Cán bộ của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã dùng thẻ bảo hiểm y tế của một số bệnh nhân làm khống 49 hồ sơ để rút ruột thuốc bảo hiểm y tế (BHYT), với số tiền lên tới hơn 19 triệu đồng.
Lập khống 49 hồ sơ để rút tiền BHYT
Sau khi một số cơ quan báo chí phản ánh việc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội dưới sự chỉ đạo của giám đốc Trung tâm đã có hàng chục hồ sơ khống lợi dụng thẻ bảo hiểm y tế của người có công rút ruột tiền thuốc của nhà nước, chiều ngày hôm nay 7/5, Sở Y tế Hà Nội lần đầu lên tiếng trả lời về vụ việc này.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, phía thanh tra và lãnh đạo Sở Y tế chỉ biết sự việc rút ruột tiền thuốc BHYT tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội khi một cán bộ tại trung tâm này gửi đơn tố cáo sự việc lên một cơ quan báo chí và cơ quan báo chí đã gửi công văn yêu cầu Thanh tra Sở xác minh sự việc.
Ngay khi tiếp nhận thông tin về sự việc, thanh tra Sở đã kiểm tra xác suất một số bệnh nhân trong danh sách bệnh nhân đến khám trong hệ thống máy tính tại phòng khám tại Trung tâm Cấp cứu 115.
Qua kiểm tra phát hiện, trước ngày 1/9/2013, đã có 33 trường hợp bệnh nhân bị cán bộ của trung tâm sử dụng thẻ bảo hiểm để làm hồ sơ khống lấy thuốc. Ngày 4/9, bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra công tác khám chữa bệnh, kê đơn thuốc tại phòng khám của Trung tâm, phát hiện thêm 16 hồ sơ được làm khống. Kết quả 2 lần kiểm tra, Sở Y tế kết luận, dược sỹ Lê Thị Thu Hương, cán bộ Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nọi đã sử dụng số thẻ BHYT của người khác lập 49 hồ sơ khống để lĩnh thuốc BHYT trị giá hơn 19 triệu đồng, trong đó có hơn 3 triệu tiền công khám và xấp xỉ 16 triệu tiền giá trị thuốc BHYT bị rút ruột.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội trả lời về sai phạm tại Trung tâm Cấp cứu 115 chiều ngày hôm nay
(Ảnh MH)
Ông Trần Ngọc Tụ, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Sai phạm trên tại Trung tâm Cấp cứu 115 là do cán bộ có hiểu biết chưa đủ hoặc vì mục đích cá nhân nên sử dụng thẻ của người vắng mặt để lấy thuốc bảo hiểm y tế. Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Cấp cứu 115 nghiêm túc kiểm điểm, xử lý các cá nhân có sai phạm".
Với các cá nhân liên quan trực tiếp đến việc rút ruột tiền bảo hiểm y tế, ông Tụ cho biết, dược sỹ Lê Thị Thu Hương bị kỷ luật ở mức 2: kéo dài thời gian nâng lương hơn 6 tháng công tác và điều chuyển sang làm công việc khác tại Trung tâm. Số tiền hơn 19 triệu đồng dược sỹ Hương đã nộp lại cho Trung tâm để bù vào ngân sách.
Có hay không việc rút ruột theo chỉ đạo của Giám đốc Trung tâm?
Như vậy chỉ trong thời gian ngắn từ năm ngoái đến nay sau vụ nhân bản kết quả xét nghiệm kết quả xét nghiệm, khám chữa bệnh rút ruột tiền BHYT tại BV Đa khoa Hoài Đức từng làm chấn động dư luận, ngành y tế Hà Nội tiếp tục có vụ nhân bản thứ 2 tại Trung tâm Cấp cứu 115. Vụ nhân bản tại BV Đa khoa Hoài Đức, trong thời gian kéo dài gần 1 năm (từ 1/7/2012 đến 31/5/2013) đã có 1.544 kết quả xét nghiệm huyết học được làm khống, rút ruột BHYT hơn 16 triệu đồng. Còn sự việc tại Trung tâm Cấp cứu 115, chỉ trong vòng 6 tháng cán bộ của Trung tâm này với chiêu làm khống hồ sơ từ thẻ BHYT của bệnh nhân đã rút ruột BHYT số tiền hơn 19 triệu đồng.
