khi học đại học hay không.
Cuộc khảo sát tiến hành trên một nhóm 200 người ở độ tuổi 32, có số tiền dư nợ cho vay trung bình là 34.500 USD. Kết quả khảo sát cho thấy 30% người tham gia khảo sát đồng ý bán nội tạng nếu điều đó giúp họ trả được số nợ vay thời sinh viên. Họ thà bán nội tạng của mình để trả nợ còn hơn là làm việc kiếm tiền để trả món nợ đó.
Tuy nhiên bất chấp kết quả khảo sát trên, một trong những nhà thành lập MyBankTracker - ông Alex Matjanec - hoài nghi rằng liệu những người tham gia khảo sát có trung thực khi trả lời khảo sát. Ông cũng nhấn mạnh về xu hướng thiếu bản lĩnh khi đối mặt với thử thách của người Mỹ.
Đa phần sinh viên Mỹ đều tốt nghiệp đại học với khoảng nợ khổng lồ trên lưng (Ảnh minh họa)
“Tôi không nghĩ họ đang đưa ra quyết định táo bạo hay đề ra các biện pháp quyết liệt, nhưng dựa vào kết quả khảo sát, họ muốn thoát khỏi nợ nần nhanh chóng hơn là việc kiên trì trả nợ dần dần”, ông Alex Matjanec nói.
Trang MyBankTracker cho biết, xu hướng thái độ của người Mỹ đối với khoản nợ của họ chỉ ra rằng đang dần đánh mất tư duy đầu tư, tích cóp dần dần. Ông Matjanec chỉ ra rằng tâm lý “thoát khỏi nợ nần bằng mọi giá” kiểu này liên quan tới thực tế 56% những người dưới 30 tuổi có xu hướng trì hoãn những quyết định quan trọng trong cuộc sống bởi họ phải trả nợ.
Những khoản vay đi học ở một trường đại học danh giá của Mỹ có thể đạt đến 200.000 USD trong khi tổng số tiền nợ của các sinh viên tốt nghiệp tại Mỹ hiện là khoảng 1,2 nghìn tỉ USD. Học phí cho 4 năm đại học và cao đẳng công lập đã tăng lên 50% trong vòng 10 năm qua.