Trong 6 tháng, cán bộ Trung tâm Cấp cứu đã rút ruột hơn 19 triệu đồng tiền BHYT
Tại cuộc gặp mặt, rất nhiều câu hỏi được đặt ra như việc xử phạt như vậy có nghiêm minh và với thủ đoạn tinh rút ruột tinh vi như thế, đòi hỏi phải có nhiều chữ ký của cán bộ Trung tâm chỉ một mình dược sỹ Hương bị xử lý liệu có bỏ lọt?
Trước chất vấn cho rằng việc quản lý cán bộ, đội ngũ y bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lỏng lẻo dẫn tới việc họ có cơ hội làm khống hồ sơ, ông Trần Ngọc Tụ, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế Hà Nội chia sẻ: "Không có một bác sĩ nào muốn về làm việc tại Trung tâm Cấp cứu 115. Để phục vụ cho công tác cấp cứu bệnh nhân tại Trung tâm và nhất là tại cộng đồng, Sở Y tế đã đồng ý cho Trung tâm là đơn vị duy nhất được tuyển bác sĩ, cán bộ vào làm việc mà không cần phải có hộ khẩu tại Hà Nội. Sau sai phạm này, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm phải xây dựng lại quy trình giám sát, người đến khám bệnh phải trình thẻ, phiếu cấp phát thuốc phải có đủ chữ kỹ của kỹ thuật viên, bác sĩ, người lĩnh thuốc. Phòng khám phải khóa sổ cấp phát thuốc hàng ngày tại kế toán, tránh để tình trạng làm hồ sơ khống”. |
Trả lời các câu hỏi này, ông Trần Ngọc Tụ cho biết thêm có 7 cán bộ khác của Trung tâm bị xử phạt vì có liên đới đến sự việc.
“7 cán bộ này của Trung tâm vì cả nể khi dược sỹ Hương nhờ đã ký vào các phiếu thống kê và thanh toán thuốc khống. Với sai phạm này,7 cán bộ bị xử lý hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc”, ông Trụ nói.
Về trách nhiệm của ban giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 và đặc biệt là của giám đốc Trần Văn Nam, khi trước đó theo phản ánh của dược sỹ Hương – người bị xử lý nặng nhất trong vụ việc phản ánh với một cơ quan báo chí trước đó là việc làm hồ sơ khống là theo lệnh của vị giám đốc này, để lấy thuốc mang về phòng khám riêng của giám đốc. Tuy nhiên, tại cuộc gặp mặt báo chí, phía Sở Y tế không đề cập đến nội dung này.
Với sự sai phạm trên, phía Sở Y tế Hà Nội cho biết 3 lãnh đạo gồm ông Nam giám đốc và 2 phó giám đốc chỉ bị Sở Y tế kiểm điểm vì trách nhiệm quản lý yếu.
Ông Tụ cho biết thêm: “Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Trần Văn Nam đã có 40 năm gắn bó với Trung tâm, thời gian gần đây sức khỏe rất yếu. Anh Nam đã đi giám định sức khỏe tại Trung tâm giám định của thành phố, kết quả giám định sức khỏe suy giảm trên 61%. Anh Nam đã có đơn xin được nghỉ hưu nhưng thủ tục chưa làm xong thì xảy ra sự việc. Xét thấy sai phạm của đồng chí Nam là do sức khỏe yếu dẫn tới việc quản lý yếu nên Sở Y tế đưa ra hình thức kiểm điểm và đề nghị Sở Nội vụ sớm giải quyết cho đồng chí Nam về nghỉ hưu”.
Đáng nói là trong cuộc gặp mặt này, dù cơ quan báo chí rất mong muốn có sự tham gia của phía Trung tâm Cấp cứu 115 nhưng không có cán bộ bị xử lý vì liên quan đến sai phạm hay bất kỳ một lãnh đạo nào của Trung tâm được mời đến tham dự.